Khi người dân đồng thuận…việc khó mấy cũng hoàn thành
Dự án xây dựng trục đường Hồ Sen-Cầu Rào 2 khởi công từ năm 1994. Đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hoàn chỉnh kết cấu hệ thống giao thông của thành phố Hải Phòng theo hướng Bắc - Nam... Dự án sau nhiều lần gián đoạn, thay đổi chủ đầu tư, đã được điều chỉnh mức đầu tư lên tới trên 2.000 tỷ đồng; diện tích đất phải thu hồi gần 60.000 m2, liên quan đến 469 hộ dân ở khu vực lõi trung tâm của quận Lê Chân.
Dự án xây dựng trục đường Hồ Sen-Cầu Rào 2 là công trình trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hoàn chỉnh kết cấu hệ thống giao thông của thành phố Hải Phòng theo hướng Bắc - Nam.
Nguyên nhân khiến dự án này kéo dài tới 26 năm là do không giải phóng được mặt bằng. Người dân ngay từ đầu đã không đồng thuận chủ trương khai thác, đấu giá quỹ đất hai bên trục đường này sau khi hoàn thành. Thực trạng này đã đẩy hàng trăm hộ dân trong diện quy hoạch phải sống hơn 20 năm qua trong tâm trạng lo âu, bức xúc; còn chính quyền các cấp, Ban quản lý dự án qua nhiều thời kỳ thì ngán ngẩm, loay hoay đùn đẩy trong công tác giải phóng mặt bằng dự án.
Để giải quyết dứt điểm nút thắt trong giải phóng mặt bằng dự án xây dựng trục đường Hồ Sen-Cầu Rào 2, người đứng đầu thành phố Hải Phòng, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành nêu rõ quan điểm “Phải bảo vệ tốt lợi ích của người dân thì người dân mới đồng thuận”.
“Nếu chúng ta không thay đổi mà vẫn thu hồi đất ở hai bên đường để tạo quỹ đất đấu giá thì chắc là rất khó giải phóng mặt bằng. Chúng ta lấy hai bên, mỗi bên 100m tưởng là hiệu quả kinh tế cao nhưng không làm được, người dân không đồng thuận thì không làm được, không làm được thì ách tắc, trì trệ, không phát triển được…”- ông Lê Văn Thành cho biết.
Làm việc với quận Lê Chân về dự án trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành nhấn mạnh quan điểm: Phải bảo vệ tốt lợi ích của người dân thì người dân mới đồng thuận”
Chấm dứt chủ trương "lấy đất nuôi đường", quyết sách hợp lòng dân này của người đứng đầu TP Hải Phòng đã khơi thông công tác giải phóng mặt bằng dự án trục đường Hồ Sen-Cầu Rào 2 với sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Nếu như trước đây, mỗi năm chỉ có vài chục hộ dân bàn giao mặt bằng thì chỉ chỉ trong 21 ngày (từ 3/9 đến 24/9/2020), quận Lê Chân đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 1/3 số hộ dân còn lại trong dự án, bàn giao toàn bộ diện tích đất phải thu hồi cho các đơn vị thi công để gấp rút hoàn thành dự án vào cuối năm nay. Ông Trần Văn Quý ở phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân đã di chuyển đến nơi ở mới để nhường đất cho dự án.
Làm việc với quận Lê Chân về dự án trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành nhấn mạnh quan điểm: Phải bảo vệ tốt lợi ích của người dân thì người dân mới đồng thuận”
Chấm dứt chủ trương "lấy đất nuôi đường", quyết sách hợp lòng dân này của người đứng đầu TP Hải Phòng đã khơi thông công tác giải phóng mặt bằng dự án trục đường Hồ Sen-Cầu Rào 2 với sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Nếu như trước đây, mỗi năm chỉ có vài chục hộ dân bàn giao mặt bằng thì chỉ chỉ trong 21 ngày (từ 3/9 đến 24/9/2020), quận Lê Chân đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 1/3 số hộ dân còn lại trong dự án, bàn giao toàn bộ diện tích đất phải thu hồi cho các đơn vị thi công để gấp rút hoàn thành dự án vào cuối năm nay. Ông Trần Văn Quý ở phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân đã di chuyển đến nơi ở mới để nhường đất cho dự án.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc…đảm bảo quyền lợi của người dân
Cùng với chủ trương, quyết sách đúng đắn thì cả hệ thống chính trị ở Hải Phòng, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các quận, huyện trong những năm qua đã trực tiếp vào cuộc quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án giao thông, đô thị trọng điểm.
Lãnh đạo quận Lê Chân xuống tận nhà từng hộ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải quyết thỏa đáng các ý kiến, kiến nghị của người dân.
Tuyên truyền, vận động, thuyết phục để nhân dân ủng hộ chủ trương chung của thành phố, hiểu rõ chính sách, pháp luật để tự nguyện bàn giao mặt bằng cho các dự án được xem là giải pháp then chốt. Không dễ gì mà dự án công viên cây xanh Tam Bạc có thể giải phóng mặt bằng gần 34.000m2 ngay trung tâm thành phố để có một công trình với không gian xanh, sạch, đẹp, văn minh như hiện nay. Không dễ gì mà hàng trăm nghìn m2 đất tại các khu vực lõi đô thị được bàn giao cho các đơn vị thi công hoàn thành các dự án như: cầu Hoàng Văn Thụ, nút giao Nam Cầu Bính, đường World Bank…, rồi mới đây là đường trục chính đô thị Hồ Sen-Cầu Rào 2 đang trong giai đoạn hoàn thành các hạng mục cuối cùng.
“Khi bắt đầu triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án Hồ Sen-Cầu Rào 2, cả hệ thống chính trị của quận Lê Chân vào cuộc. Kể cả đồng chí Bí thư Quận ủy cũng tham gia vào nhóm zalo điều hành dự án. Các đồng chí lãnh đạo quận đi xuống từng nhà để tìm hiểu vướng mắc gì, nguyên nhân ra sao, sử dụng điện thoại chỉ đạo giải quyết ngay…”- Ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng cho biết.
Sau khi nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của người dân, công tác giải phóng mặt bằng, thi công công trình được chủ đầu tư và các nhà thầu gấp rút thực hiện, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ.
Để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng gần 60.000m2 phục vụ dự án xây dựng trục đường Hồ Sen-Cầu Rào 2, quận Lê Chân đã thành lập 5 đoàn công tác xuống từng hộ dân để lắng nghe ý kiến, kiến nghị cụ thể về đất đai, kiến trúc, cây cối, hoa màu... Trên cơ sở nắm bắt chi tiết tâm tư, nguyện vọng của người dân, lãnh đạo quận trực tiếp chỉ đạo giải quyết thỏa đáng, công khai, minh bạch và đúng quy định pháp luật.
“Chúng tôi đến vận động từng hộ, kể cả ngày hay tối, nắng hay mưa gió, bám sát để đảm bảo quyền lợi cao nhất của từng hộ, dù là đất ở hay đất nông nghiệp; giải quyết thấu đáo, đạt tình đạt lý các thắc mắc, kiến nghị nên các hộ đồng thuận ngay. Khi họ dọn nhà, UBND phường, đoàn thanh niên, hội phụ nữ... cùng chung tay hỗ trợ các hộ di chuyển đến nơi ở mới, các hộ rất vui vẻ. Thậm chí anh em ăn cơm luôn ở ngay tại mặt bằng....”- ông Phạm Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân cho biết thêm.
Hiện nay, chủ đầu tư và các nhà thầu Dự án xây dựng trục đường Hồ Sen-Cầu Rào 2 đang thi công những hạng mục cuối; dự kiến, công trình sẽ khánh thành vào tháng 11/2020.
Giải phóng mặt bằng ở các trung tâm đô thị lớn vốn là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp. Không phải cứ có nguồn lực là có thể thành công. Sự quyết đoán điều chỉnh chính sách kịp thời, hợp lòng dân của lãnh đạo TP Hải Phòng trong nhiều dự án giao thông, đô thị trọng điểm đã và đang tạo được sự đồng thuận của người dân. Khi người dân đồng thuận thì việc khó đến mấy chắc chắn cũng sẽ hoàn thành. Kinh nghiệm ở TP Hải Phòng cho thấy, muốn nhận được sự đồng thuận của người dân, không có cách nào khác là phải thấu hiểu, chia sẻ và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, tất cả vì sự phát triển chung của thành phố. Đây sẽ là bài học kinh nghiệm quý để Hải Phòng tiếp tục tập trung xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị ngày càng khang trang, hiện đại, văn minh và đồng bộ mang đậm bản sắc riêng của thành phố Cảng anh hùng (Theo VOV.VN).
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, phát biểu ý kiến tại nghị trường
Phóng viên: Đại biểu có đánh giá như thế nào về tình hình phát triển giao thông đô thị của Tp. Hải Phòng trong những năm gần đây?
Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: Những năm gần đây, kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố đã có bước phát triển vượt bậc. Sau khi đường ô tô cao tốc Hà nội – Hải Phòng đi vào vận hành, thành phố tiếp tục khánh thành, đưa vào sử dụng cầu vượt biển Tân Vũ – Lạch Huyện, cảng hàng không quốc tế Cát Bi, đường trục World Bank, Quốc lộ 10 mở rộng, khởi công xây dựng đường cao tốc ven biển…
Giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn lực đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố đạt gần 44.000 tỷ đồng, gấp 1,82 lần giai đoạn 2011-2015, trong đó vốn ngân sách thành phố là gần 25.000 tỷ đồng, gấp 3 lần giai đoạn 2011-2015. Một trong những điểm nổi bật nhất, là trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã hoàn thành hàng chục tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, 46 cây cầu, trong đó có nhiều cây cầu lớn với tổng chiều dài 23 km. Một số cây cầu quan trọng kết nối giao thông trong thành phố cũng như với các tỉnh lân cận cũng đang được chuẩn bị đầu tư. Hơn 100 tuyến đường đô thị đã được nâng cấp, trải thảm nhựa asphalt mới. Các công trình đều đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, mỹ thuật, hiện đại, góp phần làm thay đổi căn bản hạ tầng giao thông của thành phố.
Phóng viên: Thưa đại biểu, thực tế hôm nay chính là kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng, nhất trí cao của cả hệ thống chính trị Thành phố Hải Phòng. Đại biểu có đánh giá gì về sự vào cuộc rốt ráo của Đảng bộ, chính quyền Tp. Hải Phòng trong việc phát triển Hải Phòng nói chung, hạ tầng dự án giao thông đô thị nói riêng?
Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng: Có thể nói, thời gian vừa qua, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy có những đổi mới mạnh mẽ, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; coi trọng sơ kết, tổng kết thực tiễn; hướng về cơ sở, tăng cường đối thoại, lắng nghe và tiếp thu ý kiến, giải quyết nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp Nhân dân, được nhân dân tin yêu làm theo. Tinh thần chủ động, sáng tạo, sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành được phát huy. Từng đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND thành phố đã thường xuyên đi cơ sở, kiểm tra, đôn đốc công việc. Trách nhiệm trước Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đối với công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tiến độ, chất lượng các công trình, dự án và giải quyết những kiến nghị của người dân các khu vực dự án trên từng địa bàn quận, huyện được giao cho các đồng chí Bí thư, Chủ tịch quận, huyện với vai trò người đứng đầu các địa phương, đã giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành liên tục, chủ động và kịp thời hơn từ thành phố tới cơ sở trong quá trình triển khai các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển thành phố nói chung, hạ tầng giao thông đô thị nói riêng.
Phóng viên: Với vai trò là cầu nối giữa cử tri với các cơ quan chức năng của Thành phố, ĐBQH thành phố Hải Phòng đã có những hoạt động cụ thể như thế nào để tạo sự đồng lòng, ủng hộ của cử tri, người dân trong hoạt động thực hiện triển khai các dự án trọng điểm của Thành phố?
Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng: Tại các kỳ tiếp xúc cử tri, các vị Đại biểu Quốc hội Hải phòng trong các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, thành phố, đều dành một thời lượng thích hợp để phổ biến, tuyên truyền tới cử tri về những chủ trương, quyết sách của thành phố trong việc triển khai các dự án trọng điểm; lắng nghe, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của người dân, giải thích chính sách, ghi nhận và chuyển tải các đề xuất, kiến nghị của người dân tới các cơ quan chính quyền của thành phố.
Các vị Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội đã thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất. Kịp thời tiếp nhận, xử lý, chuyển đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là lĩnh vực đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với các dự án trọng điểm của thành phố đến các cơ quan chức năng xem xét giải quyết; đôn đốc, giám sát việc giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của người dân và trả lời công dân. Điều này cũng tạo thêm lòng tin cho nhân dân trong việc ủng hộ, đồng lòng với những chủ trương, chính sách lớn của thành phố.
Phóng viên: “Hoạt động giám sát” là một trong những nhiệm vụ chính của đại biểu Quốc hội, của Đoàn Đại biểu Quốc hội. Đại biểu có đánh giá như thế nào về hoạt động giám sát tại Thành phố Hải Phòng?
Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã triển khai 22 đợt giám sát, khảo sát chuyên đề tình hình thực hiện chính sách pháp luật ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là những lĩnh vực quan trọng, có ảnh hưởng đến nhiều đối tượng xã hội và được cử tri quan tâm, với 74 cuộc làm việc trực tiếp với các Sở, ngành, quận huyện, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp; giám sát qua báo cáo đối với 32 báo cáo của các tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Qua mỗi đợt giám sát, Đoàn đều tổng hợp, đánh giá khách quan, sát tình hình thực tế; có những kiến nghị cụ thể với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành trung ương và Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố về những khó khăn, vướng mắc, tồn tại bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật từ thực tiễn của Hải Phòng, để các cơ quan chức năng từ trung ương đến thành phố có những giải pháp để hoàn thiện luật pháp cũng như các chủ trương, chính sách giúp cho thành phố ngày càng phát triển, cuộc sống của nhân dân dân ngày càng được nâng cao về chất lượng.
Nhìn chung, các vị Đại biểu Quốc hội Hải Phòng đều có ý thức trách nhiệm cao trong việc thực hiện chức năng “giám sát” của mình, đáp ứng sự tin cậy, gửi gắm của cử tri và nhân dân thành phố.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!