Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tóm tắt dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng, đại biểu Đào Tú Hoa đánh giá rất cao Tiểu ban Văn kiện đã rất nghiêm túc, công phu nghiên cứu, chuẩn bị dự thảo báo cáo. Tóm tắt dự thảo báo cáo đã đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, nguyên nhân đạt được những thành tựu, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, rút ra những kinh nghiệm quý báu, qua đó xác định tầm nhìn và định hướng phát triển với những quan điểm chỉ đạo rõ ràng, những mục tiêu phát triển, chỉ tiêu cụ thể, những nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược.
Đại biểu Đào Tú Hoa - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội
Đại biểu bày tỏ nhất trí với các quan điểm chỉ đạo tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trong giai đoạn tới đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải quán triệt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, song đại biểu cũng cho rằng cần làm rõ hơn quan điểm về bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Nhấn mạnh quan hệ mật thiết giữa phát triển kinh tế - xã hội bảo vệ môi trường đối với phát triển bền vững đất nước, đại biểu Đào Tú Hoa cho rằng, tiêu chí để đánh giá sẽ phát triển bền vững là sự tăng trưởng kinh tế ổn định, thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao được chất lượng môi trường sống. Như vậy, bảo vệ môi trường là 1 trong 3 yếu tố cấu thành và phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra đối với mọi quốc gia là phải đảm bảo hài hòa việc phát triển bền vững cả 3 yếu tố này. Đây là một bài toán khó, không chỉ đối với các nước kém phát triển, mà cả đối với các nước phát triển và đang phát triển.
Đại biểu cho biết, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo, là 1 trong 3 trụ cột phát triển bền vững, đã tạo được sự chuyển biến và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, xảy ra nhiều sự cố, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của Nhân dân, gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng nhanh, càng phức tạp. Điều này được thể hiện qua các hiện tượng thiên tai bất thường, thời tiết cực đoan, hạn hán khắc nghiệt và đã gây ra ảnh hưởng nặng nề đối với Việt Nam. Trong tương lai, biến đổi khí hậu cũng sẽ khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra phức tạp hơn trên nhiều lĩnh vực, như ô nhiễm lưu vực sông, ô nhiễm biển, ô nhiễm không khí, v.v.. Ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường, biến đổi khí hậu diễn ra ở Việt Nam chủ yếu do hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã và đang được thúc đẩy với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao. Trong một chừng mực nào đó, có nhiều nơi, nhiều lúc việc bảo vệ môi trường đã bị xem nhẹ. Những nguyên tắc để đảm bảo phát triển bền vững đã không được tuân thủ một cách nghiêm ngặt.
Do đó, đại biểu Đào Tú Hoa cho rằng cần bổ sung nội dung bảo vệ môi trường cùng với phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm trong quan điểm chỉ đạo này. Vì vậy, cần thể hiện quan điểm như sau: bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng cùng có lợi, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Về các đột phá Chiến lược, đại biểu Đào Tú Hoa bày tỏ nhất trí với các đột phá chiến lược cụ thể trong nhiệm kỳ XIII. Đây cũng là 3 đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng xác định, có ý nghĩa giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị và được cụ thể hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với việc xác định những nội dung ưu tiên trong từng đột phá chiến lược. Đặc biệt đột phá chiến lược thứ hai đã xác định rõ phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực then chốt. Tập trung nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.