ĐBQH TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH CHẤT VẤN BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG VỀ TỔNG KẾT VÀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ 2005

25/09/2020

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã có phiếu chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về nội dung tổng kết, đánh giá và đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

Tác động của Luật Giao dịch điện tử đối với sự phát triển kinh tế - xã hội

102 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giao dịch điện tử được ban hành; 92% bộ, cơ quan ngang bộ sử dụng chữ ký số; Số lượng văn bản điện tử được trao đổi qua mạng đạt khoảng 87%; Số doanh nghiệp sử dụng chữ ký điện tử tăng từ 31% năm 2013 lên 60% năm 2019; Thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng từ con số 0 năm 2006 lên 12 tỉ USD trong năm 2020;... Đây là một số kết quả ghi nhận thành công của việc triển khai thi hành Luật Giao dịch điện tử trong một số lĩnh vực tiêu biểu. Cùng với nỗ lực triển khai của nhiều ngành và địa phương, thành quả trong 15 năm qua đã thể hiện vai trò quan trọng, tác động tích cực của Luật trong phát triển kinh tế - xã hội. Thành quả này là nền tảng vững chắc để nước ta bước sang giai đoạn triển khai giao dịch điện tử sâu hơn trong công cuộc chuyển đổi số sắp tới.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thu, Phó Trưởng phòng, Phòng Pháp chế và Kiểm tra, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, Luật Giao dịch điện tử cùng với các luật chuyên ngành đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các bộ, ngành và địa phương trong cả nước triển khai ứng dụng giao dịch điện tử trong hoạt động dân sự và đặc biệt trong thương mại. Luật được xem là yếu tố tích cực, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bà Nguyễn Thị Minh Thu, Phó Trưởng phòng, Phòng Pháp chế và Kiểm tra, Cục An toàn thông tin

Được Quốc hội Quốc hội khóa XI, thông qua tại kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2006, Luật Giao dịch điện tử được xây dựng trên cơ sở Luật mẫu về Thương mại điện tử của Ủy ban Liên hiệp quốc về Luật Thương mại quốc tế, bao gồm: 8 Chương và 54 điều mang tính chất luật khung, nguyên tắc đối với các vấn đề kỹ thuật của giao dịch trên môi trường điện tử. Triển khai thi hành Luật Giao dịch điện tử ngay khi có hiệu lực pháp lý, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức đã khẩn trương tiến hành công tác tổ chức, thực hiện nhằm đưa Luật vào cuộc sống.

Nhằm hướng dẫn thi hành Luật, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 102 văn bản hướng dẫn thi hành Luật, bao gồm: 32 Nghị định, 52 Thông tư và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Quyết định của các bộ, cơ quan ngang bộ hướng dẫn thi hành Luật Giao dịch điện tử. Bộ Thông tin và truyền thông và các bộ, ngành có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ đã ban hành nhiều văn bản dưới Luật để hướng dẫn thi hành các Nghị định của Chính phủ. Ngoài ra, để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phụ trách, nhiều bộ đã tích hợp quy định về áp dụng giao dịch điện tử trong pháp luật chuyên ngành góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển, ứng dụng giao dịch điện tử.

Việc triển khai quy định của Luật Giao dịch điện tử và các luật chuyên ngành đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước. Hiện giao dịch giữa cơ quan nhà nước có hình thức cơ bản là văn bản điện tử, chia sẻ dữ liệu, cơ sở dữ liệu. Giao dịch giữa cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp tập trung chủ yếu là dịch vụ công trực tuyến. Ứng dụng giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước được triển khai rộng rãi nhằm đổi mới quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, nâng cao hiệu quả, hiệu suất công việc.

Anh Mẫn Bá Lương Phong, phường Giang Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, chia sẻ “tôi rất là bất ngờ về dịch vụ hành chính đăng ký online và được nhận kết quả tại nhà. Mọi thủ tục đơn giản, nhanh gọn, không mất thời gian,… tôi cảm thấy rất hài lòng và hi vọng dịch vụ này sẽ được duy trì thường xuyên…”

Sau khi Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực, thị trường Thương mại điện tử của Việt Nam đã tăng trưởng từ con số 0 năm 2006 đạt 12 tỉ USD trong năm 2020. Về quy mô, năm 2018, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển toàn diện với tốc độ tăng trưởng trên 30%. Thói quen mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam cũng có những thay đổi tích cực. Từ việc chỉ quen với giao dịch kinh doanh truyền thống, mặt đối mặt, được cầm, ngắm và có thể được thử sản phẩm, thì nay họ đã dần tiếp cận và yêu thích hình thức mua sắm trực tuyến. Theo đại biểu Ngàn Phương Loan, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, trước xu thế hội nhập, rất nhiều người lựa chọn theo hình thức mua sắm online. Đây là phương thức mua sắm phổ biến và chiếm xu thế trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay,

Như vậy, sau gần 15 năm thực hiện, Luật Giao dịch điện tử cùng với các luật chuyên ngành khác tạo hành lang pháp lý hỗ trợ đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy GDĐT, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, đưa ứng dụng khoa học, công nghệ vào cải cách hành chính.

Tồn tại, hạn chế trong thi hành Luật Giao dịch điện tử

Theo Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có hơn 1,4 triệu chứng thư số công cộng và hơn 220.000 chứng thư số chuyên dùng Chính phủ đang hoạt động. Các giao dịch kê khai và nộp thuế điện tử, kê khai hải quan điện tử, kê khai bảo hiểm xã hội điện tử đều được ký số, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tiết kiệm thời gian, công sức của doanh nghiệp, người dân khi thực hiện các giao dịch. Tuy nhiên, việc triển khai hợp đồng, chữ ký số, xác thực và thanh toán điện tử hiện vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, bất cập, làm hạn chế sự phát triển của giao dịch điện tử dù Chính phủ đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế số.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, cho biết Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa quy định rõ ràng về thông điệp dữ liệu an toàn và chữ ký điện tử an toàn, dẫn đến sự thiếu tin tưởng của các bên khi tham gia giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, Luật còn thiếu quy định về định danh, xác thực điện tử, dẫn tới hạn chế trong xác định trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan trong giao dịch điện tử. Ngoài ra, Luật cũng chưa quy định giá trị pháp lý của một đề nghị giao kết hợp đồng dưới hình thức điện tử, khác với giao dịch truyền thống khi mà một đề nghị giao kết hợp đồng ràng buộc người đưa ra đề nghị này.

. Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia

Vướng mắc trong lĩnh vực chữ ký số, xác thực và thanh toán điện tử là một trong những khó khăn hiện nay do luật Giao dịch điện tử sau 15 năm thi hành đã bộc lộ một số điều, khoản không còn phù hợp với thực tiễn. Xuất phát từ yêu cầu của thực tế, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Tư pháp, Tài chính tổ chức Hội thảo Tổng kết Luật Giao dịch điện tử.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, cho biết sau gần 15 năm triển khai thi hành, Luật Giao dịch điện tử đã bộc lộ những bất cập, điểm chưa phù hợp với thực tiễn phát triển, như thiếu nhất quán trong quy định chi tiết đối với thông điệp dữ liệu về định dạng, thời gian gửi, nhận, lưu trữ, chuyển đổi,... dẫn tới khó khăn khi liên thông, công nhận lẫn nhau giữa các hệ thống.

Bên cạnh đó, theo ý kiến các chuyên gia Luật Giao dịch điện tử 2005 cũng bộc lộ nhiều bất cập trong quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, các quy định còn mang tính nguyên tắc, thiếu các quy định cụ thể như giá trị pháp lý, trường hợp sử dụng và việc công nhận, liên thông giữa chữ ký điện tử chuyên dùng trong cơ quan nhà nước và chữ ký điện tử công cộng, gây khó khăn trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và người dân.

Tổng kết và kiến nghị sửa đổi Luật Giao dịch điện tử

 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng 

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong quá trình hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực  hiện thi hành Luật Giao dịch điện tử, mặc dù Luật có nội dung quy định mang tính nguyên tắc nhưng sau hơn 10 năm thực hiện, với xu thế phát triển của đất nước trong việc đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử và chuyển  đổi số, sự thay đổi của công nghệ và nhu cầu của xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận thấy Luật Giao dịch điện tử đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập.

Ngoài ra trong những năm triển khai thi hành về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số là nội dung quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử thuộc thẩm quyền của Chính phủ luôn được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá sự phù hợp và kịp thời kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung, cụ thể: Sau khi Luật Giao dịch điện tử được thông qua ngày 25/07/2007 Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực  chữ ký số; để phù hợp với tình hình thực tế triển khai Bộ Thông tin và Truyền thông trong các năm 2011 và 2013 đã liên tiếp trình  Chính phủ xem xét và ban hành Nghị định số 106/2011/NĐ-CP và Nghị  định số 170/2013/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số  điều của Nghị định  số 26/2007/NĐ-CP. Ngày 27/09/2018 Chính phủ đã ban  hành Nghị định số  130/2018/NĐ-CP quy định  chi tiết thi  hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch  vụ chứng thực chữ ký số (Đây là Nghị định thay thế tất cả các Nghị định đã ban hành trước đây về vấn đề này).

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội lập kế hoạch tổng kết và sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, theo đó dự  kiến năm 2020 sẽ tiến hành đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Giao dịch điện tử và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung sẽ trình Quốc hội  thông qua vào đầu năm 2021.

Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ rõ những bất cập, tồn tại trong quá trình thi hành Luật Giao dịch điện tử và dự kiến năm 2020 sẽ tiến hành đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung sẽ trình Quốc hội  cho ý kiến và thông qua vào đầu năm 2021. Vậy, đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng và cụ thể sau 15 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt thì đâu là những điểm tồn tại, hạn chế trong thi hành Luật Giao dịch điện tử? Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh về nội dung này:

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội

Phóng viên: Xuất phát từ thực trạng nào đại biểu lại chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về sự cần thiết phải tổng kết và sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội: Luật Giao dịch điện tử do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình Quốc hội thông qua từ năm 2005, từ đó đến nay chưa một lần tổng kết đánh giá việc tổ chức thực hiện còn khó khăn, vướng mắc gì dù trong Luật quy định rõ Bộ Bưu chính Viễn thông – nay là Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trác nhiệm quản lý Nhà nước.

Sau 15 năm thi hành, trong bối cảnh hiện nay các nội dung của Luật Giao dịch điện tử cần được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và cuộc cách mạng 4.0. Thời điểm ban hành Luật Giao dịch điện tử mới chỉ tập trung vào vấn đề thương mại, kinh tế, tài chính, ngân hàng chứ trong quản lý nhà nước mới chỉ đề cập 1 phần trong khi đó nhiều lĩnh vực liên quan đến dịch vụ công, hành chính công chưa quan tâm đến vấn đề giao dịch điện tử. Như vậy, trong bối cảnh hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc; phạm vi điều chỉnh cho đến bây giờ là bất cập cách gọi các cơ quan trong luật cũng nhiều vấn đề đã thay đổi rồi các vấn đề về chữ ký số, giao dịch điện tử;...

Vì vậy, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, tôi đã có phiếu chất vấn đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông có tổng kết, đánh giá và đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử để phù hợp với tình hình hiện nay.

Phóng viên: Ngay sau khi nhận được văn bản chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông đã có văn bản trả lời chất vấn. Vậy, đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời tại văn bản?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội:  Bộ trưởng đã kịp thời có văn bản trả lời nội dung tôi chất vấn. Về cơ bản tôi đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng. Bộ cũng đã nhận thấy Luât Giao dịch điện tử đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập đồng thời khẳng định, hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội lập kế hoạch tổng kết và sửa Luật Giao dịch điện tử, theo đó dự kiến năm 2020 sẽ tiến hành đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Giao dịch điện tử và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung và trình Quốc hội thông qua vào đầu năm 2021. Thực tế, vừa qua từ Bộ Thông tin và truyền thông cũng đã có nhiều động thái tích cực trong việc tổ chức các hội thảo nhằm tổng kết thi hành Luật Giao dịch điện tử.

 Phóng viên: Theo quan điểm của đại biểu, đâu là những tồn tại, vướng mắc trong thi hành Luật Giao địch điện tử hiện nay?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội: Luật Giao dịch điện tử được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy giao dịch điện tử trong các lĩnh vưc. Góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính,... Tuy nhiên sau 15 năm thi hành, với xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin  thì Luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: quy định về phạm vi điều chỉnh chưa bao quát hết; một số khái niệm thuật ngữ đã không còn phù hợp; vấn đề quy định chữ ký số; thiếu quy định về định danh, xác thực điện tử; trách nhiệm của các Bộ ngành trong thực thi luật;....Luật Giao dịch điện tử chưa quy định về chuyển đổi tài liệu điện tử sang tài liệu giấy và ngược lại. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, ngành tài chính, bảo hiểm đã quy định việc chuyển đổi chứng từ điện tử sang chứng từ giấy và ngược lại tại Nghị định 165/2018/NĐ-CP và Nghị định 166/2016/NĐ-CP. Các lĩnh vực khác không có quy định nội dung này nên không triển khai được việc chuyển đổi tài liệu điện tử sang tài liệu giấy và ngược lại.

Ngoài ra, quy định về tranh chấp và xử lý vi phạm trong giao dịch điện tử còn thiếu, nhất là liên quan đến các luật chuyên ngành với đặc thù trong giải quyết tranh chấp. Luật Giao dịch điện tử hiện nay cũng chưa quy định và công nhận giá trị pháp lý của các hình thức xác thực khác. Như vậy, chữ ký điện tử có thể có nhiều hình thức như chữ ký số, nhận dạng chữ viết tay, nhận dạng sinh trắc học, nhận dạng giọng nói,... Hiện nay cần cụ thể hóa các hình thức này bằng văn bản quy phạm pháp luật. Cũng cần quy định chữ ký điện tử có nhiều cấp độ khác nhau, phục vụ cho độ tin cậy cần thiết của mỗi giao dịch.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Cơ bản đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh co rằng, thời gian vừa qua Bộ Thông tin và truyền thông đã có nhiều động thái tích cực trong việc đẩy mạnh triển khai tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Giao dịch điện tử. Vấn đề đặt ra là qua tổng kết cần chỉ rõ những tồn tại, vướng mác hiện nay đồng thời cần xác định rõ đâu là nguyên nhân của những bất cập, hạn chế. Từ đó, khoanh vùng và xác định những vấn đề cần tập trung sửa đổi, bố sung  trong Luật Giao dịch điện tử đảm bảo phù hợp với thực tiễn; tạo nền tảng vững chắc để nước ta bước sang giai đoạn triển khai giao dịch điện tử sâu hơn trong công cuộc chuyển đổi số./.

Lê Anh