Cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ về dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương, tuy nhiên theo đại biểu Trịnh Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đề nghị Chính phủ bổ sung thêm nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương cho các địa phương đủ 30%. Đại biểu phân tích, trong Báo cáo số 39 của Chính phủ ngày 15/10/2020 là về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 và định hướng 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, tại phần III về định hướng, trong đó có phần chi ngân sách nhà nước. Tại mục chi đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 thì Trung ương có dành một khoản kinh phí để bổ sung mục tiêu cho địa phương theo quy định của Nghị quyết 973 của Quốc hội. Cụ thể, tại điểm b khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết quy định cơ cấu phân bổ ngân sách trung ương như sau: dành tối đa không quá 30% để bổ sung có mục tiêu cho địa phương và được phân bổ theo ngành và lĩnh vực, không bao gồm vốn các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Theo số liệu trong Báo cáo số 59 thể hiện và nguồn Chính phủ dự kiến bổ sung có mục tiêu cho địa phương trong đó bao gồm cả dự phòng phí và vốn ODA, nếu trừ 2 phần này ra thì chúng ta còn khoảng là 25%, vì vậy cũng chưa đúng theo quy định. Mặt khác, cũng trong cách tính của Chính phủ thì việc bố trí cho các chương trình, dự án liên vùng được xác định trong phần còn lại (theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết 93), nhưng phần này lại được tính vào phần điểm của các địa phương, như vậy rất thiệt thòi cho địa phương khi phân bổ nguồn vốn. Đại biểu nhấn mạnh, đây là 2 phần tách biệt và việc này không thể nhập chung lại, nếu nhập như vậy sẽ đội lên 30%, không đúng với tinh thần của Nghị quyết 93; đề nghị Chính phủ xem xét và tính toán lại, qua đó bổ sung thêm nguồn hỗ trợ từ Trung ương cho các địa phương đủ 30%.
Đại biểu Trịnh Ngọc phương đề nghị Chính phủ bổ sung thêm nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương cho các địa phương quy định của Nghị quyết số 973 của Quốc hội.
Đại biểu Trịnh Ngọc phương cũng cho rằng, việc bổ sung nguồn hỗ trợ từ Trung ương là rất cần thiết, nhất là với những địa phương còn gặp nhiều khó khăn, cũng như vùng thiên tai, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa hay là đề án hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số mà Quốc hội vừa thông qua tại kỳ họp thứ 9. Với tinh thần đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh thay mặt cử tri và nhân dân Tây Ninh kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung cho Tây Ninh phần kinh phí đó với dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương cho biết, Bến Cầu là huyện biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, đây là một trong 5 huyện biên giới của Tây Ninh đã chịu nhiều mất mát, đau thương trong chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh biên giới Tây Nam, chống sự xâm lược của bè lũ Pôn Pốt - Iêng Xary gần đây, chiến tranh đã cướp đi tất cả. Hiện nay Bến Cầu nói riêng cũng như Tây Ninh nói chung đang từng bước hồi sinh và dự án tưới tiêu sông Vàm Cỏ Đông với mục tiêu là cấp nước chảy tưới cho Bến Cầu và vùng phụ cận với diện tích là 17.000 hecta, đồng thời cung cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi với lưu lượng là 1m3/giây. Trong đó, quy mô kênh chuyển nước dài khoảng 16,7 km, lưu lượng thiết kế đầu kênh là 14,8m3/giây, với đoạn vượt sông Vàm Cỏ Đông là hơn 2km và các công trình phụ trợ khác. Theo đó, tổng mức đầu tư là khoảng trên 1.147 tỷ đồng, với cơ cấu như sau: vốn trái phiếu Chính phủ là 650 tỷ đồng, còn lại là vốn địa phương. Qua 3 năm đã cấp được 625 tỷ đồng vào các năm 2018, 2019 và 2020. Ngày 13/11/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 8472 bổ sung cho dự án 400 tỷ từ nguồn dự phòng chung ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 với năm 2020 là 40 tỷ.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương cho biết cử tri Tây Ninh nói chung và dân Bến Cầu nói riêng rất cảm ơn Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong thời gian qua đã ủng hộ và giúp đỡ rất nhiều, từng bước xóa dần vết thương chiến tranh nơi vùng đất biên giới này với dự án tưới tiêu vượt sông Vàm Cỏ Đông là ước nguyện của người dân huyện Bến Cầu trong quá trình phát triển và đi lên. Tuy nhiên, với nguồn lực hiện nay, Tây Ninh không đủ kinh phí để cân đối, bổ sung cho dự án, rất mong được Chính phủ xem xét bố trí cân cân đối bổ sung đủ cho dự án là 360 tỷ để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đề ra và đúng như Nghị quyết 84 về ưu tiên các dự án chuyển tiếp từ nguồn dự phòng chung của ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020, đồng thời việc hoàn thành dự án cũng là động lực cho người dân vùng biên giới nói riêng, người dân Tây Ninh nói chung vững niềm tin để xứng đáng là phên rậu biên cương của Trung Quốc./.