ĐBQH NGHIÊM VŨ KHẢI: CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LÀ ĐỊNH HƯỚNG TRONG TRIỂN KHAI LUẬT

26/08/2020

Thảo luận tại tổ số 03 về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nghiêm Vũ Khải – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng đánh giá cao việc cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội; ghi nhận quy định về chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường được hoàn thiện, cập nhật mới hơn làm định hướng trong việc triển khai Luật.

Thảo luận tại Tổ số 03 gồm đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh  tỉnh Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Tp. Hải Phòng

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ số 03 (gồm đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh  tỉnh Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Tp. Hải Phòng), đại biểu Nghiêm Vũ Khải – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho biết, Luật Bảo vệ môi trường là một đạo luật hình thành tương đối sớm ở Việt Nam, từ năm 1993, sửa đổi lần này là lần thứ ba và nếu kể từ lúc ban hành là bốn.

Đại biểu cho biết quá trình phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng cho nên cũng đi kèm theo vấn đề ô nhiễm môi trường thì đây là lý do khách quan dẫn đến việc sửa đổi luật. Hơn nữa nhu cầu về bảo vệ môi trường, con người muốn được sống trong môi trường trong sạch, lành mạnh trong sạch, Hiến pháp quy định ý thức về bảo vệ môi trường của người dân cũng tăng lên, và tính chất, quy mô những sự cố về vấn đề môi trường càng ngày càng lớn, mang tính chất toàn cầu,cho nên thời gian sửa đổi tương đối nhanh. Ngoài ra, về kỹ thuật lập pháp, đôi khi đòi hỏi quá cụ thể thì lại càng sửa đổi nhanh.

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải cũng đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khi được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Dự án Luật này với tham vọng rất lớn, với hơn 190 điều của Dự thảo lần này đề cập đến những vấn đề cốt yếu liên quan đến quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân về lĩnh vực bảo vệ môi trường và cũng cố gắng cập nhật, tiếp cận với những quan điểm hiện đại của thời đại 4.0.

Đại biểu cũng cho biết, dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 đã được tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhất là việc quy định chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Bởi vì chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong các luật như Luật Bảo vệ môi trường mang tính chất chuyên môn quốc gia, nó có thể không có những quy phạm pháp luật thì nó thể hiện thái độ chính trị, như vậy nếu chúng ta bỏ đi thì nó mất định hướng trong việc triển khai Luật sau khi được ban hành và có hiệu lực. Dự thảo Luật đã quy định lại điều về chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường và hoàn thiện, cập nhật mới hơn, đây là điểm mới và điểm tích cực.

Bên cạnh đó, đại biểu Nghiêm Vũ Khải cũng đề nghị lưu ý khi dự thảo Luật có tới 41 khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, cho rằng khối lượng như vậy là tương đối lớn, làm cho Luật sau khi ban hành chưa chắc đã đi vào thực tế. Do đó đại biểu đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường, các cơ quan hữu quan khẩn trương cụ thể hóa hơn nữa để giảm bớt những Điều mà yêu cầu Chính phủ quy định chi tiết theo quy định của Chính phủ. Đại biểu cũng đề nghị rà soát các quy định để thể hiện gọn, đúng tính chất là quy phạm pháp luật.

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải tại phiên thảo luận Tổ

Góp ý về quy định là chi 2% ngân sách để bảo vệ môi trường, đại biểu Nghiêm Vũ Khải cho biết đây là một rất mới. Cho biết trước đây quy định không dưới 1% bây giờ lên đến 2% là tăng gấp đôi, đại biểu đặt vấn đề vậy bản chất của vấn đề có xứng đáng để tiêu như vậy thì cần phải suy nghĩ và phải lập luận. Theo đại biểu Nghiêm Vũ Khải, nói đến phát triển bền vững sẽ phải có phát triển kinh tế, vấn đề an sinh xã hội, vấn đề bảo vệ môi trường, nếu phải chi đến 2% cho công tác bảo vệ môi trường là xứng đáng, vì 3 trụ cột phải phát triển song song và phải phải hài hòa. Tuy nhiên tăng đột ngột từ 1% lên đến 2% cũng cần các đại biểu Quốc hội cho ý kiến.

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải cũng chia sẻ, từ thực tiễn giám sát các làng nghề cho đến khu công nghiệp, đến ô nhiễm dòng sông, bờ biển... cho thấy, ở một số địa phương chi cho công tác bảo vệ môi trường sai mục tiêu, hay bớt xén sang cho những mục tiêu khác, có 1% còn chi không hết. Điều này cho thấy nhận thức về vấn đề môi trường không đầy đủ, nên hậu quả càng ngày càng nặng nề. Đại biểu cho rằng vấn đề chi 2% ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường, cả chi đầu tư phát triển lẫn chi sự nghiệp là thỏa đáng. Bên cạnh đó cũng phải đặt ra vấn đề kiểm soát cho chặt chẽ, để thực sự là chi cho môi trường, chi cho môi trường là chi cho phát triển và nó còn phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội./.

Bảo Yến