Tham gia ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật này, đại biểu Thạch Phước Bình cơ bản thống nhất với hầu hết các nội dung của dự thảo luật. Bên cạnh đó, đại biểu nêu một số ý kiến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Về đối tượng áp dụng Điều 2, đại biểu Thạch Phước Bình thống nhất chọn phương án 1 - Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập theo quy định của Luật Việc làm thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế. Lý giải cho sự lựa chọn này, đại biểu Thạch Phước Bình cho biết, hiện nay hầu hết các địa phương đều đã thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và sửa đổi Điều 38 của Luật Việc làm. Thực tế, Trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp thành lập, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Các địa phương đều giao Trung tâm dịch vụ việc làm giúp Ủy ban nhân dân thực hiện quản lý, đưa người đi và theo dõi quá trình hoạt động. Kinh phí của Trung tâm do Ủy ban nhân dân cấp và Trung tâm này không thu kinh phí, không thu tiền môi giới của người lao động, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính tiên phong của lao động trong nước, ngoài nước, phù hợp với thực tế triển khai hoạt động này tại các địa phương và không phát sinh thêm tổ chức bộ máy.
Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu từ điểm cầu địa phương.
Về chính sách của nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng: đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng quy định 06 chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là chưa rõ, do vậy đại biểu đề nghị cần có quy định những chính sách đặc thù đối với lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đại biểu Thạch Phước Bình phản ánh, thực tế cho thấy, ở nước ta, trung bình mỗi năm có hơn 80 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 35 đến 40% tổng số lao động di cư và có xu hướng gia tăng. Khi tham gia vào thị trường lao động nước ngoài, lao động nữ Việt Nam có cơ hội nâng cao quyền năng, độc lập về kinh tế. Tuy nhiên, phụ nữ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, rào cản hơn so với lao động là nam giới cả trước, trong và sau khi di cư lao động. Trước khi đi lao động nước ngoài, lao động nữ bị hạn chế trong tiếp cận thông tin tuyển dụng, hạn chế trong việc được đào tạo an toàn, hiệu quả và di cư hợp pháp.
Theo số liệu của các chuyên gia cho biết, chỉ 7% số người lao động di cư Việt Nam được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi ra nước ngoài làm việc. Khi ra nước ngoài, lao động nữ chịu điều kiện lao động, sẽ sinh sống khó khăn, nặng nhọc, nguy cơ cao về hành hạ, bóc lột, bị xâm hại tình dục, lây nhiễm các bệnh xã hội, gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Tất cả vấn đề nêu trên dẫn đến gia tăng căng thẳng, nảy sinh tâm lý cô đơn, sợ hãi. Sau khi lao động trở về tái hòa nhập cộng đồng, lao động nữ tiếp tục khó khăn trong tìm kiếm cơ hội việc làm và phát huy tay nghề, có đến 70% số kỹ năng lao động nữ được trang bị ở nước di cư lao động ít được áp dụng tại quê nhà, nguy cơ tan vỡ gia đình, lý do là sự vắng mặt lâu dài của người mẹ, người vợ trong gia đình. Bên cạnh đó, đối tượng người lao động làm việc không có quan hệ lao động đã được quy định là đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động năm 2019. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 cũng nêu rõ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây là yêu cầu, giải pháp chung cho đối tượng người lao động làm việc ở nước ngoài, không chỉ nhóm lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng cần rà soát, xem xét tất cả các dòng dịch chuyển lao động quốc tế hợp pháp mà lao động Việt Nam đã đang tham gia, nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh đối tượng áp dụng của dự thảo luật, bảo đảm nhu cầu việc làm thỏa đáng cho nhóm lao động yếu thế, trong đó có lao động nữ.
Đồng thời, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của lao động theo hướng bình đẳng, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị dự thảo luật cần bổ sung trách nhiệm doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhân viên nghiệp vụ thực hiện các nội dung hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải có kiến thức về giới, năng lực giải quyết vấn đề giới của lao động nữ di cư, bổ sung quyền và nghĩa vụ của người lao động, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu phát hiện nguy cơ đe dọa trực tiếp tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự trong quá trình thực hiện công việc, quyền được trở về nước hoặc thay đổi công việc trong trường hợp có vi phạm quyền lao động, quyền con người, đặc biệt trong trường hợp bị bạo lực. Quyền tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý, các dịch vụ xã hội, y tế, tâm lý tại quốc gia nơi người lao động làm việc. Quyền tiếp cận dịch vụ hỗ trợ việc làm, tạo điều kiện việc làm sau khi trở về cũng như dịch vụ tái hòa nhập cộng đồng, bình đẳng giữa nam và nữ.
Bổ sung chính sách hỗ trợ người lao động sau khi về nước như hỗ trợ thông tin thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động, tạo điều kiện để người lao động tìm kiếm việc làm, tạo nguồn lao động có chất lượng chuyên môn kỹ thuật cho các đơn vị sử dụng lao động trong nước. Cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý pháp lý đối với một số trường hợp đặc biệt, như bị lạm dụng, bị bóc lột sức lao động, rơi vào đường dây ma túy, lừa đảo khi lao động ở nước ngoài bị bạo lực, bị xâm hại. Bổ sung nhiệm vụ của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Trường hợp người lao động trở về nước trước thời hạn mà không phải do lỗi của người lao động mà là nạn nhân của xâm hại, quấy rối tình dục, bạo lực với bóc lột sức lao động, dịch bệnh.
Đại biểu Thạch Phước Bình cho biết thêm, thực tế cho thấy đã xuất hiện nhiều hình thức lao động nước ngoài không theo hợp đồng với các hình thức lao động mới như người lao động đi theo lời mời hoặc bảo lãnh của người nhà sang và sau đó ở lại lao động theo mùa vụ, du học, vừa học vừa làm, du lịch nhưng móc nối bỏ trốn ở lại làm việc lao động theo hợp đồng nhưng sau đó phá hợp đồng ra ngoài làm việc. Lao động Việt Nam qua biên giới làm thuê theo mùa vụ ở các nước láng giềng, các loại lao động nêu trên gặp nhiều rủi ro, không được bảo hộ hợp pháp, dễ bị lạm dụng sức lao động, rơi vào đường dây buôn bán, lừa đảo dễ bị cảnh sát địa phương bắt giữ, gây khó khăn trong công tác quản lý người lao động cả ở Việt Nam và ở quốc gia tiếp nhận lao động. Trong giải trình báo cáo tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu vấn đề này. Tuy nhiên, đại biểu Thạch Phước Bình vẫn đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu có những quy định mang tính nguyên tắc nhằm tạo điều kiện cho Chính phủ có phương án quản lý đối với loại hình lao động không theo hợp đồng mới phát sinh này.