Đánh giá cao Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đại biểu Phạm Đình Cúc góp ý vào một số nội dung cụ thể.
Về đối tượng áp dụng tại Điều 2, Điều 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho 2 phương án, đại biểu Phạm Đình Cúc thống nhất với phương án 1, việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thuộc Trung ương thành lập theo quy định của Luật Việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế. Đại biểu Phạm Đình Cúc phân tích, báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian qua đã có nhiều địa phương do Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập đưa lao động của địa phương đi lao động, làm việc ở nước ngoài không thu tiền dịch vụ của người lao động không làm tăng biên chế, qua đó cũng giảm chi phí, tăng thu nhập cho người lao động. Tận dụng và phát huy tốt các Trung tâm dịch vụ việc làm đã có sẵn của các địa phương góp phần nâng cao tính chủ động của các địa phương trong việc hỗ trợ người lao động của địa phương mình đi làm việc ở nước ngoài và tăng tính cạnh tranh đối với các doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động đi lao động, làm việc ở nước ngoài.
Đại biểu Phạm Đình Cúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại phiên họp.
Điểm đ khoản 1 Điều 10 dự thảo luật quy định doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có điều kiện, có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đại biểu Phạm Đình Cúc đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra quy định rõ hơn, vì nếu quyết định như vậy thì dễ bị lợi dụng, gây khó khăn, tạo kẽ hở trong việc xin-cho và tiêu cực. Bởi vì, nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ yêu cầu này thì cần phải đầu tư rất lớn, lãng phí, trong khi có rất nhiều trường đào tạo, cơ sở đào tạo nghề có thể đáp ứng tốt yêu cầu này cũng cần được huy động. Do vậy, đại biểu Phạm Đình Cúc đề nghị sửa điểm đ khoản 1 Điều 10 như sau: “có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam hoặc có hợp đồng liên kết với các cơ sở đào tạo đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.
Bên cạnh đó, khoản 8 Điều 3 của dự án luật về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định: báo cáo sau khi hoàn thành hợp đồng trúng thầu, nhà thầu ở nước ngoài và báo cáo đột xuất theo yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đại biểu Phạm Đình Cúc đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm ngoài việc báo cáo theo yêu cầu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì phải báo cáo các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để đảm bảo việc thực hiện chức năng quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Do đó theo đại biểu, khoản 8 Điều 33 được viết lại cụ thể như sau: “báo cáo sau khi hoàn thành hợp đồng trúng thầu, nhận thầu ở nước ngoài và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan chuyên môn về lao động gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở”.
Về chính sách đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo Điều 65 của dự thảo luật, đại biểu Phạm Đình Cúc đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm cụm từ “pháp luật” sau cụm từ “ngoại ngữ”., vì người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì rất nhiều nước pháp luật của họ rất nghiêm minh, do vậy đòi hỏi người lao động không những chỉ biết về chuyên môn ngoại ngữ mà còn phải am hiểu về pháp luật của nước sở tại. Do đó, đại biểu đề nghị sửa Điều 65 như sau: “Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ và pháp luật của người lao động để đáp ứng yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động và thực hiện quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp”.