Nông sản Việt có mặt ở 200 quốc gia và vùng lãnh thổ
Anh Trần Văn Đồng: Thu nhập từ thanh long gấp đôi so với cây chè
Năm nay, người trồng thanh long ở Sơn La mang thêm niềm vui tự hào khi hàng tấn thanh long ruột đỏ đã lên đường xuất khẩu sang thị trường Liên bang Nga. Anh Trần Văn Đồng, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết, trước đây địa phương chủ yếu trồng chè cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha/năm, nhưng vài năm trở lại đây nhiều gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng sang cây thanh long nên đã mang lại thu nhập gấp đôi so với trồng chè.
Ông Nguyễn Quốc Khánh: Nhiều loại trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Australia
Bắt đầu từ năm 2015, tỉnh Sơn La thực hiện “Đề án phát triển cây ăn quả trên đất dốc”, chuyển dịch diện tích trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng miền. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Nếu năm 2015, diện tích cây ăn quả mới đạt 23.600 ha thì nay trên 77.000ha. Nhiều loại trái cây của địa phương đã xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Australia.
Từ đầu năm đến nay, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhưng nhiều nước vẫn đẩy mạnh nhập khẩu các chủng loại trái cây từ Việt Nam như chuối, thanh long, vải, nhãn…Tính trong 6 tháng đầu năm 2020 dù giá trị xuất khẩu rau quả giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2019, song vẫn đạt 1,79 tỷ USD. Trừ thị trường Trung Quốc có giá trị xuất khẩu giảm, thì xuất khẩu sang các thị trường khác đều tăng như: Thái Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore.
Đáng chú ý, năm nay Việt Nam đã xuất khẩu thành công vải thiều sang Nhật Bản và cũng là năm đầu tiên vải thiều có thương hiệu của nươc ta được xử lý đóng gói đưa vào thị trường Singapore. Dự báo, việc xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính này sẽ mở ra cơ hội cho vải thiều của Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường khác trên thế giới.
Không chỉ trái cây, sản phẩm gạo của Việt Nam cũng đang dần khẳng định trên thị trường thế giới. Từ giữa tháng 7, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới. Giá giao dịch gạo 5% tấm của Việt Nam trên thị trường thế giới đang cao nhất, cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 20 USD/tấn, cao hơn Pakistan 70 USD/tấn và hơn gạo Ấn Độ 115 USD/tấn. Trong lịch sử 30 năm xuất khẩu gạo, đây là lần đầu tiên gạo Việt Nam có giá xuất ngang ngửa với gạo Thái Lan, thậm chí bỏ xa gạo Thái Lan loại 5% tấm.
Theo ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam, quá trình phát triển và hội nhập đã mở ra cơ hội thị trường rộng lớn cho hàng hoá nông sản của Việt Nam khi có mặt ở 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số mặt hàng như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, tôm, cá tra, …. chiếm thị phần khá lớn trên toàn cầu. Điều này khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của ngành công thương trong việc phối hợp với ngành nông nghiệp hỗ trợ và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông sản của nước ta tiến xa hơn.
Nông sản Việt vẫn còn nhiều hạn chế
Dù đã hiện thực hoá các lợi thế về đàm phán, mở cửa thị trường song nông sản Việt vẫn còn nhiều hạn chế, đặt ra nhiều khó khăn thách thức khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng. Tình trạng được mùa thì rớt giá, được giá mất mùa thường xuyên xảy ra. Trong khi hàng hóa sản xuất tập trung vào một thời điểm, nhưng thị trường tiêu thụ lại chậm, dẫn đến tình trạng nông sản thường xuyên ùn tắc hoặc giá thấp. Ngoài ra, khâu chế biến nông sản vẫn còn nhiều hạn chế, phần lớn chủ yếu là thu hoạch xong đưa ra tiêu thụ nên việc bảo quan không được lâu.
Thực tiễn, phương thức canh tác sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, không theo quy hoạch, mạnh ai người ấy làm. Mối liên kết chính giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra các chuỗi giá tri nông sản hàng hoá lớn còn nhiều tồn tại. Phần lớn doanh nghiệp chủ yếu tham gia vào khâu thu gom, sơ chế và tiêu thụ mà ít tham gia đầu tư vào công đoạn sản xuất nên việc kiểm soát chất lượng sản phẩm còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Các chuyên gia nhận định, nông sản Việt vẫn còn bị định kiến về dư lượng do lạm dụng hóa chất. Tình trạng hàng hoá bị các nước trả về vẫn xảy ra. Điều này cho thấy, chất lượng sản phẩm đang là rào cản trong việc ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu của nông sản Việt Nam. Những hạn chế trong sản xuất nông nghiệp thể hiện mối liên kết theo chuỗi giá trị nông sản của nước ta còn lỏng lẻo.
Ông Nguyễn Xuân Cường: Thị trường các nước luôn yêu cầu cao về hàng rào kỹ thuật
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cũng cho rằng, khi ngành hàng nông sản của Việt Nam tiếp cận với các thị trường khó tính như EU, thì đồng nghĩa bước vào “sân chơi” lớn khi thị trường này luôn đòi hỏi yêu cầu cao về hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là về kiểm dịch động, thực vật; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; sở hữu trí tuệ…Nếu chúng ta không thay đổi phương thức sản xuất lấy chất lượng lên hàng đầu thì hàng hóa của nước ta sẽ khó cạnh tranh được. Và để làm được điều này thì vai trò của liên kết, phát triển theo chuỗi giá trị là hết sức quan trọng.
Các chuyên gia cho rằng phải nâng cao hơn nữa chất lượng và áp dụng những quy trình quản lý chất lượng tiên tiến vào trong hệ thống quản lý sản xuất để đáp ứng yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế. Do đó, việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản đáp ứng được nhu cầu của thị trường là một yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, qua đó cũng giúp kiểm soát, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn
Đặt câu hỏi chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang đề nghị Bộ Công thương cho biết vai trò của Bộ Công thương trong việc phối hợp và hỗ trợ ngành nông nghiệp xây dựng chuỗi giá trị nông sản và phát triển thị trường?
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh
Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, tại văn bản trả lời số 9361 ngày 06/12/2019, Bộ trưởng Bộ Công thương nêu rõ, việc phối hợp, hỗ trợ phát triển thị trường, Bộ Công thương xác định nông nghiệp là ngành Việt Nam có thế mạnh, vì vậy quá trình đàm phán, hội nhập Bộ Công thương luôn đặt mục tiêu để đạt được phương án tốt nhất cho hàng hoá nông sản của Việt Nam có được điều kiện tốt nhất để xuất khẩu. Và Việt Nam đã làm tốt công tác đàm phán để cắt giảm thuế quan nhập khẩu vào các nước, tạo điều kiện cho nông sản nước ta tiếp cận các thị trường thông qua việc đàm phán, ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.
Bộ Công thương đã và đang nỗ lực triển khai những công việc cần thiết để thực thi các FTA và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích của các FTA như nội luật hoá các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hộp nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu đánh giá tác động của FTA, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá, áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giải quyết các vấn đề nhằm đưa nông sản của Việt Nam vượt qua rào cản kỹ thuật, tiếp cận thị trường.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến giá cả, tiến độ xuất khẩu các mặt hàng nông sản, những biến động của thị trường thế giới, nghiên cứu dự báo tình hình thị trường xuất khẩu, nhập khẩu để kịp thời thông báo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm định hướng quy hoạch, tổ chức lại sản xuất phù hợp với diễn biến cung cầu.
Về phối hợp, hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị nông sản, văn bản trả lời chất vấn của Bộ Công thương cũng chỉ rõ thực tế hiện nay ngành nông nghiệp nước ta vẫn còn thiếu sự liên kết theo chuỗi giá trị. Việc tổ chức liên kết 5 nhà cũng chưa thực sự đạt được hiệu quả. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn chưa phát triển, dẫn đến phát sinh nhiều chi phí sản xuất làm tăng giá thành nên giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông sản, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với người nông dân gắn liền với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo với người nông dân, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại.
Phối hợp với các tỉnh chủ động kết nối, mời doanh nghiệp nước ngoài ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ hướng dẫn giám sát quá trình thu mua, đóng gói đáp ứng tốt yêu cầu của nước nhập khẩu nhằm hạn chế tình trạng bị động vào thị trường.
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn
Những năm qua, nông sản Việt Nam từng bước khẳng định vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới khi đã có mặt tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới về xuất khẩu. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nông sản chưa xây dựng được thương hiệu mạnh trên thị trường do thiếu sự liên kết theo chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ đến xuất khẩu. Nông sản Việt cũng còn đang thiếu sự liên kết sản phẩm theo vùng, theo địa phương, trong đó doanh nghiệp tiêu thụ chưa được coi là yếu tố hạt nhân, then chốt dẫn đến việc tổ chức sản xuất nông nghiệp chưa hiệu quả. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang về vấn đề này:
Đại biểu Hồ Thanh Bình: Chú trọng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản
Phóng viên: Thưa đại biểu, xuất phát từ thực tiễn nào tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về vai trò của Bô trong việc phối hợp và hỗ trợ ngành nông nghiệp xây dựng chuỗi giá trị nông sản và phát triển thị trường?
Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Chủ trương của Chính phủ là kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm theo cơ chế liên kết, theo chuỗi. Và theo tôi, để thực hiện được khâu này tốt thì Bộ Công thương có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong vấn đề tiêu thụ nông sản, xúc tiến thương mại. Tuy nhiên thực tiễn hiện nay vẫn đề tiêu thụ nông sản vẫn còn rất nhiều khó khăn, tình trạng được mùa mất giá, thừa ế nông sản vẫn diễn ra và chưa có giải pháp thực sự hiệu quả cho vấn đề này. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, song vẫn còn nhiều nông sản chưa xây dựng được thương hiệu mạnh trên thị trường. Chính vì vậy, qua nghị trường Quốc hội tôi muốn gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến với ngành công thương, mong muốn ngành công thương cũng như ngành nông nghiệp liên kết chặt chẽ để giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản cho người dân được tốt hơn.
Phóng viên: Quan điểm của đại biểu như thế nào về nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương xung quanh vấn đề đại biểu chất vấn?
Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Tôi đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khi Bộ trưởng thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm cao của ngành công thương trong việc phối hợp với ngành nông nghiệp xác định rõ nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn và có kế hoạch định hướng trong công tác đàm phán, hợp tác nhằm thúc đẩy nông sản tiêu thụ ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã thẳng thắn chỉ ra còn những tồn tại hạn chế, đặc biệt trong công tác liên kết chuỗi hiện nay, nhất là khi chưa đề cao vai trò của doanh nghiệp trong phát triển thị trường, chưa lấy doanh nghiệp làm hạt nhân trong phát triển chuỗi giá trị nông sản. Tôi hi vọng, khi Bộ trưởng đã chỉ ra được những nút thắt trong thúc đẩy tiêu thụ nông sản thì cũng sẽ có những giải pháp hữu hiệu, căn cơ trong việc phối hợp và hỗ trợ ngành nghiệp tiêu thụ nông sản không chỉ ở thị trường trong nước mà còn tham gia xuất khẩu sâu rộng hơn.
Phóng viên: Sau một năm chất vấn, những vấn đề đại biểu quan tâm chất vấn đã có những chuyển biến như thế nào?
Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Những vấn tôi quan tâm chất vấn đến nay chưa có sự chuyển biến tích cực, đầu ra sản phẩm nông sản vẫn chưa bền vững. Thực tiễn, đầu năm nay, do tác động của dịch Covid 19, khiến xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam gặp khó khăn, đình trệ và tiếp tục tái diễn những cuộc vận động chung tay “giải cứu” các mặt hàng nông sản bị tồn đọng. Dù những cuộc giải cứu là cần thiết và phù hợp trong thời điểm khó khăn khi dịch đang diễn ra, giúp người nông dân giảm phần nào thiệt hại trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, phương án này chỉ mang tính tình thế và không mang lại hiệu quả lâu dài cho sản xuất và xuất khẩu nông sản. Thực tế đã cho thấy, không chỉ ảnh hưởng của dịch Covid-19 mới dẫn đến ùn ứ, dư thừa hàng nông sản mà việc “giải cứu” nông sản dường như năm nào cũng diễn ra trong những năm gần đây.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc ùn ứ nông sản theo tôi là do công tác nghiên cứu, dự báo, cung cấp thông tin thị trường của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Người sản xuất thiếu thông tin hoặc không được cung cấp thông tin kịp thời, thiếu sự hướng dẫn, tư vấn, khuyến cáo dẫn đến vẫn sản xuất hàng hóa theo phong trào mà không có định hướng, chiến lược cụ thể. Bên cạnh đó, sự kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông sản vẫn còn nhiều bất cập.
Phóng viên: Đại biểu có đề xuất, kiến nghị gì để góp phần hỗ trợ ngành nông nghiệp xây dựng được chuỗi giá trị nông sản và phát triển thị trường bền vững?
Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Theo tôi, việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là lĩnh vực cần được quan tâm đặc biệt, nhất là là chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy mặt hàng này phát triển. Trên cơ sở đó, Bộ Công thương với chức năng quản lý nhà nước, phát huy hơn nữa thế mạnh của mình trong việc làm cầu nối, đẩy mạnh kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản. Đây là vấn đề hết sức quan trọng để từ đó các doanh nghiệp tìm được những cơ hội mới trong việc tìm kiếm bạn hàng, thị trường, qua đó xây được các chuỗi giá trị. Khi xây dựng tốt các chuỗi giá trị sẽ có tác động đến vùng sản xuất nông nghiệp và hàng hóa của người nông dân mới có cơ hội tham gia tiêu thụ tốt hơn.
Chú trọng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn giữa các vùng, giữa các tỉnh để mang lại giá trị gia tăng, an toàn cho người tiêu dùng và mạng lại cả lợi ích thiết thực cho người sản xuất kinh doanh.
Ngành nông nghiệp hiên nay đang trong giai đoạn thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị. Do vậy, cần phần định rõ những sản phẩm nào đang khó khăn khi tiếp cận thị trường, những sản phẩm nào đang là thế mạnh để từ đó có định hướng, kế hoạch cụ thể phát triển ngành hàng phù hợp với nhu cầu của thị trường để giúp người nông dân có thu nhập cao hơn, đời sống ổn định hơn và bám trụ với nông nghiệp, đồng thời qua đó cũng thưc hiện được các nhiệm vụ kinh tế nông nghiệp và an ninh lương thực.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!
Thực tiễn cho thấy, việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp sẽ tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, góp phần nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và cũng đảm bảo điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm tốt hơn. Do vậy, hơn lúc nào hết việc đẩy mạnh mối liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhất là khi chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với các nước trên thế giới đòi hỏi yêu cầu cao về các rào cản kỹ thuật. Bên cạnh đó, vình thành các chuỗi liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hợp tác xã và các nhà phân phối cũng là những giải pháp cấp thiết giúp nông sản khẳng định vị thế trong nước và từng bước chiếm lĩnh thị trường quốc tế./.