Hơn 7.500 doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản
Trong những năm qua, Chính phủ luôn quan tâm và dành nhiều chính sách để hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến thực phẩm đã đạt được những bước tiến nhất định. Thời điểm 10 năm trở lại đây công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hằng năm đạt khoảng 5-7%, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt mức kỷ lục 40,3 tỷ USD, đứng thứ hai Đông Nam Á, thứ 13 trên thế giới với 10 nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ đô la Mỹ; trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ đô la Mỹ.
Chế biến nông sản giúp nâng cao giá trị sản phẩm
Cả nước đã hình thành hệ thống khoảng hơn 7.500 doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, ngoài ra còn có hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình rải khắp các địa bàn làm nhiệm vụ sơ chế. Dù có biến động, giá trị sản xuất và nhập khẩu máy móc chế biến nông sản, nhưng tỉ lệ tăng trưởng lũy kế hàng năm vẫn tăng trưởng gần 4% từ thời điểm năm 2006.
Thời gian qua, đã có một số ngành hàng, doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, chú trọng áp dụng tiêu chuẩn tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm và các thị trường cao cấp. Nhờ công nghiệp chế biến nông sản tăng trưởng mạnh mà các mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng bình quân khoảng 8-10% / năm.
Những thành tựu quan trọng nói trên của ngành nông nghiệp Việt Nam có được là việc ban hành các chính sách về công nghiệp nói chung và về công nghiệp chế biến nông sản nói riêng hết sức đúng đắn, hiệu quả và kịp thời của Đảng và Nhà nước; quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ và ngành nông nghiệp. Việc áp dụng các loại hình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, mô hình kinh tế hộ…) đã tạo ra một khối lượng hàng hóa nông sản phong phú đáp ứng đủ cho tiêu dùng nội địa và dành một phần lớn cho xuất khẩu. Việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tích cực xúc tiến thương mại, tháo dỡ rào cản đã mở ra thị trường thế giới rộng lớn tiêu thụ nông sản Việt Nam với trên 185 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, các doanh nghiệp chế biến nông sản Việt Nam đang là những tác nhân quan trọng, là đầu tàu trong việc dẫn dắt chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành chế biến nông sản chưa tương xứng với tiềm năng, còn bộc lộ một số nút thắt tồn tại trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Nút thắt trong phát triển ngành khai thác và chế biến nông sản
Trong văn bản trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng thẳng thắn đề cập tới một loạt những bất cập khiến cho ngành khai thác và chế biến nông sản vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Cụ thể như, các chính sách về tích tụ đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng như các chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác chưa đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ngành chế biến nông sản. Cùng với đó, nông dân Việt Nam còn có thói quen canh tác nhỏ lẻ dẫn tới diện tích cach tác nông nghiệp bị phân tán, chưa tạo thuận lợi cho quá trình cơ giới hóa nông nghiệp cũng như sản xuất, chế biến nông sản theo chuỗi giá trị khép kín. Không chỉ có vậy, công tác nghiên cứu, phát triển đổi mới công nghệ trong trong công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm chưa phát triển, do đó giá trị hàng nông sản chế biến còn thấp, khó cạnh tranh với các Quốc gia khác.
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh việc phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản như:
.Hoàn thiện các các quy định của pháp luật về đất đai nhằm hình thành cơ chế khuyến khích tích tụ đất đại phục vụ sản xuất nông nghiệp;
.Điều chỉnh chính sách hỗ trợ xây dựng và cơ chế hoạt động của các cụm công nghiệp đóng vai trò hạt nhân thúc đẩy liên kết từ khâu hỗ trợ đào tạo nông dân vận hành trang thiết bị máy móc và công nghệ, gieo trồng đến khâu chế biến;
.Liên kết các nhà máy chế biến nông sản, sàn giao dịch. Kết nối nông sản của các địa phương với các doanh nghiệp kinh doanh nông sản trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh những giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản như: Tiếp tục phối hợp với các địa phương để hỗ trợ kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên cơ sở tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông, lâm, thủy sản của các địa phương với các doanh nghiệp kinh doanh nông sản trong và ngoài nước; Tiếp tục chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trường xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh nông sản” theo đúng quy trình và bảo đảm tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ.
Phát triển ngành chế biến nông sản tương xứng với tiềm năng
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Chỉ thị nêu rõ phải khắc phục những tồn tại và đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó, ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới và là một trung tâm chế biến sâu, logistics của thương mại nông sản toàn cầu. Để thực hiện được mục tiêu này, liệu những giải pháp do Bộ Công thương đưa ra có đảm bảo tính khả thi và cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như thế nào? Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Ngô Thị Minh về nội dung này:
Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh
Phóng viên: Thưa đại biểu, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV, đại biểu đã có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về phát triển ngành chế biến nông sản. Vậy, xuất phát thực trạng nào, đại biểu lại chất vấn Bộ trưởng về vấn đề nêu trên?
Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, tôi đã chất vấn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tôi đề nghị Bộ Công thương cùng phối hợp để trả lời câu hỏi của mình liên quan đến vấn đề quy hoạch và phát triển công nghiệp chế biến nông sản cho nông dân để sao cho tiêu thụ hàng hóa của nông dân một cách tốt nhất. Sở dĩ chọn nội dung chất vấn này, bởi vì tôi thấy giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chúng ta còn thấp, khi mà chúng ta chế biến rồi vẫn còn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Thế thì công nghiệp chế biến của chúng ta còn nhiều hạn chế kể cả công tác quy hoạch các vùng nguyên liệu, kể cả các chuỗi sản xuất hàng hóa và đặc biệt khi mà tình trạng ùn tắc ở các cửa khẩu ùn ứ các mặt hàng nông sản sau đó chúng ta lại giải cứu, tình trạng đó diễn ra nhiều lần rồi mà chúng ta chưa giải quyết được tận gốc vấn đề.
Vì vậy, vai trò của ngành chế biến nông sản là vô cùng quan trọng, và cần quy hoạch phát triển ngành này tương xứng với tiềm năng là yêu cầu tất yếu hiện nay.
Phóng viên: Bộ trưởng Bộ Công thương đã có văn bản trả lời chất vấn. Vậy, đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời tại văn bản?
Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Trước hết tôi khẳng định rằng trả lời của Bộ Công thương tại văn bản hết sức nghiêm túc, trả lời đầy đủ các nội dung đại biểu quan tâm chất vấn. Trong đó, có đánh giá việc triển khai một số chính sách để phát triển ngành cơ khí phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đồng thời cũng đánh giá cả những hạn chế và ưu khuyết điểm; nguyên nhân của những hạn chế. Tôi cho rằng hạn chế này cũng đã chỉ ra những nguyên nhân và tôi cũng thấy đồng tình với cách thức trả lời bằng văn bản này và cũng có một số nội dung khác nữa thì qua nghiên cứu thấy sự nghiêm túc của Bộ Công thương trong trả lời chất vấn, điều này chúng ta cần ghi nhận.
Phóng viên: Cần phải khẳng định rằng, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp tuy nhiên thời gian qua ngành này vẫn chưa phát triển tương xứng so với tiềm năng. Theo đại biểu đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?
Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Tại sao ta chưa phát triển được hết so với tiềm năng thì có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, chúng ta chưa coi trọng công tác quy hoạch các vùng nguyên liệu để phục vụ cho phát triển nông nghiệp. Vùng nguyên liệu của chúng ta ở đây vẫn còn phát triển mang tính manh mún và chưa phát triển theo chuỗi cung ứng; mô hình chuỗi cung ứng này chúng ta cũng chưa có sự kết nối một cách thỏa đáng, ví dụ chuỗi cung ứng từ sản xuất hàng hóa của bà con nông dân đến vấn đề chúng ta tiêu thụ sản phẩm thì phải qua 1 chuỗi cung ứng mà chuỗi này phải thể hiện được chuỗi dịch vụ, thể hiện trách nhiệm của Bộ Công thương phối hợp với các Bộ ngành khác để chúng ta triển khai trong đó có 1 nội dung quan trọng đó là công nghiệp chế biến. Công nghiệp chế biến này phải được cập nhật với những hàm lượng chất xám khoa học kỹ thuật cao trong đó và giúp cho bà con tiêu thụ được sản phẩm nông sản Tôi nghĩ rằng chuỗi cung ứng dịch vụ này cần được coi trọng hơn nữa.
Phóng viên: Ngoài lý do nêu trên thì có ý kiến cho rằng các chính sách pháp luật về hỗ trợ phát triển nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ chưa tương xứng dẫn tới việc khai thác và chế biến nông sản chưa đạt kết quả cao như kỳ vọng. Ý kiến của đại biểu như thế nào trước quan điểm này?
Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Rõ ràng chúng ta thấy rằng, phát triển các chính sách đã đồng bộ hay chưa thì cần phải có chương trình giám sát. Sự đầu tư của ta cũng chưa đồng bộ và chính sách của chúng ta vẫn còn tình trạng mạnh bộ nào thì bộ đó tiến hành. Vấn đề kết nối có tiến bộ nhưng còn chưa rõ vai trò đầu mối. Ngành công thương phải sát cánh với ngành khoa học công nghệ để phát triển các chính sách về cơ khí phục vụ phát triển nông nghiệp và như vậy thì liên quan đến nhiều bộ. Ví dụ như hàm lượng chất xám ở trong sản xuất cơ khí này đã thực sự gắn kết và đáp ứng được mong mỏi của người dân hay chưa thì phải trông chờ rất nhiều vào sự kết nối, chỉ đạo sâu sát, văn bản có sự tích hợp của nhiều bộ ngành thì ta mới có thể có được sản tương thích với giá trị của các nước trong khu vực và thế giới.
Phóng viên: Theo đại biểu thì Nhà nước đặc biệt là bộ công thương cần phải thực hiện những giải pháp gì để khai thông những điểm nghẽn trong dòng chảy của ngành nông nghiệp nước nhà?
Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Có thể khẳng định vai trò của Bộ Công thương là rất quan trọng. Bộ Công thương trước hết phải kết nối chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vừa rồi chúng ta cũng đã có mô hình Ocop mỗi xã phường 1 sản phẩm vậy thì phải hướng dẫn các xã phường xây dựng thương hiệu cho mình. Đây cũng là 1 nội dung rất là quan trọng, có thương hiệu và có sản phẩm tốt thì tiêu thụ sản phẩm như thế nào và vấn đề xuất nhập khẩu ra sao giúp cho bà con tiêu thụ thì chúng ta phải tính kỹ. Tiếp đó, chúng ta phải tháo điểm nghẽn về công nghệ chế biến nông sản. Những mặt hàng nông sản không thể để lâu được thì chúng ta phải đưa vào chế biến và chế biến như thế thì phải phát triển công nghiệp chế biến. Thực hiện như thế nào thì cần có sự phối hợp thêm với một số bộ ngành khác, vai trò đầu mối của Bộ Công thương, ngành Công thương phải bám sát nhu cầu mong muốn của người dân thì những kết nối, mới hiệu quả, mắt xích này cần phải quan tâm hơn trong thời gian tới.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!
Phát triển công nghiệp chế biến nông sản được xác định là giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Sự phát triển của công nghiệp chế biến nông sản góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Vì vậy, các bộ ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả ngành công nghiệp chế biến nông sản, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/07/2019 của Chính phủ./.