Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Bùi Thu Hằng cho biết, hiện nay, hệ thống văn bản pháp quy về phòng, chống HIV/AIDS khá hoàn chỉnh, gồm gần 200 văn bản pháp quy và các hướng dẫn chuyên môn đã được ban hành, cập nhật kịp thời. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có sự thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất giữa hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS với các hệ thống pháp luật như Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng, chống căn bệnh truyền nhiễm. Mặt khác, một số quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn. Do vậy, đại biểu Bùi Thu Hằng nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi Luật Phòng, chống HIV/AIDS là rất cần thiết để khắc phục những bất cập và phù hợp với những tiến bộ khoa học mới và thể chế hóa mục tiêu cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030 theo Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Bên cạnh đó để hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Bùi Thu Hằng góp ý thêm vào 3 nội dung như sau:
Thứ nhất, bổ sung những người tiếp cận thông tin về tình trạng nhiễm HIV theo quy định của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006. Đại biểu Bùi Thu Hằng nêu rõ, theo quy định của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006, chỉ những người trực tiếp chăm sóc cho người nhiễm HIV được thông báo kết quả xét nghiệm HIV và chưa có quy định cụ thể ai được quyền tiếp cận thông tin đối với người nhiễm HIV. Điều này làm phát sinh một số những khó khăn, bất cập như nhiều người biết mình nhiễm HIV nhưng vẫn làm lây nhiễm HIV cho người khác do không tiếp cận được thông tin người nhiễm. Dự thảo Luật đã bổ sung Điều 30, những người được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để giúp cho việc phòng ngừa lây nhiễm đạt hiệu quả. Dự thảo luật cũng đã bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV là những người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội khi trực tiếp thực hiện việc giám định, thanh toán, quản lý, thông tin khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV. Để đảm bảo lợi ích cho người nhiễm HIV trong việc điều trị, thanh toán, chi phí khám, chữa bệnh cho họ cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc điều trị, đây là nội dung rất cần thiết. Trước đây, nguồn thuốc kháng virus điều trị cho bệnh nhân HIV chủ yếu là từ các nguồn viện trợ và ngân sách nhà nước. Hiện nay do nguồn viện trợ cắt giảm, việc điều trị HIV/AIDS đang chuyển sang sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế, vì vậy việc bổ sung những người được tiếp cận thông tin sẽ giúp người bệnh được điều trị HIV/AIDS từ Quỹ bảo hiểm y tế thuận lợi hơn, đồng thời phù hợp với các quy định hiện hành của Luật Bảo hiểm y tế và Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Đại biểu Bùi Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.
Đại biểu Bùi Thu Hằng phân tích thêm, theo quy định hiện hành, người làm xét nghiệm HIV có quyền không cung cấp thông tin cá nhân của mình. Vì vậy, trong số hơn 200.000 người hiện đã có kết quả xét nghiệm nhiễm HIV thì có hơn 20%, tương đương khoảng 40.000 đến 50.000 người không có địa chỉ, thông tin liên hệ. Việc cung cấp thông tin cá nhân sẽ giúp cho cán bộ y tế tiếp cận được với người nhiễm HIV, từ đó tư vấn kịp thời, hướng dẫn cách dự phòng và đặc biệt đưa vào điều trị sớm để cải thiện sức khỏe cho bản thân người nhiễm, đồng thời tránh lây nhiễm HIV cho người khác. Mặt khác, điều trị ARV sớm cho người HIV sẽ là một trong những biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả nhất. Người nhiễm HIV nếu được điều trị sớm, tuân thủ điều trị tốt thì chỉ sau 1 đến 3 tháng là tải lượng virus HIV trong máu giảm xuống dưới ngưỡng phát hiện, tức là không còn khả năng lây nhiễm HIV cho những người khác qua đường tình dục. Đại biểu Bùi Thị Hằng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, nếu người bệnh dùng thẻ bảo hiểm y tế thì ngay tại thời điểm này, khi quẹt thẻ qua thiết bị đọc cũng có thể tra cứu được thông tin về họ tên, ngày, tháng, năm sinh và nơi cư trú, có nhất thiết phải dùng thêm chứng minh thư, căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân nữa hay không, hay chỉ cần giấy tờ tùy thân có ảnh, như sử dụng hộ chiếu còn hạn sử dụng, giấy chứng minh công an, quân đội hoặc bằng lái xe.
Về xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, đại biểu Bùi Thu Hằng cho biết, luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 quy định xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai được miễn phí. Theo báo cáo tổng kết thi hành luật và báo cáo đánh giá tác động chính sách có nhận định kinh phí nhà nước để cung cấp xét nghiệm miễn phí là không khả thi. Tuy nhiên, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đây là mục tiêu rất cao cả và nhân văn. Theo đại biểu Bùi Thu Hằng, muốn thực hiện mục tiêu này việc đầu tiên phải làm đó là mở rộng tối đa xét nghiệm HIV, do vậy việc đưa bảo hiểm y tế tham gia chi trả xét nghiệm cho phụ nữ mang thai là rất cần thiết và phù hợp, vì hiện nay có khoảng 90% dân số đã tham gia bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, đại biểu Bùi Thu Hằng băn khoăn tại Điều 35 dự thảo luật quy định Quỹ bảo hiểm y tế chỉ chi trả đối với người có thẻ Bảo hiểm y tế xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn, còn các đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế được xét nghiệm tự nguyện miễn phí. Đại biểu Bùi Thu Hằng cho rằng Ban soạn thảo cần nghiên cứu tính hợp lý, tính công bằng và thực tiễn của quy định này, vì người có thẻ bảo hiểm y tế phải đồng chi trả và chỉ được xét nghiệm theo yêu cầu chuyên môn, trong khi không có thẻ bảo hiểm y tế được xét nghiệm miễn phí.
"Hồ sơ luật Ban soạn thảo đã chuẩn bị đầy đủ, công phu và rõ ràng. Tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Đề nghị Quốc hội thông qua luật tại kỳ họp này", đại biểu Bùi Thu Hằng nêu ý kiến.