Luật Giao thông đường bộ năm 2008 bao gồm 8 chương với 89 điều, được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009; Luật này thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2001. Sau 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Giao thông đường bộ 2008 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để xây dựng Luật thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Về vấn đề này, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp xung quanh một số nội dung tại dự thảo Luật sửa đổi lần này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp
Phóng viên: Thưa đại biểu, đại biểu đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Giao thông đường bộ?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 là cần thiết. Sau 10 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, với sự lớn mạnh và phát triển của giao thông đường bộ trong thời gian qua, thì Luật Giao thông đường bộ 2008 đã xuất hiện một số tồn tại phát sinh và cần phải được xem xét để xây dựng Luật giao thông đường bộ (sửa đổi).
Quan điểm của tôi là nên sửa đổi Luật Giao thông đường bộ chứ không nên tách Luật Giao thông đường bộ ra thanh hai luật (Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn Giao thông đường bộ). Giao thông có nhiều lĩnh vực, ngoài Luật Giao thông đường bộ còn có Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Đường sắt, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam,... tất cả đều liên quan đến trật tự an toàn giao thông. Trường hợp tách Luật Giao thông đường bộ ra thì tôi phân vân tới đây có tiếp tục tách các luật kia ra nữa hay không.
Tôi cho rằng, trên cơ sở của Luật Giao thông đường bộ 2008, Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải cần ngồi lại với nhau để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và phân công nhiệm vụ, trách nhiệm rõ ràng cho từng bộ, ngành. Bên cạnh đó, bổ sung chương, điều vào phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo hướng nâng cấp Luật Giao thông đường bộ hiện hành cho hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Phóng viên: Vậy đâu là những nội dung trọng tâm cần quan tâm sửa đổi lần này, thưa đại biểu?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Nội dung trọng tâm là sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy tắc giao thông của các công trình đường bộ có tính chất đặc thù như: đường cao tốc, cầu dài vượt biển...; các cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng; khung pháp lý cho các loại phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành đặc biệt là hệ thống giao thông thông minh; điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải cho phù hợp với thực tế.
Phóng viên: Vấn đề quản lý taxi công nghệ cần được luật hóa trong luật sửa đổi lần này như thế nào để đảm bảo tính cạnh tranh và hiệu quả quản lý, thưa đại biểu?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Việc áp dụng, phát triển công nghệ phần mềm trong dịch vụ hỗ trợ vận tải (grab taxi), hiện nay vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để điều tiết các vấn đề có liên quan như trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đối với nhà nước, đối với người tiêu dùng khi tham gia vào chuỗi cung ứng các dịch vụ có liên quan đến hoạt động vận tải. Do đó, cần phải rà soát để bổ sung thêm các nội dung này để đảm bảo điều chỉnh kịp thời các yêu cầu của thực tiễn phát sinh.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!