Góp ý về các nội dung cụ thể của Dự thảo luật, tại khoản 4 Điều 5 quy định: "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện quản lý nhà nước về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, nhân danh cơ quan đó, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới". Với quy định này, đại biểu Điều Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo cũng phải cân nhắc quy định mà bên ký kết Việt Nam đối với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới. Vì đa số cán bộ phụ trách công tác pháp chế tại các cơ quan này đều là kiêm nhiệm, nên quy định này là không phù hợp và khó khả thi. Hơn nữa, các quy định tại Điều 24 và Điều 31 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 lại không quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới trong việc ký kết các thỏa thuận quốc tế. Do đó, quy định như vậy là không thống nhất với pháp luật hiện hành; đề nghị Ban soạn thảo cũng phải nghiên cứu để quy định làm sao cho phù hợp với các luật có liên quan.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước.
Vấn đề thứ hai, về ký kết thỏa thuận quốc tế, nhân danh Tổng cục thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới. Tại khoản 2 Điều 21 quy định: "Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế, nhân danh cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới". Đại biểu cho rằng, với quy định này, tôi cũng cơ bản là thống nhất. Tuy nhiên, nếu việc quy định về thẩm quyền, quyết định ký thỏa thuận quốc tế thì cũng cần phải xem xét một cách cụ thể, vì nếu mở rộng chủ thể ký thỏa thuận quốc tế đến cấp xã sẽ rất khó để thực hiện, bởi quan hệ quốc tế là một vấn đề rất lớn, vì thế mà văn bản câu chữ cũng phải thiết kế hết sức chặt chẽ, chính xác và khoa học. Trong khi đó, thực tế ở cấp xã, bộ máy giúp việc thì năng lực, kiến thức cũng như trình độ tham mưu cho lãnh đạo trong công tác đối ngoại cũng còn nhiều hạn chế. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này đối với Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc ký kết thỏa thuận quốc tế.
Vấn đề thứ ba, về ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế. Ở khoản 2 Điều 7 quy định: "Trong trường hợp thỏa thuận quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài thì bên ký kết Việt Nam có trách nhiệm dịch thỏa thuận quốc tế đó ra tiếng Việt gửi kèm hồ sơ lấy ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế và hồ sơ trình về việc ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại các Điều 28 và 29 của luật này". “Tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng phải cân nhắc xem xét, sửa đổi quy định này theo hướng là ngôn ngữ được ký kết trong các thỏa thuận quốc tế phải được thực hiện bằng song ngữ, có nghĩa là bằng tiếng Việt và bằng ngôn ngữ của bên ký kết nước ngoài. Trường hợp hai bên ký kết bằng ngôn ngữ thứ 3 thì phải có văn bản bằng tiếng Việt và văn bản bằng tiếng Việt này phải đảm bảo tính chính xác về nội dung và thống nhất về hình thức với văn bản tiếng nước ngoài của thỏa thuận quốc tế”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang nói.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8, bổ sung nội dung là có thái độ đúng mực đối với việc mà bên phía nước ngoài không thực hiện hoặc là thực hiện không đúng, không đầy đủ các thỏa thuận quốc tế mà nước ta là một bên ký kết để quy định của luật được chặt chẽ hơn. Ban soạn thảo cũng cần phải rà soát lại các quy định về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế để đảm bảo sự thống nhất và rà soát các quy định về việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan, tổ chức để đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với thẩm quyền của các chủ thể ký kết./.