GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN SỚM BAN HÀNH LUẬT HÀNH NGHỀ KỸ SƯ CHUYÊN NGHIỆP

12/10/2020

Cách đây 10 năm, Bộ Chính trị có ban hành Chỉ thị 42–CT/TW ngày 24/3/2010 về việc tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Ngay sau đó, Ban Bí thư có Thông báo số 353 yêu cầu các cơ quan hữu quan phải nghiên cứu, ban hành Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp, cùng Luật Phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ.

 

Phát triển đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp

Đội ngũ kỹ sư có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội

Trụ sở tại 625 A đường La Thành, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện tập hợp của các tổ chức Hội chuyên ngành về xây dựng, Hội xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội viên là các chuyên gia đầu ngành về xây dựng cùng nhau đoàn kết phấn đấu góp phần xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Cho biết về vai trò của lực lượng kỹ sư trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hiện nay, KS.Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Hội xây dựng Việt Nam, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, cùng với lực lượng trí thức trong xã hội, đội ngũ kỹ sư có đóng góp trực tiếp và sâu rộng trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế và xã hội, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Kỹ sư là một trong những thuật ngữ khá quen thuộc. Xét theo học vị thì kỹ sư là một chức danh chỉ những người được đào tạo bài bản và đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật. Những người là kỹ sư sẽ áp dụng những kiến thức, hiểu biết và khả năng sáng tạo của bản thân vào trong những ngành nghề liên quan.

Nâng cao tính chuyên nghiệp của người kỹ sư là đòi hỏi tất yếu, khách quan phù hợp với quá trình phân công lao động xã hội. Chuyên nghiệp hoá đòi hỏi người cán bộ kỹ thuật phải luôn không ngừng phấn đấu học tập và cập nhật các thông tin và kiến thức, hoàn thiện kỹ năng hành nghề để đáp ứng yêu cầu có khả năng cung cấp được các dịch vụ tốt nhất cho xã hội. Việc phân loại kỹ sư và công nhận kỹ sư chuyên nghiệp đã có từ lâu và đã trở thành thông lệ quốc tế, nó đảm bảo quyền lợi hành nghề của người kỹ sư và quyền lợi của các nhân, tổ chức sử dụng những dịch vụ kỹ thuật của họ.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, mặc dù là chiếm số đông trong lực lượng lao động của xã hội nhưng hiện nay đội ngũ kỹ sư chưa có Luật chuyên ngành điều chỉnh. Trong khi đó, nếu xét riêng trong khu vực ASEAN chỉ có Việt Nam và Lào chưa có luật này. Các nước G7, G20, các nước tiên tiến đều có luật.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã chủ động cùng với các bộ, ngành liên quan  xây dựng dự thảo của Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp để trình Quốc hội thông qua, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động nghề nghiệp của các kỹ sư trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Phát biểu thảo luận tại Hội trường Diên Hồng về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, đại biểu Nghiêm Vũ Khải, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, kiến nghị Quốc hội sớm xem xét, ban hành Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp và Luật Phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ. Trong đó, kiến nghị xem xét bổ sung Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp vào kỳ họp thứ 11 vào tháng (3/2021). Về Luật Phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, việc sớm ban hành luật tạo hành lang pháp lý trong phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật, từ đó tạo nền tảng nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân và là cơ sở để phát triển khoa học và công nghệ.

Sớm ban hành Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp

Kinh nghiệm quốc tế, tất cả các nước G7, G20, các nước tiên tiến đều có luật, ở Mỹ luật này đã có hơn 100 năm. Đó là một trong những yếu tố để phát triển đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp vô cùng quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để hiểu rõ hơn về sự cần thiết cũng như mục tiêu xây dựng dự án Luật hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải phòng, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội:

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng

Phóng viên: Thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, đại biểu đã kiến nghị Quốc hội sớm xem xét, ban hành Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp và Luật Phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ. Vậy xuất phát từ đâu đại biểu kiến nghị cần sớm ban hành các luật này?

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: Căn cứ để Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đề xuất với Quốc hội phải xây dựng, ban hành 02 đạo luật rất quan trọng là Luật Phổ biến kiến thức khoa học và Luật hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp. Đây là Chỉ thị của Bộ Chính trị nêu trong Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 về việc xây dựng Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trở thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh đến năm 2020 và trong đó có đề ra việc xây dựng 2 luật nêu trên đồng thời đề ra nhiệm vụ phải xây dựng chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức. Trong Chỉ thị này Bộ Chính trị yêu cầu 2 dự án luật này phải được xây dựng vào đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII tức là nhiệm kỳ 2011 -2016.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thấy rằng trong chương trình của Quốc hội những năm đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV cũng không có chương trình này. Vì vậy, năm 2018 Thường trực Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã trình lên Chính phủ, tiếp theo đó là Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình ra Quốc hội đề xuất xây dựng Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp;  còn đối với Luật Phổ biến kiến thức khoa học công nghệ chúng tôi cũng đã chuẩn bị nhưng bước đầu là đề xuất 1 đạo luật trước.

Phóng viên: Đâu là những mục tiêu hướng tới trong quá trình xây dựng dự án luật, thưa đại biểu?

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: Thực ra mục tiêu chính của luật này là xây dựng 1 khuôn khổ pháp lý để chúng ta triển khai xây dựng 1 đội ngũ kỹ sư có tính chất chuyên nghiệp. Tức là, ngoài việc đào tạo ở các cơ sở đào tạo theo nghề kỹ sư thì muốn trở thành kỹ sư chuyên nghiệp thì họ phải liên tục cập nhập những kiến thức không những về chuyên môn mà cả kiến thức về pháp luật và cả về các tiêu chuẩn kỹ thuật mới. Trong các lĩnh vực kỹ thuật, ví dụ như kỹ thuật về cầu đường; cơ khí; công nghệ thông tin;.. tức là hành nghề phải được cập nhập liên tục về kiến thức mà là kiến thức ở đây phải toàn diện.

Mục đích tiếp theo là xây dựng đội ngũ kỹ sư một cách chính quy đồng thời cũng đảm bảo xây dựng nguồn nhân lực kỹ thuật cao một cách ổn định và theo tiêu chuẩn chúng ta có thể hội nhập trong thị trường lao động kỹ thuật cao của khu vực và thế giới. Chúng ta phải có trách nhiệm là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người sử dụng lao động kỹ sư chuyên nghiệp.

Song song với việc hành nghề kỹ sư thì chúng ta trước đây cũng đã ban hành những luật liên quan đến nghề nghiệp ví dụ như Luật Hành nghề y dược; Luật Kiểm toán, kế toán; Luật Hành nghệ luật sư,.. những luật đó đã đặt nền móng cơ sở pháp lý cho việc quản lý nhà nước cũng như tổ chức hoạt động nghề nghiệp 1 cách đúng pháp luật và theo xu thế hiện đại hóa, chính quy hóa hội nhập quốc tế. Vì thế, với kỹ sư nhu cầu đó lại càng cao thế cho nên mục tiêu đã nêu rất rõ ràng trong Tờ trình đối với Quốc hội và Chính phủ rất tiếc là do còn có những ý kiến khác nhau nên dự án luật chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật.

Chúng tôi sẽ kiên trì thuyết phục và tuyên truyền để 2 đạo luật này đi vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh của Quốc hội trong thời gian sớm nhất. 

Phóng viên: Thưa đại biểu, nếu luật được sớm thông qua sẽ có tác động như thế nào đến hoạt động của kỹ sư chuyên nghiệp nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung?

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng:  Ở Việt Nam lao động chúng ta năng suất thấp hơn nhiều so với thế giới. Vấn đề năng suất, chất lượng lao động, tính cạnh tranh của lao động và sản phẩm phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đội ngũ kỹ sư không chỉ bao gồm những người làm về cơ khí hay những hoạt động cụ thể như xây dựng công trình mà bao gồm cả những lĩnh vực như công nghệ thông tin; lĩnh vực tự động hóa; lĩnh vực công nghệ cao;...cho nên chúng ta có được đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp trình độ cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế thì chúng ta sẽ có năng suất và chất lượng lao động, sức cạnh tranh về lao động cũng như sản phẩm của chúng ta sẽ vươn xứng tầm thời đại ngày nay; nâng cao vị thế nền kinh tế của Việt Nam.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Vừa qua, trong các văn kiện, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước đã tiếp tục khẳng định vai trò của khoa học và công nghệ cũng như vai trò đội ngũ trí thức. Để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược nhằm tăng năng lực cạnh tranh quốc gia; phát triển ngành cơ khí Việt Nam, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 thì vai trò của đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp là khâu then chốt nhất. Vì vậy, nếu Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp tại Việt Nam được ban hành sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý về hoạt động hành nghề trong nước; đồng thời đề ra tiêu chuẩn, quy định hành nghề, đạo đức nghề nghiệp đối với kỹ sư chuyên nghiệp, nếu phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế sẽ góp phần tăng cường khả năng và cơ hội hội nhập với quốc tế của kỹ sư trong nước. Ngoài ra, Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp sẽ thúc đẩy việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ sư và tiêu chuẩn kỹ thuật trong hành nghề; đảm bảo kỷ cương của hoạt động kỹ thuật, góp phần phát triển khoa học công nghệ, kinh tế xã hội./.

Lê Anh