Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cơ bản tán thành với các quy định trong dự thảo Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, gọi tắt là Luật Phòng, chống HIV. Đại biểu đánh giá, dự thảo luật kỳ này tạo một hành lang pháp lý để mỗi đối tượng được tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV cũng như các biện pháp dự phòng phơi nhiễm. Theo đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm đảm bảo thể chế hóa đầy đủ và kịp thời các chủ trương về công tác phòng, chống HIV trong giai đoạn mới. Vì vậy, đại biểu thống nhất việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV là rất cần thiết. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khả thi khi luật ban hành, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề nghị điều chỉnh các nội dung sau đây:
Đối với Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV về quy định mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cho rằng quy định này là cần thiết để công tác quản lý nhà nước về phòng, chống HIV đạt hiệu quả, nhưng cũng cần phải đảm bảo quyền bảo mật thông tin cá nhân của người nhiễm HIV nói riêng và đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân theo quy định của Hiến pháp nói chung. Đồng thời, cũng cần đảm bảo phù hợp với khuyến nghị và cam kết với cộng đồng quốc tế giữa quyền riêng tư của công dân mà Việt Nam đã tham gia. Vì vậy, đại biểu đề nghị nên cân nhắc thêm nội dung này để có quy định phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.
Tại khoản 3 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 11 về đối tượng được tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề nghị bên cạnh quy định đối tượng là phạm nhân, người bị giam giữ, tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng, đề nghị bổ sung quy định đối tượng là học viên cơ sở cai nghiện bắt buộc nhằm đảm bảo bao quát và phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 1 của dự thảo.
Tại khoản 5 sửa đổi, bổ sung Điều 18 phòng, chống HIV trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy và cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, bên cạnh quy định phòng, chống HIV trong những cơ sở này, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung quy định nhà tạm giữ. Tương tự tại khoản 1 Điều 18 bổ sung nội dung quy định nhà tạm giữ nhằm đảm bảo bao quát và phù hợp với quy định tại Điều 13 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, vì suy cho cùng nhà tạm giữ cũng là cơ sở giam giữ thực hiện việc tạm giữ, tạm giam đối với người bị tạm giữ, tạm giam giống như trại tạm giam nên thực hiện việc phòng, chống HIV là rất cần thiết. Tại khoản 10 sửa đổi, bổ sung Điều 30 thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV. Điểm b khoản 1 Điều 30, đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng người có quan hệ tình dục với người được xét nghiệm HIV dương tính, nhằm đảm bảo thống nhất với quy định tại khoản 2 của dự thảo về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV. Điểm e khoản 1 Điều 30 quy định thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV cho người đứng đầu người phụ trách y tế, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở bảo trợ xã hội, trại tạm giam và trại giam. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề nghị thay cụm từ “cơ sở cai nghiện bắt buộc” thành cụm từ “cơ sở cai nghiện” vì không loại trừ trường hợp cơ sở cai nghiện tư nhân cũng có học viên cai nghiện HIV, đồng thời bổ sung nội dung nhà tạm giữ có biện pháp phòng, chống HIV hiệu quả.
Tại khoản 13 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 39 tiếp cận thuốc kháng HIV, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề nghị bổ sung đối tượng nhiễm HIV trong nhà tạm giữ cũng được nhà nước bảo đảm cấp miễn phí thuốc HIV, vì người nhiễm HIV trong nhà tạm giữ, tạm giam, trại tạm giam đều có nhu cầu tiếp cận dịch vụ điều trị thuốc kháng HIV như nhau.
Tại khoản 14 sửa đổi, bổ sung Điều 43, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cho rằng, dự thảo quy định còn chung nên dễ dẫn đến tình trạng không đủ kinh phí thực hiện. Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định tăng ngân sách đầu tư của Nhà nước một cách cụ thể và nguồn này đóng vai trò chủ yếu. Bên cạnh đó, quy định nâng cao tiềm năng huy động của các nguồn lực khác, nâng cao trách nhiệm của các địa phương, tăng cường sự tham gia, đóng góp của xã hội, cộng đồng và cá nhân trong phòng, chống HIV. Như vậy mới có thể đảm bảo có đủ nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống HIV khi luật ban hành vì trong thực tiễn hiện nay vấn đề này không đáp ứng được yêu cầu.
Về vấn đề Quỹ hỗ trợ điều trị chăm sóc người bị nhiễm HIV, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề xuất cần phân tích nguyên nhân những hạn chế trong hoạt động quỹ trong thời gian qua, khắc phục, xử lý để tiếp tục duy trì quỹ. Đại biểu phân tích, người nhiễm HIV ngoài quy định chế độ, chính sách của Nhà nước hỗ trợ điều trị thì có nhu cầu việc làm, thu nhập để ổn định đời sống. “Ngoài nguồn vốn từ một số ngân hàng cho vay thì quỹ cũng là một trong những nguồn lực quan trọng để có thể hỗ trợ cho hoạt động này của họ”, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân nói.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề nghị thay thuật ngữ “người nhiễm HIV” thành thuật ngữ “người sống chung với HIV” nhằm giảm bớt sự mặc cảm đối với đối tượng nhiễm HIV cũng như giảm bớt sự kỳ thị của xã hội đối với đối tượng này. Cuối cùng, đại biểu cũng thống nhất với các ý kiến đề nghị thời điểm thông qua dự án luật này là tại một kỳ họp.