Nước mắm truyền thống kỳ vọng một tiêu chuẩn minh bạch
95% các gia đình Việt Nam đang sử dụng nước mắm trong các bữa ăn. Hơn 300 triệu lít/ năm là số lượng nước mắm mà người dân Việt Nam đã tiêu thụ. Tương ứng với đó là một ngành công nghiệp có giá trị tương đương 4,5 tỷ USD. Nước mắm truyền thống, nước mắm công nghiệp, cách thức sản xuất và thành phần khác nhau, giá trị lại càng khác nhau, nhưng … lại có chung một tên gọi, “ Nước mắm”. Một dự thảo quy định về quy chuẩn sản xuất, tiêu chẩn an toàn nước mắm do Cục Chế biến và phát triển thị trường Nông sản xây dựng nhưng hàng nghìn doanh nghiệp, làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống lại không được hỏi ý khiến khi xây dựng dự thảo để rồi khi công bố đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều…
Cũng như nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống quy mô lớn ở Thái Bình, thời gian qua ông Quang đứng ngồi không yên về những thông tin từ bản Dự thảo về tiêu chuẩn sản xuất nước mắm cho đến khi Bộ Khoa học và Công nghệ tạm dừng thẩm định dự thảo cũng như Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu kỹ ý kiến của các tổ chức, hiệp hội về tiêu chuẩn nước mắm; tổ chức đối thoại thống nhất, bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng và không để ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống thì nhiều người mới bớt đi phần nào lo lắng.
“Qua xem xét mọi dự thảo cũng như cái cách đặt vấn đề thì chúng tôi cho rằng là các ngành vẫn ủng hộ cái nước mắm công nghiệp chứ không phải nước mắm truyền thống. Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dừng công bố Dự thảo quy chuẩn về sản xuất nước mắm, tôi cho là chỉ đạo của Chính phủ rất là sáng suốt…” Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hải sản Thái Bình chia sẻ.
Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hải sản Thái Bình
Xung quanh câu chuyện về nước mắm, nội dung chính thu hút sự quan tâm của truyền thông cũng như nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các doanh nghiệp sản xuất đó là 02 khái niệm khác nhau nhưng lại có chung một tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất. Trong bản dự thảo tiêu chuẩn quốc gia quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo thì nước mắm chia ra làm 02 loại, loại thứ nhất là nước mắm nguyên chất chỉ làm từ cá và muối, và loại thứ hai là loại nước mắm được phép thêm nhiều phụ gia. Các chuyên gia về nước mắm cho rằng, cách gọi không chính xác sẽ dẫn đến không rõ ràng về quy chuẩn. Ts. Trần Thị Dung, Chuyên gia Chế biến và An toàn thực phẩm cho rằng, vấn đề không phù hợp mấu chốt nhất là định nghĩa về nước mắm, từ định nghĩa đó họ dẫn đến cái quy trình cũng không làm rõ giữa việc sản xuất nước mắm truyền thống và sản xuất nước mắm công nghiệp khác nhau như thế nào?.
Chính vì bản dự thảo được áp dụng chung cho cả 2 loại nước mắm cho nên các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống đã gửi văn bản tổng hợp lên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong đó liệt kê 50 điểm không phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm truyền thống nhưng lại phù hợp với nước mắm công nghiệp. Bà Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch Việt Nam cho biết, nước mắm pha chế mà độ đạm rất thấp, dưới 10 thì không được gọi là nước mắm mà phải là nước chấm, nhưng dường như đã trở thành thói quen rồi mà bây giờ lại được cơ quan nhà nước đưa vào công nhận mặc nhiên. Tuy nhiên, cộng đồng sản xuất nước mắm họ không có đồng ý, nếu đã gọi anh là nước mắm thì tôi phải gọi là nước mắm truyền thống. Chính vì thế mới có sự tranh cãi như hiện nay …”
Bà Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch Việt Nam
Một số tiêu chuẩn đưa ra so với thực tiễn sản xuất nước mắm truyền thống như sau.
. Theo tiêu chuẩn Codex: Hàm lượng histamine tối đa trong nước mắm là 400mg/lít. Thực tế, tiêu chuẩn này phù hợp với nước mắm công nghiệp hàm lượng dưới 20 độ đạm. ( Nước mắm truyền thống làm hoàn toàn từ muối và cá biển hàm lượng từ 30 – 40 độ đạm).
. Lấy mẫu Histamine định kỳ để phòng tránh nguy cơ ngộ độc. Hiện tại chưa có bằng chứng về ngộ độc do dùng nước mắm truyền thống.
. Kiểm soát kim loại nặng, dư lượng thuốc thú y khi nguyên liệu cá thu được từ vùng nuôi thủy sản. Thực tế không dùng cá nước ngọt để làm nước mắm truyền thống nên không có kim loại nặng hay thuốc thú y.
. Kiểm soát mối nguy hiểm tiềm ẩn ô nhiễm vi sinh vật. Thực tế, do nồng độ muối cao, các vi sinh vật gây bệnh không thể tồn tại được.
. Mọi bề mặt tiếp xúc với cá phải làm bằng vật liệu có mầu sáng. Thực tế, nước mắm truyền thống có thể đựng trong thùng gỗ, chum, sành có mầu nâu, nâu sẫm, đã được chứng nhận an toàn thực phẩm.
Nhiều chuyên gia cũng như các nhà sản xuất nước mắm truyền thống cho rằng, nếu như cùng một tiêu chuẩn, quy trình sản xuất thì sẽ không thể có những sản phẩm khác biệt như vậy. Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và bảo vệ thương hiệu riêng của mỗi loại sản phẩm, nhiều ý kiến cho rằng cần phải phải phân định rõ ràng tên gọi, từ đó xác định tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất 2 loại nước mắm, gia vị khác nhau.
Tại một buổi họp báo do tổ công tác của Thủ tướng tổ chức đánh giá về những sự việc gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nêu quan điểm không thể lấy quy chuẩn nước mắm công nghiệp áp cho nước mắm truyền thống.
Về khía cạnh pháp lý cần phải xem xét tính khách quan, khoa học của các tiêu chuẩn, nếu không sẽ làm khó các doanh nghiệp. Bởi lẽ, nếu điều này thành hiện thực thì sẽ bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống khi bị soi chiếu nhiều tiêu chuẩn không phù hợp với thực tế sản xuất, trong khi nước mắm công nghiệp chỉ cần lấy một phần nguyên liệu của nước mắm truyền thống loại 3, loại 4 để sản xuất. Để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và lợi ích của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần phải xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật riêng biệt phù hợp với 2 quy trình sản xuất tạo ra 2 loại nước gia vị có thành phần khác nhau.
Cần phải khẳng định rằng, việc ban hành quy chuẩn hay tiêu chuẩn phải đảm bảo được an toàn cho người sử dụng và quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, việc đưa ra những quy định để phòng ngừa rủi ro là cần thiết. Song với quy định mà trở thành rào cản và gây bất lợi thì cần phải xem lại. Vụ việc nước mắm nhiễm asen diễn ra cách đây chưa lâu vẫn còn là một bài học nhãn tiền. Bởi lẽ, nước mắm truyền thống không đơn thuần là một sản phẩm, mà nó còn là một nét văn hóa truyền thống lâu đời của Việt Nam. Do đó, một tiêu chuẩn dù nhằm mục đích gì cũng phải đáp ứng yêu cầu giúp lưu giữ, bảo tồn một nghề truyền thống, để không chỉ để giữ lại phương tiện mưu sinh cho người dân mà còn là bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công ngh Chu Ngọc Anh
Ngày 23/12/2019, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã có văn bản số 4117 trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Tuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.
Theo đó, hiện nay, trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã có TCVN 5107:2018 là tiêu chuẩn về sản phẩm nước mắm. Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật, phưởng pháp thử và yêu cầu ghi nhãn cho nước mắm nói chung.
Không chỉ có vậy, trong hệ thống quy chuẩn quốc gia hiện hành, theo thẩm quyền quy định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành điều kiện an toàn thực phẩm trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Cơ sở sản xuất nước mắm.
Thời gian qua, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì nghiên cứu, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn về nước mắm để đảm bảo sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng và không ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Nội vụ xem xét, xử lý việc thành lập Hiệp hội nước mắm. Sau khi hiệp hội này được thành lập, Bộ Khoa học và Công nghệ khuyến khích Hiệp hội nước mắm nghiên cứu, đề xuất, xây dựng TCVN phù hợp với tình hình thực tiễn sản xuất nước mắm tại Việt Nam.
Với vai trò là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Bộ Khoa học và Công nghệ luôn sẵn sang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp trong việc rà xoát, hoàn thiện hệ thống QCVN, TCVN về nước mắm, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích chính đáng của các bên liên quan.
Sớm ban hành quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn của nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp
Có một thực tế, phải mất hơn 2 năm kể từ khi có quyết định thành lập Ban biên soạn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho sản phẩm nước mắm với hàng loạt biến động về mặt nhân sự cũng như tiêu tốn nhiều nguồn lực thì Ban này mới đưa ra được bản dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất nước mắm. Và ngay lập tức kể từ thời điểm công bố, bản dự thảo này đã vấp phải phản ứng trái chiều trong dư luận vì cho rằng các điều khoản trong bản dự thảo này phi thực tế, thiếu tính khả thi. Thậm chí, nếu đưa vào áp dụng thì ngành sản xuất nước mắm truyền thống có nguy cơ bị xóa sổ. Chính bởi sự bất cập này, chỉ một thời gian ngắn sau đó Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo tạm dừng công bố bộ tiêu chuẩn này để lấy ý kiến thêm. Để có góc nhìn đa chiều về vấn đề này, Cổng thông tin điện tử đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Phạm Văn Tuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình:
Ông Phạm Văn Tuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình
Phóng viên: Thưa đại biểu, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, đại biểu đã có phiếu chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sớm ban hành quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn của nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Vậy, xuất phát từ nguyên nhân nào đại biểu lại chất vấn Bộ trưởng về vấn đề nêu trên?
Ông Phạm Văn Tuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: Xuất phát từ việc đầu năm 2019 khi đi tiếp xúc cử tri ở 2 khu vực ven biển cùng với việc lấy ý kiến, trao đổi với 1 số tổ chức, doanh nghiệp đều kiến nghị về việc cần sớm kiến nghị cho thành lập Hiệp hội nước nắm truyền thống. Trên cơ sở đó tôi đã quyết định chất vấn 3 bộ, gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ về vấn đề liên quan mà cử tri, một số tổ chức chế biến thủy hải sản đặc biệt là chế biến nước nắm truyền thống đã kiến nghị.
Phóng viên: Ngày 23/12/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có văn bản trả lời những vấn đề mà Đại biểu đã thay mặt cử tri chất vấn. Với vai trò là đại biểu dân cử, đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Bộ trưởng?
Ông Phạm Văn Tuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: Tôi nhận được ý kiến trả lời của 3 Bộ trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ. Bộ trưởng cho biết, mhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 1967/VPCP-KGVX ngày 11/3/2019 giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì nghiên cứu, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn về nước mắm để đảm bảo sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng và không ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Nội vụ xem xét, xử lý việc thành lập Hiệp hội nước mắm. Sau khi Hiệp hội nước mắm được thành lập, Bộ Khoa học và Công nghệ khuyến khích Hiệp hội nước mắm nghiên cứu, đề xuất, xây dựng TCVN phù hợp với tình hình thực tiễn sản xuất nước mắm tại Việt Nam. Bộ trưởng cũng khẳng định với vai trò là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp trong việc rà soát, hoàn thiện hệ thống QCVN, TCVN về nước mắm, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích chính đáng của các bên liên qua. Mặc dù 3 Bộ có ý kiến trả lời, tuy nhiên tôi cho rằng vẫn chưa thỏa đáng và tháo gỡ được vướng mắc hiện nay mà cử tri kiến nghị.
Phóng viên: Thưa đại biểu, Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về “Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm” đang vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian qua, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Ông Phạm Văn Tuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: Khi tôi tìm hiểu về lĩnh vực này thì tôi mới liên hệ lại từ năm 2016 khi xảy ra sự cố về thạch tím trong nước nắm và quay trở về lại tìm hiểu về nội dung, dự thảo, văn bản quy phạm của tiêu chuẩn sản xuất nước nắm truyền thống của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thì tôi mới nhận diện ra, như vậy có thể có hai loại nước nắm một là nước nắm truyền thống của bà con ngư dân chế biến ở các vùng ven biển của nước ta thứ hai là nước nắm có sử dụng chất phụ gia thì gọi là nước nắm công nghiệp. Qua ý kiến của các nhà khoa học đã phân tích, tôi cho rằng các Bộ, ban ngành phải tập trung vào hai hướng như thế.
Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, việc gom chung “nước mắm truyền thống” và "nước mắm công nghiệp" vào làm một nhóm để quản lý theo một tiêu chuẩn chung là không hợp lý. Vì đây là hai sản phẩm khác nhau phải có tên gọi khác nhau và phải có quy trình quản lý chất lượng khác nhau. Quan điểm của đại biểu như thế nào trước những ý kiến này?
Ông Phạm Văn Tuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: Việc gom chung “nước mắm truyền thống” và "nước mắm công nghiệp" vào làm một nhóm để quản lý theo một tiêu chuẩn chung là không hợp lý. Qua tìm hiểu từ thực tế thì có nhiều loại nước nắm khác nhau; quy cho cùng nước nắm truyền thống thì mỗi một vùng, mỗi một địa phương và mỗi một sản phẩm có một yếu tố khác nhau kể cả về tiêu chuẩn cho đến quy trình sản xuất và kinh nghiệm của bà con ở mỗi vùng miền. Cho nên, cần thống nhất và phân biệt rõ hai loại nước mắm là nước mắm truyền thống và nước nắm có sử dụng phụ gia thông qua đó gọi là nước nắm công nghiệp, như 1 số nhà khoa học đã phân tích trên phương tiện thông tin truyền thông. Đây là hai sản phẩm khác nhau cần phải có tên gọi khác nhau và phải có quy trình quản lý chất lượng khác nhau.
Phóng viên: Một văn bản mà nếu được ban hành sẽ tác động rất sâu rộng và toàn diện đến một ngành sản xuất đã có từ rất lâu đời mà trong đó lại tồn tại rất nhiều điểm bất hợp lý khiến cho dư luận cũng như các bên liên quan có nhiều ý kiến trái chiều. Theo Đại biểu thì Ban Soạn thảo dự thảo chưa lường trước được hết hay còn nguyên nhân nào khác?
Ông Phạm Văn Tuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: Tôi nghĩ rằng nội dung này tất cả các cơ quan nhà nước thực hiện việc ban hành chế độ chính sách đều phải liên tưởng đến quyền và lợi ích của người dân, gắn với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực ngành nghề mà sản xuất mặt hàng này. Vì vậy, tôi cho rằng là trách nhiệm của các bộ ngành phải có sự phối kết hợp tốt hơn nữa để sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp phù hợp, minh bạch và công tâm.
Câu chuyện về dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm vẫn đang được lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất và các chuyên gia trong lĩnh vực này. Việc Bộ Khoa học và Công nghệ tạm dừng thủ tục công bố tiêu chuẩn về nước mắm, vốn đang gây tranh cãi, thể hiện sự lắng nghe đầy cầu thị của cơ quan quản lý. Nhưng điều này là chưa đủ. Bởi tạm dừng nên không loại trừ dự thảo TCVN về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm vẫn tiếp tục được biên soạn và áp dụng trong thời gian tới. Nên gọi tên các loại nước gia vị như thế nào, tiêu chuẩn, quy chuẩn ra sao để tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp, điều này rất cần sự công tâm của ban soạn thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm./.