ĐBQH LƯU BÌNH NHƯỠNG CHẤT VẤN BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ TÌNH TRẠNG BÙNG NỔ TRỞ LẠI CỦA KINH DOANH ĐA CẤP TRÁI PHÁP LUẬT

13/10/2020

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về về trách nhiệm và biện pháp xử lý của Bộ Công Thương đối với tình trạng bùng nổ trở lại của kinh doanh đa cấp trái pháp luật.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, ngày 29/6/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, tại Việt Nam, hoạt động bán hàng đa cấp được phép thực hiện đối với hàng hóa. Các loại hình kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng không phải là mua bán hàng hóa đều bị cấm. Để được hoạt động bán hàng đa cấp, doanh nghiệp phải đăng ký với Bộ Công Thương và chịu sự kiểm tra, giám sát của Bộ Công Thương, các Sở Công Thương và các lực lượng chức năng liên quan trong quá trình hoạt động, Công tác quản lý hoạt động này được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ với cơ quan chịu trách nhiệm chính là Bộ Công Thương.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, trong những năm vừa qua, công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp đã được Bộ Công Thương thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả, nhiều doanh nghiệp đã bị xử phạt nghiêm minh và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, một số doanh nghiệp sau khi bị Bộ Công Thương xử lý hành chính đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an xem xét xử lý hình sự theo quy định (Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long, Công ty Cổ phần Liên minh tiêu dùng).

Đến nay, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bán hàng đa cấp về cơ bản đã được kiểm soát tốt, không còn các vi phạm nghiêm trọng. Hiện chỉ còn 22 doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp so với 67 doanh nghiệp vào đầu năm 2016.

Với việc các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp được cấp Giấy chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật đang được kiểm soát chặt chẽ, các hình thức biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi thông qua các hình thức đầu tư như hoạt động đầu tư tiền vào các dự án tài chính, tiền ảo, ví điện tử... lại có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, để có cơ sở ngăn chặn từ sớm, xử lý nghiêm các hoạt động này, năm 2017, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội thông qua Điều 217a Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo đó, người tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng hoặc quy mô mạng lưới tham gia từ 100 người trở lên đã có thể bị xử lý hình sự...

Do đó, để có thể xử lý triệt để và hiệu quả các hành vi bán hàng đa cấp trái phép rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan công an từ Trung ương đến địa phương. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, về phía Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2016 đến nay, khi phát hiện hoặc tiếp nhận các thông tin về đấu hiệu của hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng, trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã thực hiện các biện pháp như sau:

Thứ nhất, chủ động đăng tin, bài cảnh báo để hạn chế nguy cơ người dân tham gia vào các hoạt động này. Bộ Công Thương đã đưa ra hàng chục cảnh báo công khai về các trường hợp có dấu hiệu hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng để người dân biết và phòng tránh liên quan đến các đối tượng như Jeunesse, Atomy, Greenleaf, Dự án Hoàng Gia, Vital4u, FutureNet, Vision, Owifi, Riway... Đồng thời, Bộ Công Thương cũng chuyển thông tin và đề nghị các lực lượng chức năng ở địa phương cùng giám sát, xử lý.

Thứ hai, chủ động cung cấp thông tin, tài liệu đến các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Công an và cơ quan công an tại địa phương (trên 10 trường hợp) để theo dõi, xem xét xử lý hình sự theo quy định tại Điều 217a Bộ luật Hình sự.

Thứ ba, phối hợp, hỗ trợ Bộ Công an và cơ quan công an tại các địa phương trong việc xác minh, điều tra và xử lý các hành vi có dấu hiệu lợi dụng mô hình đa cấp để kinh doanh trái phép, huy động tài chính, tiền ảo... (trên 20 trường hợp).

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong thời gian tới, để tiếp tục quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp có Giấy chứng nhận, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua, trong đó tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo để nâng cao nhận thức của người dân trước các biểu hiện của đa cấp biến tướng.

Thứ hai, phối hợp với các Bộ ngành, lực lượng liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nâng cao tính răn đe và ngăn ngừa sớm các hệ lụy xấu cho xã hội.

Hồ Hương