Bộ Y tế đã được Văn phòng Quốc hội chuyển yêu cầu trả lời chất vấn của đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh về một số nội dung liên quan đến lĩnh vực y tế. Nội dung chất vấn như sau: Hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật của các phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài liên tục xảy ra với các lỗi như: Quảng cáo khi chưa được cấp phép quảng cáo quá chức năng; sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề, nhức nhối nhất là việc bác sĩ không mang bảng tên “vẽ bệnh, lấy tiền” ngay trên bàn mổ, các bác sĩ gây áp lực với người bệnh trên giường bệnh, làm cho người bệnh như “cá nằm trên thớt” không thể từ chối mà phải gật đầu gây bức xúc trong dư luận xã hội và Nhân dân.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh.
Theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương, các hành vi vi phạm pháp luật như trên liên tục xảy ra và lặp đi lặp lại nhiều lần tại các phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài nhưng các biện pháp xử lý hiện nay chưa giải quyết được vấn đề này.
Đại biểu đề nghị Bộ y tế cho biết giải pháp nào để xử lý một cách triệt để, vừa bảo đảm niềm tin của người dân đối với các phòng khám tư nhân nói chung, phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài nói riêng, vừa thu hút, tiếp cận được những tinh hoa của nền y học nước ngoài để ngành y trong nước làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong thời gian tới.
Ngày 15/6/2020, Bộ Y tế đã trả lời chất vấn của đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh như sau:
Hiện nay theo báo cáo của các Sở Y tế, trên toàn quốc có 81 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có yếu tố nước ngoài. Người hành nghề nước ngoài tại Việt nam là 645 người, đến từ các nước Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Phillipine, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Israel, Canada, Malaysia, Italia, Đức, Úc, Lào, Cambodia, Singapore, Cu Ba, Costarica, Tây Ban Nha ...
Các y bác sỹ nước ngoài trong những năm qua cũng đã góp phần trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho người dân Việt Nam và đặc biệt là cho đối tượng người nước ngoài đang học tập và làm việc tại nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại nước ta, thì cũng có một số người nước ngoài sang hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại một số phòng khám còn vi phạm các quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh. Các vi phạm thường gặp như: Không đăng ký hành nghề, khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép, đưa ra những chẩn đoán và phương pháp điều trị không phù hợp hoặc quá với thực tế tình trạng bệnh của người bệnh với mục đích moi tiền của người bệnh, quảng cáo quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép,...
Để tăng cường công tác quản lý người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nói chung và người nước ngoài hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam nói riêng, Bộ Y tế đã và đang triển khai một số nội dung sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý: Bộ Y tế đang trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo hướng tăng nặng các mức độ xử phạt, đặc biệt phạt ở mức cao nhất kèm theo các hình phạt bổ sung đối với các trường hợp tái phạm cùng một sai phạm.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh hơn cho hệ thống khám bệnh, chữa bệnh. Một trong những nội dung quan trọng đề xuất tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, đó là yêu cầu người nước ngoài khi hành nghề tại Việt Nam phải thi để cấp chứng chỉ hành nghề.
Thứ hai, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường thực hiện các nội dung sau:
a) Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và các quy chế chuyên môn cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn quản lý.
b) Tăng cường quản lý người hành nghề thông qua việc đăng ký hành nghề, đặc biệt là người hành nghề nước ngoài, bảo đảm tất cả người hành nghề phải được cấp chứng chỉ hành nghề và hành nghề đúng phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép.
c) Công khai danh sách các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hợp pháp và phạm vi hoạt động chuyên môn của những cơ sở này để người dân và xã hội tiện theo dõi, giám sát.
d) Nâng cao vai trò chủ động của Ủy ban nhân dân các cấp quận/ huyện, phường/ xã trong công tác quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn.
đ) Chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế phối hợp với Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thường xuyên kiểm tra và giám sát việc quảng cáo về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại địa phương, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép. Thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân có vi phạm pháp luật về y tế để nhân dân biết và cùng theo dõi, giám sát.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất để kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tự nhân, xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh. Tùy từng mức độ vi phạm và căn cứ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chánh Thanh tra Bộ Y tế, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế và Chánh Thanh tra Sở Y tế quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để xử lý nghiệm những trường hợp vi phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, không bao che, không làm nhẹ sai phạm, xử phạt hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử phạt ở mức cao nhất, kết hợp với các hình phạt bổ sung khác như tước giấy phép hoạt động không thời hạn hoặc có thời hạn, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của chủ đầu tư theo quy định của pháp luật. Thu hồi, đình chỉ chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Thông tư số 35/2013/TT-BYT.