Phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), đại biểu Phan Thái Bình chỉ rõ, Khoản 2 của Điều 27 quy định người tự nguyện xét nghiệm HIV phải từ đủ 15 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự, còn người dưới 15 tuổi thì cần phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ. Tuy nhiên theo đại biểu, nên giữ như luật hiện hành là 16 tuổi, bởi Luật Trẻ em đã quy định người từ dưới 16 tuổi là trẻ em và hàng loạt các luật khác quy định trẻ em phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Trong lĩnh vực hình sự thì trẻ em phải có luật sư hoặc người trợ giúp pháp lý, v.v..
Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.
Đại biểu Phan Thái Bình lý giải thêm, không phải tự nhiên Luật Trẻ em quy định độ tuổi này, vì có vấn đề về tâm lý, sinh lý và độ trưởng thành. Nếu cho rằng quy định đủ 15 tuổi để mở rộng đối tượng xét nghiệm thì cũng không phải, vì tất cả các đối tượng xét nghiệm còn lại dưới 15 tuổi nếu có sự đồng thuận của bố, mẹ và người giám hộ thì vẫn xét nghiệm bình thường và trong thực tiễn thời gian vừa qua không vướng gì. Mặt khác, nếu cho rằng do trẻ em hiện nay trưởng thành sớm, quan hệ tình dục sớm nên phải hạ độ tuổi xuống 15 là không hợp lý, bởi thực tế có nhiều trường hợp quan hệ sớm hơn. Do đó, quy định như luật hiện hành là hợp lý, phù hợp và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Liên quan đến một số kỹ thuật lập pháp, đại biểu Phan Thái Bình chỉ rõ: thứ nhất, tại điểm (b) khoản 1 Điều 30 quy định: vợ, chồng và người chuẩn bị kết hôn của người được xét nghiệm. Đại biểu đề nghị thay chữ “và” bằng dấu ",", bởi lẽ vợ, chồng và những người chuẩn bị kết hôn là 3 đối tượng hoàn toàn độc lập. Đồng thời, đại biểu Phan Thái Bình cho rằng cần làm rõ như thế nào là người chuẩn bị kết hôn, vì người chuẩn bị kết hôn thì rất nhiều, có người chuẩn bị 2-3 năm chưa kết hôn, có người chưa chuẩn bị gì nhưng cần phải kết hôn ngay, có người đăng ký kết hôn nhưng lại không tổ chức kết hôn… Do vậy, điểm này cần làm rõ nếu không khi áp dụng vào thực tiễn quan điểm sẽ khác nhau.
Tại điểm (a) khoản 3 Điều 30 quy định: "những người được quy định tại điểm (a) khoản 2 điều này được tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV, có địa chỉ thường trú, tạm trú trên địa bàn hoặc được xét nghiệm tại địa bàn được cơ quan, người có thẩm quyền phân công thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống HIV/AIDS". Nhưng điểm (a) khoản 2 điều này lại quy định: "những người được quy định tại điểm (d) khoản 1 điều này". Như vậy, khi áp dụng chỗ này phải vận dụng 2 điểm, do vậy, đại biểu đề xuất Ban soạn thảo ghi rõ luôn tại điểm (a) khoản 3 Điều 30 là: "những người được quy định tại điểm (d) khoản 1 điều này" để đảm bảo tính logic cho văn bản.