Đại biểu Triệu Thanh Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng phát biểu từ điểm cầu trực tuyến
Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Triệu Thanh Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đánh giá cao tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến chỉnh sửa dự thảo Luật Cư trú của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với dự thảo lần này, đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo và đưa ra quan điểm cá nhân đối với những nội dung còn ý kiến khác nhau như sau.
Thứ nhất, về điều kiện đăng ký thường trú đối với người có chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn, ở nhờ, khoản 3 Điều 20 của dự thảo luật, đại biểu nhất trí về phương án 1, cần quy định một trong các điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là phải đảm bảo diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định, nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người. Đại biểu nêu rõ, luật cần có quy định để đảm bảo việc đáp ứng cơ sở hạ tầng, các dịch vụ thiết yếu cho người dân sinh sống trên một địa bàn nhất định vì mỗi tỉnh, thành và mức gia tăng dân số cơ học là khác nhau, điều kiện cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu dân cư không giống nhau. Do đó, nên để Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định diện tích nhà ở tối thiểu phù hợp với địa phương mình. Luật chỉ nên quy định hạn mức tối thiểu áp dụng chung cho cả nước là 8m2/người trở lên. Việc quy định điều kiện đăng ký thường trú có thời gian tạm trú từ 1 năm trở lên tại địa bàn, theo đại biểu, là không hợp lý bởi việc xác định thường trú hay tạm trú của mỗi công dân còn phụ thuộc vào mục đích sinh sống tại nơi đó của mỗi người. Ví dụ, thường xác định thường trú là để lập nghiệp, còn học tập chỉ là tạm trú, dù thời gian học có thể kéo dài nhiều năm.
Thứ hai, về quy định thời hạn tạm trú, khoản 2 Điều 27, đại biểu nhất trí với phương án 1, tiếp tục quy định về thời hạn đăng ký tạm trú như luật hiện hành, tối đa là 2 năm, với những lý do như trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu. Tuy nhiên, luật theo đại biểu, dự thảo luật quy định về hồ sơ, thủ tục gia hạn tạm trú giống như hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú cùng quy định tại Điều 28 dự thảo là chưa hợp lý. Vì gia hạn tạm trú không thay đổi về địa điểm tạm trú đã đăng ký trước đó mà chỉ kéo dài thêm thời gian tạm trú. Do đó, đại biểu cho rằng việc quy định thủ tục gia hạn tạm trú giống như thủ tục đăng ký tạm trú là không cần thiết. Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần xem xét, nghiên cứu, quy định hình thức, thủ tục gia hạn tạm trú đơn giản hơn đăng ký tạm trú, ví dụ như chỉ cần phiếu gia hạn tạm trú hoặc đăng ký trực tiếp bằng điện thoại, phương tiện điện tử, làm sao để đảm bảo nhanh, gọn, thuận tiện hơn cho người dân khi thực hiện thủ tục này.
Thứ ba, về điều khoản thi hành, Điều 38, đại biểu đánh giá cao quyết tâm cũng như những hành động quyết liệt trong thời gian qua của Chính phủ, Bộ Công an, cùng các cơ quan có liên quan trong việc phấn đấu hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú cũng như các điều kiện cần thiết để thực hiện các quy định khi luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2021. Đại biểu đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31/12/2022, để chứng minh thông tin về nơi cư trú thay thế cho giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của luật này khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự có yêu cầu thông tin về nơi cư trú. Vì như vậy khi thực hiện quy định mới của Luật Cư trú sẽ đảm bảo chắc chắn mọi hoạt động cần xác nhận về nơi cư trú diễn ra thông suốt, cũng tạo điều kiện cho người dân được lựa chọn và làm quen dần với cách thức quản lý cư trú mới. Do đó, đại biểu chọn phương án có quy định chuyển tiếp tại điều khoản thi hành luật./.