Đại biểu Nguyễn Việt Thắng cho biết, ngành thủy sản thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản bền vững cho đến năm 2020 theo Quyết định số 1690 của Thủ tướng Chính phủ và Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 theo Quyết định số 1445 Thủ tướng Chính phủ.
Để phát triển đồng bộ, đưa ngành thủy sản ngày càng phát triển bền vững, đặc biệt là nghề cá nhân dân tiến đến nghề cá nhân dân dần hiện đại, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014. Đến nay, ngành thủy sản đạt được thành tích khá khích lệ và tự hào, về sản lượng thủy sản đạt được 8,3 triệu tấn năm 2019, giá trị sản xuất năm 2019 đạt được 242.000 tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu đạt 83 tỷ USD.
Đạt được những thành tích trên là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng đồng thời cũng nhận thấy rằng nhân dân chúng ta đã nỗ lực rất nhiều vì sự đầu tư từ Chính phủ còn rất khiêm tốn, nhất là cơ sở hạ tầng cho nghề khai thác thủy sản. Trong thời gian qua, theo các báo cáo cụ thể của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre về cơ sở hạ tầng nghề cá và báo cáo của Tổng cục Thủy sản thì hạ tầng cơ sở còn nhiều yếu kém, về cảng cá thì vệ sinh an toàn thực phẩm thiếu, tổn thất sau thu hoạch rất lớn từ 20 đến 40%, thiếu chỗ đậu tàu, thiếu chỗ bốc dỡ và khó khăn trong truy xuất nguồn gốc, khó khăn trong việc khắc phục cảnh báo thẻ vàng của EC và thông tin ngư trường, thông tin giá cả cũng thiếu, khu neo đậu, tránh, trú bão bị bồi lắng. Đặc biệt, nguồn nhân lực thiếu, yếu từ thủy thủ cho đến những cán bộ có trình độ cao, nhất là kỹ sư khai thác thủy sản. Tổng đầu tư cho ngành thủy sản từ 2016-2020 chỉ đạt được 25%, tức là 14.470 tỷ đồng của nhu cầu đề ra trong chiến lược phát triển là 57.000 tỷ đồng. Nguồn trái phiếu cũng không có, vốn hỗ trợ phát triển từ nước ngoài cũng thiếu, ODA, FDI cũng thiếu, trong khi đó mục tiêu đặt ra cho ngành thủy sản thì rất lớn, từ năm 2021-2025. Riêng tôm xuất khẩu phải đạt được 10 tỷ USD theo Quyết định 79 của Thủ tướng Chính phủ năm 2018. Chương trình này là chương trình hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025.
Đại biểu Nguyễn Việt Thắng ề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư mạnh hơn nữa cho ngành thủy sản.
Từ thực tế này, đại biểu Nguyễn Việt Thắng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm đầu tư mạnh hơn nữa cho ngành thủy sản trên tinh thần của Nghị quyết 36 của Trung ương Đảng, Nghị quyết 26 của Chính phủ về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam cho đến 2030, đầu tư cho ngành theo đúng các quyết định của Chính phủ về kinh phí cho chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam. Đặc biệt cũng lưu ý cho các tỉnh có ven biển còn thiếu kinh phí, đặc biệt là phụ thuộc vào kinh phí trung ương. Ngoài ra, ưu tiên bố trí vốn trái phiếu trong giai đoạn 2021-2025 và tăng cường thu hút đầu tư từ nước ngoài cho các hạ tầng thủy sản từ nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản và khai thác thủy sản.
Giải pháp thứ hai là quan tâm đến công tác tổ chức, sắp xếp trong hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho thủy sản, từ dạy nghề cho đến trình độ cao. Đó là kỹ sư khai thác thủy sản, nhất là kỹ thuật khai thác thủy sản; điều chỉnh, sắp xếp lại trong ngành để có được một đại học chuyên ngành thủy sản.
Thứ ba, theo đại biểu Nguyễn Việt Thắng, khai thác thủy sản trên Biển Đông, vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam thường xảy ra rất nhiều sự cố rủi ro, trong đó có việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có một lực lượng chấp pháp mạnh trên Biển Đông, đủ mạnh, đủ phòng ngừa, răn đe để bảo vệ vùng biển Việt Nam, bảo vệ nguồn lợi Việt Nam và bảo vệ ngư dân Việt Nam.
Giải pháp thứ tư, vấn đề một số tàu cá đóng theo Nghị định số 67 của Chính phủ và có tình trạng không trả được nợ kéo dài. Đại biểu đề nghị cần có một cơ chế, một phương án đặc biệt để giảm thiệt hại chung cho cả ngư dân và ngân hàng./.