Phát biểu tại phiên thảo luận tổ số 03 (gồm đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tỉnh Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Tp. Hải Phòng), đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị dự án Luật và cho rằng các nội dung này nếu được thông qua sẽ là một nền tảng rất lớn để thay đổi những vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, thay đổi những việc liên quan đến các mô hình quản trị sản xuất, mô hình kinh tế và thay đổi những thói quen và hành vi của người dân và cộng đồng xã hội liên quan đến bảo vệ môi trường.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tại phiên thảo luận Tổ
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng ghi nhận trong quá trình chuẩn bị dự án, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tích hợp các nội dung của các Dự án Luật thành phần khác liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường này như Luật Tài nguyên nước, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Bảo vệ đa dạng sinh học, Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt....Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng cho rằng nếu có thể xem xét xây dựng Luật này trên cơ sở nền tảng là một bộ luật, dạng như kiểu Bộ luật Lao động thì cũng rất là tốt.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng góp ý vào một số vấn đề cần phải được xử lý trong nội dung của Luật Bảo vệ môi trường và đề nghị làm sâu hơn để đảm bảo đảm tính toàn diện, đầy đủ.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho biết, nội dung Luật Bảo vệ môi trường ở đây phần nhiều thiết kế theo hướng là bảo vệ và cải thiện môi trường, là cải thiện môi trường đất, nước, không khí, xử lý chất thải rắn, chất thải y tế v.v... tức là dưới dạng cải thiện môi trường, còn tái tạo và bảo vệ tài nguyên thì chưa được làm sâu. Đại biểu cho rằng cần phải đưa thêm hướng tiếp cận này vào trong Luật. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành chỉ rõ, liên quan đến nước, dự thảo Luật mới xử lý theo hướng chất lượng nước thôi, cải thiện chất lượng nước, xử lý nước thải, nước thải mặt rồi nước thải sau sử dụng v.v... nhưng còn nguồn nước, cực kỳ quan trọng thì chưa được đề cập ở đây. Nguồn nước liên quan đến an ninh nguồn nước mà đã trở thành một chiến lược, Bộ Chính trị đã đưa ra thành một định hướng trong Chiến lược quốc gia bảo vệ an ninh nguồn nước. Đại biểu cho rằng phải tiếp cận theo một hướng như vậy nữa thì sẽ đầy đủ hơn bởi nguồn và chất lượng phải đi kèm với nhau.
Hay như vấn đề rừng, rừng liên quan đến nguồn nước, chất lượng nước, chất lượng không khí, liên quan đến khí thải carbon nhưng rừng chưa được đề cập. Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành nội dung về rừng được thể hiện trong Luật Lâm nghiệp chưa đầy đủ, bởi vì liên quan đến môi trường thì rừng có một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và tác nhân đối với cuộc sống của con người. Do đó phải xem xét để điều chỉnh một nội dung phù hợp trong Luật này. Ngoài ra rừng còn liên quan đến đa dạng sinh học, rừng cũng chính là yếu tố nền tảng của vấn đề cảnh quan và đa dạng sinh học, nên cần phải bổ sung thêm những nội dung liên quan đến 2 yếu tố rất quan trọng này.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng nhấn mạnh thêm trong nội dung Dự thảo này là sự thay đổi của công nghệ, công nghệ ở đây không chỉ là về công nghệ để xử lý môi trường mà còn là vấn đề công nghệ của sản xuất, liên quan đến thay đổi các mô hình kinh tế.
Phiên thảo luận tổ số 03 (gồm đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tỉnh Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Tp. Hải Phòng)
Đại biểu cũng bày tỏ quan tâm đến vấn đề thói quen sinh hoạt và tập quán của người dân, bởi cho rằng nếu chính sách ban hành nhưng tập quán sinh hoạt của người dân không thay đổi thì không giải quyết được vấn đề môi trường. Bảo vệ môi trường liên quan rất nhiều đến tập quán, thói quen sinh hoạt của người dân do đó phải thiết kế một nội dung rất quan trọng gắn đến giáo dục và các thiết chế để làm thay đổi các hành vi trong tập quán sinh hoạt của người dân và hơn ai hết người dân giữ vai trò chính trong việc bảo vệ môi trường. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, trong điều khoản Luật cũng nói đến một số vấn đề về tập huấn để nâng cao nhận thức là chưa đủ mà cần phải có những nghiên cứu rất sâu, quy định cụ thể hơn và có những biện pháp cụ thể để nhấn mạnh đến việc thay đổi những tập quán, thói quen liên quan đến môi trường, bảo vệ môi trường của người dân. Cùng với đó, môi trường gắn với cộng đồng xã hội cho nên mô hình quản trị cực kỳ quan trọng, không thể giải quyết được một bằng một bài toán hành chính nhà nước mà phải bằng các mô hình quản trị, các mô hình xã hội, các tổ chức xã hội và các cộng đồng dân cư cùng tham gia.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị thiết kế thêm điều khoản liên quan đến kiến thức của người dân, kiến thức bản địa trong việc bảo vệ và cải thiện môi trường. Đại biểu nhấn mạnh vai trò của người dân, của các cộng đồng và hệ thống kiến thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường rất quan trọng, đóng một vai trò gần như chiếm tới 50% trong công tác bảo vệ môi trường của các địa phương. Tuy nhiên chưa được luật hóa. Do đó đại biểu đề nghị phải có một nội dung liên quan đến vấn đề này. Trong đó gắn với vấn đề văn hóa đặc biệt là của các cộng đồng làng xã và các cộng đồng dân tộc thiểu số, văn hóa và kiến thức bản địa nằm trong kết nối trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sống, bảo vệ nguồn nước và rừng của người dân.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng bày tỏ nhất trí với nội dung Dự thảo liên quan đến ngân sách, kinh phí, đặc biệt là các chỉ tiêu, chỉ tiêu của môi trường vào trong hệ thống chỉ tiêu quốc gia và xuống các địa phương để xem xét, đánh giá./.