CẦN CÓ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN VIỆC THAY ĐỔI PHƯƠNG THỨC QUẢN LÝ CƯ TRÚ

04/09/2020

Chiều 04/9//2020, các đại biểu tham dự Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận.

Cần có lộ trình thực hiện việc thay đổi phương thức quản lý cư trú.

Thảo luận về việc thay thế phương thức quản lý dân cư thông qua Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú bằng phương thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, đa số đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật; ủng hộ quan điểm đổi mới phương thức quản lý cư trú trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, đem lại rất nhiều lợi ích về mặt kinh tế cũng như thuận tiện cho công dân.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại tất cả các thủ tục hành chính hiện nay liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú để có biện pháp xử lý, thay thế. Bên cạnh đó, cần có lộ trình thay thế Sổ hộ khẩu theo từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với tiến độ cấp mã số định danh cá nhân do Bộ Công an đang triển khai thực hiện.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp kiến nghị, Sổ hộ khẩu vẫn có giá trị sử dụng trong một thời gian nhất định đối với những trường hợp chưa được cấp mã số định danh cá nhân, đảm bảo cho các hoạt động giao dịch của người dân được diễn ra bình thường; tránh việc khi thực hiện không đồng bộ, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý cư trú và giao dịch của người dân.

Có ý kiến đề nghị cần phải có lộ trình thực hiện việc thay đổi phương thức quản lý cư trú nhằm bảo đảm hạn chế tối đa việc xáo trộn đối với người dân, vì việc dự kiến áp dụng Luật Cư trú với phương thức quản lý mới, dựa trên nền tảng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 01/7/2021 như Tờ trình của Chính phủ là khó có thể thực hiện được. Nếu bỏ Sổ hộ khẩu giấy ngay thì tất cả Ủy ban nhân dân cấp xã, các cơ quan Nhà nước từ cơ sở sẽ phải trang bị lại toàn bộ hệ thống máy tính, trang thiết bị để có thể truy cập, sử dụng, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc xác nhận, thay vì việc chỉ kiểm tra Sổ hộ khẩu như hiện nay. Bên cạnh đó, người được giao làm công tác này cũng sẽ phải được đào tạo, hướng dẫn, tập huấn để quản lý sử dụng. Việc thay đổi này sẽ tạo ra những chi phí xã hội không nhỏ.

Đại biểu Trần Thị Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên góp ý Luật Cư trú (sửa đổi).

Đại biểu Trần Thị Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên nêu quan điểm, khi Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực thì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của luật này đến ngày 31/12/2022 và cơ quan đăng ký sẽ không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Điều này cũng phù hợp với Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 và Quyết định 20 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức để phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Theo đại biểu, quy định chuyển tiếp như vậy thuận lợi cho người dân, lấy người dân là trung tâm để phục vụ. Việc vẫn duy trì sổ hộ khẩu không ảnh hưởng đến phương pháp quản lý mới, mà chỉ đồng hành trong khoản thời gian nhất định.

Đại biểu Trần Thị Dung cũng bày tỏ lo ngại khi đã hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì việc kết nối trong ngành Công an có thể thực hiện được nhưng liệu việc kết nối với các bộ, ngành khác sẽ được thực hiện như thế nào? Bên cạnh đó, công tác đào tạo nhân lực cũng rất quan trọng, do vậy Chính phủ cần có chương trình kế hoạch đào tạo, tập huấn cho cán bộ không chỉ trong ngành công an mà cả các bộ, ngành khác để tạo sự thông suốt trong quá trình triển khai.

Thứ trưởng Bộ Công An Nguyễn Duy Ngọc thông tin thêm về một số nội dung đại biểu quan tâm trong Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công An Nguyễn Duy Ngọc cho biết, hiện Bộ Công an đã xây dựng quy trình thu thập dữ liệu dân cư phục vụ việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia vê dân cư, trong đó có nội dung thực hiện việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam. Dự kiến đến tháng 12/2020 việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam sẽ hoàn thành. Hiện việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư theo Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 11/3/2020 về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trong đó, xác dịnh thời gian thực hiện dự án là đến năm 2021. Hiện Bộ Công an cũng ban hành Kế hoạch số 82/KH-BCA-C06 ngày 04/3/2020 về triển khai thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, sẽ đưa vào vận hành chính thức Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 01/7/2021 và đáp ứng được yêu cầu quản lý cư trú đối với công dân. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Dự án này sẽ được triển khai đồng bộ, song hành cùng Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự kiến vận hành vào đầu năm 2021.

Quy định như thế nào về diện tích nhà ở tối thiểu đối với người đăng ký thường trú?

Cho ý kiến về điều kiện đăng ký thường trú, một số đại biểu cho rằng, để bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người thuê, mượn, ở nhờ nhà ở, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của từng địa phương và giảm áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, việc giao Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu đối với người đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là cần thiết. Tuy nhiên, nên giới hạn mức diện tích nhà ở tối thiểu này không được thấp hơn 8m2 sàn/người để bảo đảm điều kiện sống của người dân, tránh tùy nghi trong quá trình triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, nếu giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu sẽ xảy ra tình trạng không thống nhất, đồng bộ giữa các địa phương, đồng nghĩa với việc thực hiện quyền công dân, quyền cư trú không đồng nhất. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định trong luật thống nhất diện tích tối thiểu áp dụng trên toàn quốc.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu ý kiến có thế giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố quyết định diện tích tối thiểu nhưng không cần thiết quy định rõ trong luật về diện tích tối thiểu là 8m2, mà nên giao Chính phủ quy định để tạo sự linh động trong quá trình triển khai. Chính phủ cũng cần bổ sung quy định cấm cho người khác đăng ký vào chỗ ở của mình khi không đủ điều kiện về diện tích bình quân theo quy định; đồng thời quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp giấy tờ xác nhận về cư trú.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận nội dung thảo luận về Dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, qua thảo luận các đại biểu nhất trí cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Các đại biểu đề nghị ban soản thảo chuẩn xác lại một số từ ngữ, khái niệm và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định như xóa đăng ký thường trú, tạm trú, tách hộ, các hành vi bị cấm, bảo đảm tính thống nhất với Luật Nghĩa vụ quân sự để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cư trú của công dân; quy định như thế nào để đảm bảo tính khả thi của luật. Có ý kiến băn khoăn về việc bỏ quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, vì cho rằng quy định như vậy sẽ tạo áp lực gia tăng dân số các thành phố lớn, nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Về thời điểm hiệu lực, một số ý kiến nhất trí với thời hiệu 1/7/2021 nhưng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, tập trung nguồn lực để thực hiện các điều kiện cần thiết như xây dựng vận hành cơ sở dữ liệu liên quan, đầu tư máy móc thiết bị, đào tạo nhân lực.. để đảm bảo thời gian thi hành luật. Trường hợp không hoàn thành thì Chính phủ sớm đề xuất phương án báo cáo Quốc hội cho ý kiến.

Về quy định chuyển tiếp có 2 loại ý kiến, đa số tán thành phương án 1, sau khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành vẫn nên cho phép sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đến 31/12/2022. Ý kiến thứ hai nhất trí với đề nghị của Chính phủ, không cần có điều kiện chuyển tiếp, sẽ tiến hành bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú ngay sau khi luật có hiệu lực thi hành. Do đây là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ban soạn thảo, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu quốc hội, hoàn thiện dự thảo, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp 10 tới./.

Lan Hương