ĐBQH NGUYỄN PHƯỚC LỘC CHẤT VẤN BỘ TN&MT VỀ QUY HOẠCH, XÂY DỰNG ĐIỂM THU GOM VÀ XỬ LÝ RÁC THẢI

09/10/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Phước Lộc - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh có chất vấn gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường về các giải pháp chỉ đạo của Bộ trong việc phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về quy hoạch, xây dựng điểm thu gom rác thải và xử lý rác thải đảm bảo bảo vệ môi trường.

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Phước Lộc, ngày 22/6/2020, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trước đây, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2005 (đã được thay thế bằng Luật BVMT năm 2014), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 về quản lý chất thải rắn. Theo đó, Bộ Xây dựng được giao thực hiện quản lý chất thải rắn đô thị và khu công nghiệp, trong đó có nhiệm vụ lập quy hoạch quản lý chất thải rắn cấp vùng, liên tỉnh, liên đô thị và vùng kinh tế trọng điểm; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn. Từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành và Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật BVMT, đặc biệt để thống nhất quản lý nhà nước về chất thải, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối thống nhất quản lý nhà nước chất thải rắn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, để thực hiện nhiệm vụ mới này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện quản lý chất thải rắn như: (i) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan tổ chức rà soát, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý chất thải rắn; (ii) Tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác quản lý chất thải rắn, các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên phạm vi cả nước; (iii) tổ chức các đoàn khảo sát, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về quản lý chất thải rắn ở nước ngoài như Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...; (iv) tổ chức các hội thảo về chất thải rắn để trao đổi, thảo luận về hiện trạng quản lý nhà nước, mô hình quản lý và công nghệ xử lý chất thải rắn tại Việt Nam để đề xuất các giải pháp quản lý, công nghệ xử lý phù hợp. Đặc biệt, đã tham mưu Chính phủ xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đang trình Quốc hội cho ý kiến, trong đó đã thể chế hóa cụ thể về quản lý chất thải, giải quyết các tồn tại, bất cập trong công tác quản lý về chất thải.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu trước Quốc hội.

Về vấn đề quy hoạch, xây dựng địa điểm thu gom và xử lý rác thải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật BVMT, Bộ TN&MT đang triển khai thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch BVMT Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 18/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng nội dung BVMT trong quy hoạch vùng để trình phê duyệt theo quy định. Theo đó các quy hoạch quản lý chất thải đã ban hành (trong đó có địa điểm của các cơ sở xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn...) sẽ được rà soát, kế thừa, điều chỉnh, bổ sung, tích hợp và là một nội dung của Quy hoạch BVMT Quốc gia, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo và hướng dẫn Sở TN&MT xây dựng nội dung BVMT trong quy hoạch tỉnh, trong đó có quy hoạch các địa điểm thu gom, lưu giữ và xử lý rác thải đảm bảo về BVMT; tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật đối với các quy hoạch (quốc gia, vùng, tỉnh, đô thị, nông thôn...), bảo đảm vấn đề BVMT trong các quy hoạch phải được chú trọng và là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững đất nước và các địa phương.

Hồ Hương