Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng Báo cáo của Chính phủ nhận định vẫn còn những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ. Mặc dù số vụ vi phạm về lâm nghiệp trong giai đoạn 2016-2020 giảm khoảng 47% so với giai đoạn 2011-2015, nhưng con số tuyệt đối thì vẫn còn cao, bình quân 14.677 vụ/ năm, tương đương 40 vụ một ngày. Số vụ chống người thi hành công vụ cũng không hề thuyên giảm, bình quân mỗi tháng có 2 vụ chống người thi hành công vụ. Lâm tặc ngày càng manh động, công khai sử dụng các loại hung khí nguy hiểm, trong khi lực lượng kiểm lâm thì mỏng, chưa được trang bị công cụ hỗ trợ, phải thường xuyên làm việc trong điều kiện cơ sở hạ tầng yếu kém, khả năng tự vệ thấp và nguy hiểm luôn rình rập.
Tính đến ngày 31/12/2010, trong 54 tỉnh có rừng đặc dụng, đã có tới 53 tỉnh đề xuất gần 3.500 dự án phát triển kinh tế, có chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, trong đó có tới 37 tỉnh có đề xuất chuyển đổi rừng tự nhiên; diện tích rừng tự nhiên chiếm gần 19% tổng diện tích rừng đề xuất chuyển đổi.
Từ ngày 01/01/2019 đến nay, số dự án đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng giảm gần 96%, nhưng tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên đề xuất chuyển đổi lại tăng chiếm đến 90% diện tích rừng đề xuất chuyển đổi. Mặc dù theo quy định tại Thông tư 13, diện tích trồng rừng thay thế gấp 3 lần diện tích rừng bị chuyển đổi nhưng phần lớn rừng trồng là các loại cây khai thác gỗ không có khả năng trữ nước, khả năng cản nước, giữ nước, ngăn lũ rất hạn chế, nhất là việc thay đổi vị trí phòng hộ đầu nguồn của rừng tự nhiên.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy nhấn mạnh, bảo vệ rừng là bảo tồn đa dạng sinh học, mà đa dạng sinh học là tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học cũng chính là bảo vệ môi trường và là mục tiêu của phát triển bền vững. Cả nước hiện có 172 khu bảo tồn, với gần 2,5 triệu hecta, gồm 33 vườn quốc gia, 65 khu dự trữ sinh quyển, khu dự trữ thiên nhiên, 18 khu bảo tồn loài sinh cảnh và 56 khu bảo vệ cảnh quan. Phần lớn các khu bảo tồn chỉ được điều tra, đánh giá ở giai đoạn đầu trước khi được công nhận, rất ít khu bảo tồn được điều tra, kiểm kê, bổ sung. Thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia là cơ sở quan trọng để xác định bồi hoàn đa dạng sinh học đang được quy định trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Mặc dù, Chính phủ và các bộ chuyên ngành đã ban hành hàng loạt các chỉ thị để tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học, nhưng tình trạng mua bán, vận chuyển, tiêu thụ, sử dụng trái phép động vật hoang dã vẫn không hề thuyên giảm, các tụ điểm chợ mua bán công khai động vật hoang dã vẫn ngang nhiên tồn tại. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn thì hình ảnh của các thảm san hô rực rỡ ở Cù Lao Chàm, Quảng Nam hay là hải sâm phân bố dày đặc và những đàn cá heo tung tăng ở vùng biển Hoàng Châu, Côn Đảo chỉ còn là quá khứ.
Từ thực tế này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề xuất Chính phủ 7 giải pháp giải quyết tình trạng này.
Một, cần quản lý nghiêm ngặt hơn về quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là sửa đổi, bổ sung Luật Đa dạng sinh học đã phát sinh nhiều bất cập sau hơn 10 năm triển khai thực hiện.
Hai, cân nhắc kỹ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cho các dự án phát triển kinh tế. Trong trường hợp thật cần thiết phải chuyển đổi, thì ưu tiên cho các dự án phục vụ thủy lợi, điều tiết nước, trữ nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho nhân dân, rừng thường xuyên khô hạn và cần đánh giá kỹ tác động việc trồng rừng thay thế. Kiên quyết không phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên đối với các dự án không tìm được vị trí trồng rừng thay thế phù hợp.
Ba, có giải pháp căn cơ và lộ trình giải quyết dứt điểm tình trạng di cư tự phát đang tồn tại nhiều năm qua ở một số địa phương, nhằm làm giảm áp lực cho rừng, giảm tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng. Xác định lâm phận ổn định và đẩy nhanh tiến độ giao đất gắn với trồng rừng.
Bốn, cần có chế độ đãi ngộ, thu hút lực lượng bảo vệ rừng, lực lượng bảo tồn đa dạng sinh học trên đất liền, biển, đảo. Đây là lực lượng phải thường xuyên làm việc trong điều kiện môi trường khó khăn, thiếu thốn đối mặt với hiểm nguy từ thiên tai và nhân tai, để vừa bảo vệ tài nguyên, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.
Năm, quan tâm đầu tư ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong cảnh báo, phòng ngừa thiên tai, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Sáu, ưu tiên xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng và đa dạng sinh học.
Bảy, thực hiện nghiêm Chỉ thị 13 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và Chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã./.