ĐBQH NGUYỄN THANH HIỀN: PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU MÍA NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG CAO

17/08/2020

Trước những khó khăn, thách thức của ngành mía đường, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường về giải pháp phát triển ngành này trước xu thế hội nhập.

Ngành mía đường chịu sức ép cạnh tranh kép

Những năm gần đây, nông dân nhiều địa phương đã buộc phải chặt bỏ cây mía để trồng thay thế loại cây trồng khác có giá trị cao hơn do chi phí sản xuất cao, đầu ra không ổn định.

Tại tỉnh Hậu Giang, thời hoàng kim năm 2008 địa phương có đến 15.000ha đất trồng mía, đưa vùng ĐBSCL trở thành vùng mía nguyên liệu lớn nhất cả nước, nhưng những năm gần đây ngành mía đường liên tục rơi vào cảnh bi đát nên nông dân cũng dần phải từ bỏ loại cây này. Hiện diện tích trong tỉnh Hậụ Giang chỉ còn gần 6.000ha, giảm trên 2.600 ha so với vụ năm 2019.

Anh Huỳnh Ngọc Tài: Người dân không còn mặn mà với cây mía

Theo anh Huỳnh Ngọc Tài, Xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, mỗi năm cây mía chỉ thu hoạch một lần, mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào loại cây này, song khoảng 3 năm trở lại đây, sau khi bán mía và trừ tất cả mọi chi phí thì người nông dân chỉ còn hoà vốn, có nhà còn thua lỗ. Do vậy, nhiều diện tích buộc phải chuyển hướng sang trồng những loại cây khác.

Riêng năm 2020, toàn tỉnh Hậu Giang đã có hơn 2.000 ha đất mía được các địa phương đăng ký chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, nhằm khai thác hiệu quả diện tích đất canh tác. Trong đó, nhiều nhất là huyện Phụng Hiệp chuyển đổi 1.200 ha, Thành phố Vị Thanh hơn 500 ha, Ngã Bảy 390 ha.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, diện tích mía đường cả nước trong niên vụ 2019-2020 đạt hơn 157.800 ha giảm 18% so với niên vụ 2018-2019. Sản lượng đường của tất cả các doanh nghiệp sản xuất đường của Việt Nam sụt giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 800.000 tấn, trong khi niên vụ 2018/2019 là 1,2 triệu tấn.

Từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng của covid 19 đã dẫn đến sự đình trệ đồng loạt trong hoạt động sản xuất và giao thương kinh tế. Nhu cầu tiêu dùng nói chung và mặt hàng đường nói riêng giảm sút nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp sản xuất mía cầm chừng. Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy chế biến đường, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La cho biết chỉ trong 4 tháng đầu năm, lượng đường tiêu thụ đã sụt giảm tới 50% so với cuối năm 2019 khiến công ty tồn kho tới 40.000 tấn.

Từ ngày 01/01/2020, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức được áp dụng, tất cả hạn ngạch và thuế suất nhập khẩu đường bị bãi bỏ đã khiến việc sản xuất kinh doanh và tiêu thụ đường của nhiều doanh nghiệp càng trở nên khó khăn do phải trực tiếp đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp mía đường có năng lực cạnh tranh cao hơn từ các nước Thái Lan, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Chính phủ Thái Lan luôn trợ cấp cho ngành đường bằng nhiều hình thức khác nhau để đẩy mạnh xuất khẩu. Chính vì thế, khi đường Thái Lan nhập khẩu về Việt Nam luôn có giá rẻ hơn so với đường trong nước, ngoài ra chưa kể đường lậu.

Ông Nguyễn Văn Lộc: Đường sản xuất từ mía trong nước khó cạnh tranh được về giá so với đường nhập khẩu

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư kí Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đường sản xuất từ mía trong nước khó cạnh tranh được về giá so với đường nhập khẩu. Nếu như giá đường thô thế giới vào khoảng 7.000 đ/kg thì tại Việt Nam giá 1kg đường được sản xuất trong nước đã lên tới 10.440đ/kg.

Ông Lê Hồng Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam cũng cho biết, dù hạn ngạch và thuế suất nhập khẩu đường trong khối ASEAN đã bãi bỏ, song tình trạng gian lận thương mại qua đường biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Đường lậu trên thị trường còn có giá thấp hơn nhiều so với đường sản xuất trong nước.

Các chuyên gia nhận định, do cam kết thực thi Hiệp định ATIGA, dịch Covid-19 và còn tình trạng buôn lậu đường qua biên giới, gian lận thương mại nên thời gian qua, những doanh nghiệp nào chưa thích ứng được với những thay đổi lớn này sẽ rất khó tránh khỏi việc phải phá sản. Đặc biệt, thách thức của hội nhập là khắc nghiệt, chỉ có nhà máy nào chuẩn bị được nguyên liệu cũng như có thay đổi trong quản trị doanh nghiệp, đa dạng hoá sản phẩm thì dù đối diện với nhiều khó khăn nhưng vẫn có thể tồn tại. Thực tế đã chứng minh 1/3 nhà máy đường trong Hiệp hội đã phải đóng cửa. Hiện chỉ còn 29 nhà máy đường còn tồn tại, giảm 12 nhà máy so với năm 2017.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trả lời chất vấn

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đối với mặt hàng đường, từ năm 2020, phải thực hiện cam kết theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, (gọi tắt là Hiệp định ATIGA). Theo lộ trình cam kết, từ ngày 1/1/2020, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu. Tuy nhiên, việc gia nhập và thực thi Hiệp định ATIGA càng tạo ra những áp lực rất lớn đối với ngành mía đường khi hiện nay ngành mía đường Việt Nam liên tục chịu sự tác động tiêu cực từ khí hậu, thời tiết, dịch bệnh và đường nhập lậu.

Trước khó khăn của ngành mía đường, sáng ngày 06/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về giải pháp để ngành mía đường phát triển. Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, ngành mía đường chồng chất khó khăn, nông dân bỏ mía, nhiều doanh nghiệp bên bờ vực phá sản, trách nhiệm và giải pháp của Bộ là gì?

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Mía đường là một trong những ngành hàng đang rất khó khăn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận mía đường là một trong những ngành hàng đang rất khó khăn. Theo Bộ trưởng về cơ bản chúng ta vượt mục tiêu 1 triệu tấn đường nhưng câu chuyện cạnh tranh với giá đường quốc tế càng trở nên khó khi giá đường trong nước đang cao, trong khi xu hướng đường thế giới đang thừa. Chính vì thế cả chuỗi đường từ nông dân, nhà máy đến khâu phân phối đều rất khó khăn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nêu nhóm giải pháp, trong đó Bộ NN&PTNN cùng Hiệp hội Mía đường Việt Nam tập trung rà soát lại các khâu, cơ cấu lại nhà máy đường và tận dụng tốt chuỗi giá trị của ngành mía đường.

Cụ thể, đối với khâu giống mục tiêu đưa ra là hệ thống giống 3 cấp, cố gắng trong thời gian ngắn nhất khoảng 2 - 3 năm phủ kín 100% diện tích để đẩy năng suất cây mía từ 66 tấn lên 80 - 100 tấn/ha. Cùng với đó là cơ khí hóa tại những địa hình cho phép.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh, ngành mía đường phải kiện toàn để đảm bảo đủ nhà máy sản xuất đường có công suất tốt, chất lượng cao.

Ngoài sản phẩm đường, ngành hàng này còn các sản phẩm phụ như 4 triệu tấn bã mía, đây là nguồn tài nguyên rất tốt nhưng chỉ để đốt phát điện là rất lãng phí, đồng thời với 0,7 triệu tấn dĩ đường, chủ yếu 90% dùng sản xuất thức ăn gia súc và khoảng nửa triệu tấn bùn và xỉ cũng đang chưa được tận dụng tốt. Theo Bộ trưởng, nếu tập hợp tốt 3 nhóm sản phẩm phụ này thì sẽ trở thành sản phẩm có giá trị rất cao.

Xây dựng vùng nguyên liệu mía có năng suất, chất lượng cao

Với Thái Lan, Philippines và Indonesia chưa bao giờ từ bỏ việc áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại trá hình để bảo vệ ngành mía đường của mình. Chính phủ các nước này vẫn đóng vai trò quyết định trong việc trợ giá, bảo vệ chặt chẽ thị trường nội địa và không để đường nhập khẩu được tự do tiêu thụ tại thị trường nội địa. Nếu đối mặt với một cuộc cạnh tranh sòng phẳng, loại bỏ hạn ngạch thuế quan, chắc chắn Việt Nam không cân sức với nhiều quốc gia ASEAN. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, chúng ta cũng phải tiếp cận rằng: Hội nhập là xu thế tất yếu không thể không làm, và với ngành mía đường trong nước rất cần nhà nước hỗ trợ các giải pháp để hoạt động chống buôn lậu, hàng giả hiệu quả và cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại trên sân nhà. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu, nâng cao năng lực hiệu quả cạnh tranh của ngành đường là giải pháp cơ bản để đảm bảo hiệu quả chung, người dân, doanh nghiệp cũng phải có những bước đi trong xu thế hội nhập thật vững chắc. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền về vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền: Phát triển vùng nguyên liệu mía năng suất, chất lượng cao

Phóng viên: Thưa đại biểu, xuất phát từ thực tiễn nào tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về ngành mía đường?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: Qua nghiên cứu có thể thấy ngành mía đường của nước ta hiện nay chịu rất nhiều sức ép và thực sự rất khó khăn. Khó khăn từ việc người dân mở rộng diện tích trồng mía, giống, cơ chế cạnh tác cho đến khi thu hoạch và công nghệ của các nhà máy xử lý các sản phẩm sau đường.

Bên cạnh đó, sức cạnh tranh giá thành sản phẩm đường trong nước với các nước trong khu vực và trên thế giới còn hạn chế do giá thành cao. Ngoài ra, ngành đường còn chịu sức ép từ đường nhập lậu với giá thành rất rẻ.

Với mong muốn ngành nông nghiệp quan tâm nghiên cứu, có giải pháp phát triển tốt ngành mía đường để người nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống; nhà máy thu mua nguyên liệu, tập trung sản xuất, tiêu thụ tốt đảm bảo có đủ sức cạnh tranh trước xu thế hội nhập, tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ NN &PTNT về vấn đề này.

Phóng viên: Quan điểm của đại biểu như thế nào về nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ NN &PTNT xung quanh vấn đề đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: Trước nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN &PTNT đã trực tiếp trả lời vấn đề tôi chất vấn. Tôi đánh giá cao nội dung trả lời của Bộ trưởng. Bộ trưởng nắm chắc vấn đề, chỉ ra những khó khăn, hạn chế thực tại của ngành mía đường, đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể cho từng khâu để đảm bảo ngành mía đường trong thời gian tới phát triển.

Trước đó, qua một số lần gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng trăn trở về những khó khăn của ngành mía đường nước ta. Bộ trưởng cho rằng cái khó của ngành mía đường không phải là chúng ta không cố gắng, không có giải pháp mà khó ở chỗ đòi hỏi phải triển khai thực hiện đồng bộ từ khâu mở rộng diện tích, đảm bảo chất lượng giống mía và cơ chế canh tác. Thêm nữa công nghệ sản xuất đường của chúng ta hiện còn lạc hậu, chưa đa dạng mặt hàng, chưa tận dụng tối ưu các sản phẩm sau đường. Qua đây cho thấy, Bộ trưởng thực sự quan tâm, trăn trở nhằm tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường.

Phóng viên: Thưa đại biểu, sau gần 1 năm chất vấn, đại biểu đánh giá như thế nào về ngành mía đường của nước ta hiện nay?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: Ngành mía đường của nước ta hiện nay thực sự rất khó khăn, thậm chí phải chịu nhiều sức ép hơn so với lúc tôi chất vấn Bộ trưởng tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV. Bởi lẽ, từ ngày 01/1/2020, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường được xoá bỏ trong khối ASEAN, ngành mía đường càng tạo ra những áp lực rất lớn.

Theo số liệu thống kê cho thấy, lượng đường mía từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam tăng lên nhanh chóng trong những tháng gần đây. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2020, lượng đường Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam lên tới 500.000 tấn, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2019 (55.000 tấn), gần gấp đôi lượng đường Thái Lan nhập khẩu của cả năm 2019.

Từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn cầu cũng khiến việc tiêu thụ đường giảm. Ngoài ra những hạn chế đã tồn tại lâu nay nhưng vẫn chưa giải quyết được đó là tình trạng buôn lậu đường, gian lận thương mại; những khó khăn về thời tiết, diện tích sản xuất nhỏ lẻ, chi phí sản xuất cao vẫn đang còn rất nan giải.

Phóng viên: Một số chuyên gia cho rằng, tính cạnh tranh kém của ngành mía đường Việt Nam chính là ở phần cây mía nguyên liệu. Vậy theo đại biểu, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có vai trò như thế nào để giải quyết vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: Theo tôi, cây mía nguyên liệu đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển ngành mía đường. Tuy nhiên, đối với cây mía nước ta, năng suất, hiệu suất thu hồi đường thấp, chất lượng còn kém so với nhiều nước trên thế giới dẫn tới giá thành đường cao, dẫn tới khả năng cạnh tranh thấp.

Do vậy, ngành nông nghiệp có vai trò tiếp tục ghiên cứu, khảo nghiệm để tìm ra những giống mía tốt, phù hợp với vùng nguyên liệu hết sức quan trọng, đảm bảo nâng cao năng suất và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập ATIGA. Cùng với nghiên cứu chọn ra được những giống mía phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng trên cơ sở đó quy hoạch vùng nguyên liệu một cách hợp lý để đảm bảo có hàm lượng đường tối ưu nhất.

Ngành nông nghiệp cũng có vai trò định hướng, hỗ trợ người dân tiếp cận với nguồn giống tốt, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh chăm sóc cây trồng đúng quy trình kỹ thuật. Đồng thời, phối hợp với các địa phương thành lập nhóm, tổ hợp tác sản xuất mía, hình thành các vùng sản xuất mía tập trung, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng

Phóng viên: Bên cạnh những giải pháp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ra, để cởi những “nút thắt” cho ngành mía đường trước xu thế hội nhập, đại biểu có đề xuất kiến nghị gì?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: Hội nhập kinh tế quốc tế, ngành mía đường cũng phải đối diện với nhiều thách thức, trực tiếp là cạnh tranh về giá cả. Bởi lẽ chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm trong nước hiện còn cao hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năng suất, chất lượng mía thấp so với bình quân chung. Nguyên nhân là do vùng nguyên liệu mía với quy mô nhỏ lẻ, khó có thể cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới, ảnh hưởng tới chất lượng, năng suất cây trồng. Do đó, việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành sản xuất mía đường, tổ chức lại vùng nguyên liệu theo hướng tập trung theo cánh đồng lớn, tổ chức sản xuất giống tốt, nâng cao kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất đến thu hoạch để tăng năng suất, chất lượng cây trồng cao, giá thành hạ, nâng cao thu nhập cho người trồng mía, tăng khả năng cạnh tranh là những vấn đề cần phải giải quyết sớm để ngành mía đường đứng vững trước xu thế hội nhập.

Thực tế thời gian qua, việc tiêu thụ mía cho người trồng mía vẫn chưa được giải quyết thấu đáo về phương thức thu mua, giá cả, xác định chữ đường, nên một số nơi người trồng mía chưa có sự tin tưởng vào nhà máy. Do vậy, theo tôi cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa người trồng mía với doanh nghiệp để người trồng mía có sự tin tưởng vào nhà máy, yên tâm tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành chức năng đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu đang ảnh hưởng tới những doanh nghiệp làm ăn chân chính và hàng vạn người dân gắn với cây mía.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Được xem là ngành hàng chiến lược trong an ninh lương thực quốc gia, tạo việc làm cho hơn 35 vạn hộ nông dân ngành đường. Tuy nhiên, ngành đường lại đang chống chọi với “cuộc khủng hoảng kép” từ nhiều phía. Trước những khó khăn thách thức này, giữa tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 28 về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới. Quan điểm của Chính phủ là chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập bình đẳng với tinh thần độc lập, tự cường; chấp nhận chuyển đổi một số vùng sản xuất mía không hiệu quả và cơ cấu lại các nhà máy đường thua lỗ, yếu kém; hình thành vùng nguyên liệu mía gắn với nhà máy sản xuất đường hoạt động hiệu quả, đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, ngành mía đường cần tận dụng triệt để các lợi thế để phát huy năng lực như nâng cao hiệu quả trồng mía, giảm giá thành sản xuất đường; tập trung cải thiện năng suất, chất lượng mía nguyên liệu; nâng cao năng lực chế biến và khả năng cạnh tranh của các nhà máy sản xuất đường, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế trong tình hình mới./.

Lê Phương