ĐBQH LƯU THÀNH CÔNG: CẦN TẬN DỤNG TỐI ĐA NGUỒN NHÂN LỰC LÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI TRỞ VỀ NƯỚC

24/12/2020

Cho ý kiến tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đại biểu Lưu Thành Công - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long lưu ý việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một cách tạo nguồn nhân lực có chất lượng, do đó, khi hết thời hạn, người lao động trở về nước thì phải tận dụng tối đa, không để lãng phí nguồn nhân lực này.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Lưu Thành Công đề cập đến một số quy định mới được đưa vào trong luật lần này. Cụ thể, tại Điều 17 quy định về việc giao nhiệm vụ cho chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ, đại biểu Lưu Thành Công cho biết Khoản 2 điểm b có quy định chi nhánh được giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ không được thu tiền dịch vụ của người lao động. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ rất khó khăn cho hoạt động của chi nhánh và của cả công ty mẹ, ảnh hưởng trực tiếp đến việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Chi nhánh thực hiện nhiều nhiệm vụ giống như là công ty mẹ là phải tìm kiếm khách hàng nước ngoài, tuyển nguồn, đào tạo, thực hiện các điều kiện cần thiết để người đứng đầu chi nhánh hoạt động. Chi nhánh cũng có đội ngũ nhân viên, có trụ sở và các điều kiện về cơ sở vật chất cho đội ngũ hoạt động. Tất cả các hoạt động này phải có một nguồn tài chính cần thiết thì mới có thể đảm bảo được. Theo quy định của luật hiện hành thì chi nhánh được quyền thu nguồn phí này theo ủy quyền của công ty mẹ, nhưng trong dự thảo luật lần này thì không cho phép.

Để tạo điều kiện cho các chi nhánh tuyên truyền, làm tốt việc chuẩn bị nguồn đào tạo nghề cho lao động, đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài một cách hiệu quả nhất, đại biểu Lưu Thành Công đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên theo luật hiện hành là cho phép chi nhánh công ty thu khoản phí dịch vụ này với điều kiện là phải được sự ủy quyền của công ty mẹ. Trong giấy ủy quyền phải ghi rõ mức phí được thu là bao nhiêu, phương thức thu như thế nào. Chi nhánh không được thu vượt quá số tiền đã ghi trong giấy ủy quyền. Các cơ quan chức năng sẽ thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hoạt động thu phí dịch vụ của các chi nhánh đúng theo giấy ủy quyền của công ty mẹ.

Đại biểu Lưu Thành Công – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.

Bên cạnh đó, tại Điều 19 và Điều 20 quy định về chuẩn bị nguồn lao động và thông báo chuẩn bị nguồn lao động. Đại biểu Lưu Thành Công chỉ rõ, theo quy định này thì công ty đưa người đi lao động phải yêu cầu khách hàng nước ngoài gửi thư đề nghị hoặc kế hoạch tiếp nhận lao động hàng năm, sau đó công ty sẽ thông báo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc chuẩn bị nguồn và phải được Bộ chấp nhận thì mới được tuyển nguồn. Đây là nội dung mới so với luật hiện hành. Đại biểu cho rằng Ban soạn thảo muốn đưa ra vấn đề này để tránh việc các công ty tuyển nguồn ở trong nước tuyển với số lượng nhiều, nhưng không đưa đi làm việc được hết số lượng đã tuyển, người lao động phải chờ đợi kéo dài. Để làm tốt vấn đề này, đại biểu Lưu Thành Công đề nghị rà soát lại một số công ty nguồn không được phép đưa người lao động đi nước ngoài làm việc, nhưng họ vẫn tuyển nguồn, vẫn đào tạo, sau đó mới cung ứng cho các công ty có phép được đưa đi. Việc tuyển nguồn của họ không theo kế hoạch, cạnh tranh không lành mạnh, do vậy người lao động phải chịu chi phí rất cao. Vì vậy, nếu bổ sung quy định Điều 21 và Điều 22, đại biểu Lưu Thành Công cho rằng vẫn chưa khắc phục được vấn đề này, mà làm cho thủ tục hành chính thêm rườm rà, gây ấn tượng không đẹp đối với các cơ quan tuyển dụng lao động ở nước ngoài. Khi khách hàng nước ngoài muốn tuyển lao động Việt Nam thì họ phải ký hợp đồng cung ứng với công ty của Việt Nam. Trong hợp đồng thể hiện rõ số lượng lao động cần tuyển, ngành nghề, công ty tiếp nhận, các chính sách cho người lao động. Hợp đồng này, khách hàng nước ngoài sẽ phải đăng ký với nước sở tại của họ và công ty cung ứng lao động trong nước cũng phải đăng ký với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và khi đăng ký với Bộ thì công ty sẽ có bản phương án thực hiện hợp đồng. Trong đó, thể hiện rõ phương án tuyển nguồn, kế hoạch đào tạo, kế hoạch đưa đi. Khi đầy đủ các nội dung thì Bộ Lao động chấp thuận hợp đồng và thông báo cho công ty được phép thực hiện. Theo đại biểu, quy trình như thế đã là khá chặt chẽ. Nếu có thêm Điều 19 và Điều 20, chuẩn bị nguồn thì chỉ lặp lại, buộc khách hàng phải làm thêm một công đoạn không cần thiết là phải ra thư đề nghị hoặc kế hoạch tiếp nhận lao động, mà những vấn đề này đã có ghi rõ trong hợp đồng cung ứng lao động. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại vấn đề này để xem có cần phải thêm Điều 19 và Điều 20 hay không?

Về chính sách đối với người lao động sau khi về nước, quy định tại Điều 61 và Điều 62, theo đại biểu Lưu Thành Công, đây là vấn đề lớn cần phải quan tâm. Có những chính sách cụ thể để sau khi lao động trở về nước thì có thể phát huy được những kiến thức, những kỹ năng, những kinh nghiệm tay nghề trong quá trình lao động ở nước ngoài. Đây có thể coi là nguồn nhân lực hết sức quan trọng, rất đáng quý. Nếu bỏ lỡ cơ hội thì không khai thác hết và kịp thời sẽ lãng phí nguồn nhân lực này. Mục tiêu đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài không phải chỉ để giải quyết vấn đề trước mắt là lao động kiếm tiền mà mục tiêu lớn hơn là đào tạo, tạo điều kiện cho các lao động này tiếp cận những tri thức mới, thay đổi nhận thức, hình thành những quan điểm mới, thay đổi cách sống, rèn luyện tác phong công nghiệp, học tập, cách thức tổ chức lao động sản xuất của một số quốc gia tiên tiến trên thế giới. Những mục tiêu này, thời gian qua nước ta đã đạt được, nhiều lao động khi trở về nước được sự trợ giúp của chính quyền địa phương, cộng đồng xã hội đã khởi nghiệp thành công và trở thành chủ một số doanh nghiệp, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Theo đại biểu Lưu Thành Công, thời gian tới cần tập trung nhiều hơn cho mục tiêu này. Vì vậy, cần thiết thể hiện rõ trong luật để người lao động an tâm với mục tiêu trước mắt là lao động để có thu nhập và đồng thời người lao động cũng xác định được mục tiêu lâu dài, từ đó có ý thức hơn trong việc rèn luyện tay nghề, tích lũy kinh nghiệm, xác định được mục tiêu khi trở về nước.

Tuy nhiên, đại biểu Lưu Thành Công đánh giá trong dự thảo luật lần này, các quy định về chính sách đối với người lao động sau khi về nước còn quá mờ nhạt, chưa có một sự hỗ trợ nào cụ thể để người lao động an tâm khi trở về khởi nghiệp. Ở khoản 2 Điều 61 chỉ nói Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội trình Hội đồng nhân dân cùng cấp có chính sách hỗ trợ người lao động địa phương sau khi trở về nước, theo đại biểu, đây là một quy định hỗ trợ hết sức chung. Đại biểu Lưu Thành Công đề nghị cần cụ thể một số chính sách cứng trong luật như ưu đãi vốn, tín dụng, ưu đãi về chính sách thuế, nếu không quy định trong luật thì phải có một văn bản dưới luật giao cho Chính phủ hướng dẫn thực hiện vấn đề này, để tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động khi trở về nước có thể vươn lên khởi nghiệp, làm chủ chính mình.

Hồ Hương