GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGUỒN LỢI THỦY SẢN

14/08/2020

“Thẻ vàng” của EC là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam thay đổi chiến lược phát triển khai thác, sản xuất thủy sản theo hướng bền vững. Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, kỳ vọng với những nỗ lực tích cực thực thi có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp sẽ đưa ngành thủy sản Việt Nam đạt được những thành tựu lớn.

 

Phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản

Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo áp dụng biện pháp cảnh cáo bằng "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam. Kể từ đó đến nay, ngành thủy sản Việt Nam đã không ngừng nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC nhằm tháo gỡ thẻ vàng, bảo vệ uy tín thương hiệu, phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 757/QĐTTg về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO) đến năm 2025 thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc tháo gỡ thẻ vàng của EC cũng như phát triển ngành thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững, minh bạch. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa về vấn đề này:

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên: Thưa đại biểu, Việt Nam đã có nỗ lực gì nhằm gỡ "thẻ vàng" của EC?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Việc EC đưa ra cảnh báo đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam đây là một thách thức lớn, đồng thời cũng là cơ hội để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng như cộng đồng ngư dân và các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam thay đổi nhận thức về phát triển nghề cá hiện đại, bền vững, có trách nhiệm để hội nhập với quốc tế.

Qua theo dõi, sau hơn 2 năm nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ “thẻ vàng” của EC chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng trong việc chống khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định), các việc làm cụ thể như:

Thứ nhất, Quốc hội đã xem xét ban hành Luật Thủy sản năm 2017 và Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để cụ thế hóa các quy định của quốc tế vào điều kiện đánh bắt, khai thác, chế biên thủy sản ở nước ta.

Thứ hai, công tác tuyên truyền, phổ biến về chống khai thác IUU cũng được các cơ quan quản lý thủy sản từ Trung ương đến địa phương tập trung quyết liệt bằng nhiều hình thức, từ đó góp phần nâng cao ý thức của ngư dân và các doanh nghiệp khai thác, chế biến thủy sản.

Thứ ba, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, xử lý các hành vi vi phạm, hạn chế thấp nhất việc xảy ra các vụ việc tàu cá nước ta vi phạm vùng biển của các nước trong khu vực Thái Bình Dương; kiểm soát việc ghi nhật kí khai thác thủy sản, áp dụng truy xuất nguồn gốc thủy sản theo quy định của pháp luật;

Thứ tư là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tham gia các hiệp định, công ước quốc tế về thủy sản mà cụ thể là vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 757 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Phóng viên: Theo ý kiến của đại biểu còn những khó khăn, vướng mắc gì cần tháo gỡ để Việt Nam sớm được gỡ "thẻ vàng" của EC?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Để sớm gỡ “thẻ vàng” theo tôi cần tập trung tháo gỡ  một số khó khăn, hạn chế  như sau:

Về mặt pháp lý: cần phải tiếp tục có những quy định rõ ràng, minh bạch hơn để làm sao thực hiện Hiệp định Biện pháp quốc gia có cảng nhưu giám sát tàu cá; phân vùng khai thác; kiểm soát hoạt động chuyển tải; cấp phép cho tàu cá Việt Nam đi khai thác tại vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó cần phải có chế tài mạnh hơn đối với các tàu có hành vi khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) như: tăng mức xử phạt hành chính thậm chí truy tố hình sự để đảm bảo ngăn chặn các hành vi vi phạm...

Về giải pháp cụ thể để tổ chức thực thi pháp luật, thực hiện những khuyến cáo mà EC đã đưa ra:

. Trước hết là phải xây dựng hoàn chỉnh cơ chế chỉ đạo, điều hành thông suốt, nhanh chóng, kịp thời từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo thực thi hiệu quả các quy định của pháp luật cũng như các điều ước, các cam kết đã ký.

. Tăng cường huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá tương xứng với tìm lực khai thác; đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho cơ quan quản lý nhà nước đáp ứng được yêu cầu  kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu cá trên vùng biển, nhất là ứng dụng các thiết bị công nghệ hiện đại để giám sát hành trình của tàu cá.

. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng và trên biển đáp ứng yêu cầu quản lý, nhất là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong việc quản lý.

. Phải kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, tàu cá hoạt động trên biển và sản lượng hải sản cập bến để truy xuất nguồn gốc thủy sản, đảm bảo độ tin cậy, tính hợp pháp để xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

. Tiếp tục đàm phán, phân định rõ ràng số vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam với một số nước trong khu vực, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến cho ngư dân biết để tránh việc vi phạm và bị bắt giữ như thời gian vừa qua. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi cố tình vi phạm trong khai thác, chế biến thủy sản, nhất là tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Phóng viên: Về việc gắn thiết bị giám sát hành trình tàu cá là một trong những khuyến nghị EC đưa ra. Vậy, khuyến nghị này được Việt Nam thực hiện như thế nào trong thời gian qua, thưa đại biểu?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Qua theo dõi báo cáo của các cơ quan chức năng thì thời gian qua mặc dù các địa phương có nhiều cố gắng nhưng tỷ lệ lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình tàu cá chưa đạt và còn chậm so với thời gian quy định đến ngày 1/4/2020 phải hoàn thành theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ chủ các tàu cá không tuân thủ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, hoặc có lắp đặt nhưng không mở máy để theo dõi, vấn đề này cũng cần phải được quan tâm kiểm tra, xử lý kiên quyết kịp thời mới có thể nổ lực tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.

Phóng viên: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 757 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp. Vậy, đại biểu có kỳ vọng gì về việc thực hiện kế hoạch này?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Có thể nói trong hơn 2 năm qua, chúng ta đã nổ lực triển khai nhiều giải pháp để thảo gỡ “thẻ vàng” của EC trong khi thác thủy sản. Việt Nam đã nổ lực hoàn thiện khung pháp lý từ Luật Thủy sản năm 2017; các Nghị định, Thông tư hướng dẫn .... để nhanh chóng khắc phục trong thời gian ngắn nhất.

Vừa qua Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 757 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, Tôi cho rằng quyết định này hết sức kịp thời, là cơ sở pháp lý để tổ chức, thực hiện kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, đồng thời cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ của quốc gia thành viên theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng biển để quản lý khai thác, bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái biển.

Như đã nói ở trên “thẻ vàng” EC là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi chiến lược phát triển khai thác, sản xuất thủy sản theo hướng bền vững, minh bạch, bảo vệ tài nguyên trong nước cũng như thế giới. Hy vọng với những nổ lực tích cực thực thi có hiệu quả Kế hoạch trên sẽ đưa ngành thủy sản Việt Nam đạt được những thành tựu lớn, góp phần phát triển nguồn lợi kinh tế biển hiệu quả, bền vững.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Kế hoạch thực hiện Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng là cơ sở pháp lý để tổ chức, thực hiện kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp. Đồng thời, thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của quốc gia thành viên theo quy định của Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng; phối hợp với các quốc gia thành viên và cộng đồng quốc tế quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên toàn cầu./.

Lê Anh

Các bài viết khác