GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN PHỐI HỢP CHẶT CHẼ LIÊN NGÀNH TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

24/12/2020

Nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia cho rằng: Cần tăng cường giám sát quá trình thực hiện các luật, chính sách, quy định đề ra cũng như sự phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình cần phải thực hiện chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Gia đình được xem là môi trường an toàn nhất với trẻ em, là nơi cái nôi nuôi dưỡng, giáo dục và hình thành sự phát triển cho trẻ thơ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhiều vụ xâm hại, bạo lực trẻ em lại xảy ra tại nơi này. 

Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” theo Nghị quyết số 81/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội cho thấy: Nhiều địa phương, trẻ em bị xâm hại bởi chính người ruột thịt, người thân thích chiếm tỷ lệ cao như: Hà Tĩnh 67,6%, Hà Nội 51,9%, Bà Rịa Vũng Tàu 33%... Theo thống kê của Tổng đài 111 (trong tổng số các cuộc gọi đến), số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65,88%.


Một vụ bạo lực trẻ em được đưa lên mạng xã hội. 

Vụ việc xâm hại trẻ em gây bức xúc dư luận thời gian gần đây là bé gái 3 tuổi (thường trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội) bị mẹ và cha dượng bạo hành dã man dẫn tới tử vong với nhiều vết thương trên cơ thể. Vụ việc nổi cộm khác xảy ra tại Sóc Trăng khiến dư luận vô cùng phẫn nộ là cha hành hạ con gái ruột 6 tuổi. Theo nội dung đoạn clip được chia sẻ, người đàn ông liên tục dùng roi vả vào mặt bé gái. Bé gái gào khóc chạy trốn nhưng người đàn ông vẫn không buông tha, tiếp tục truy đuổi, đánh và dùng chân đạp vào bé gái khiến cháu văng ra xa. Nguyên nhân là do phát hiện con gái ruột lấy gạo đổ vào đống cát để đùa nghịch nên người đàn ông đã tức giận, dẫn đến việc đánh con gái và người hàng xóm đã quay clip đăng lên mạng xã hội.

Một đoạn clip khác đăng tải trên mạng xã hội ghi lại cảnh 1 người phụ nữ cột cổ bé trai rồi kéo lê, đánh đập cháu bé tàn nhẫn ở Bình Dương. Hầu hết mọi người đều tỏ ra phẫn nộ trước hành vi của người phụ nữ này. Sự việc trong đoạn clip được ghi nhận ở căn nhà đường D10, khu phố 1, phường Hoà Phú, TP Thủ Dầu Một. Còn cháu bé là con riêng của người phụ nữ này.

Trên đây cũng chỉ là 3 trong số rất nhiều vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại nghiêm trọng xảy ra trong năm 2020 do những người thân trong gia đình gây ra khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc. Có thể thấy, tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em ngay trong chính gia đình thời gian qua có dấu hiệu gia tăng. Tính chất của các vụ việc có chiều hướng phức tạp, nghiêm trọng hơn. Điều đó đã đặt ra câu hỏi “môi trường gia đình có thực sự an toàn đối với trẻ”. Nhiều hành vi bạo lực đối với trẻ của chính bố mẹ, người thân thường được giải thích, bao biện do tâm lý nóng giận hoặc muốn dạy dỗ trẻ, “yêu cho roi cho vọt”… Đây cũng là khoảng trống trong công tác phòng chống bạo lực gia đình.

Sự xuống cấp về truyền thống đạo đức trong gia đình mà ở đó tình yêu thương, chăm sóc trẻ em có phần bị mai một

Dù ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạo lực gia đình, đặc biệt bạo lực đối với trẻ em, không chỉ để lại hậu quả về thể chất, tinh thần mà còn gây thiệt hại về kinh tế - xã hội. Bạo lực gia đình làm xói mòn các giá trị văn hoá, chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phá vỡ sự bền vững của gia đình. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và giải pháp căn cơ nào để phòng ngừa bạo lực gia đình hiệu quả?

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng: Hiện có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực trẻ em nhưng phải kể đến những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là việc giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng thực hiện các quyền trẻ em cũng như bảo vệ trẻ trong gia đình tuy có được triển khai nhiều, phong phú hơn nhưng ít cập nhật những kiến thức, nguy cơ mới. Thứ hai là việc thực thi pháp luật mới chỉ chủ yếu thực hiện về xử lý hình sự đối với những vụ việc xâm hại trẻ em nghiêm trọng. Còn việc xử lý hành chính đối với cha mẹ, người thân của các em còn rất hạn chế. Dó đó, phần nào ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật đối với phòng ngừa, xử lý các vụ việc xâm hại và bạo lực trẻ em. Thứ ba, trách nhiệm và tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương, người đứng đầu ban ngành và việc phối hợp giữa các cấp, đơn vị trong thực hiện công tác phòng chống xâm hại trẻ em nói chung, phòng chống bạo lực gia đình nói riêng còn một số bất cập.


Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Thứ tư là phải kể đến sự xuống cấp về truyền thống đạo đức trong gia đình mà ở đó tình yêu thương, chăm sóc trẻ em có phần bị mai một. Những giá trị đạo đức mới như tôn trọng, thực hiện các quyền trẻ em trong gia đình còn chưa được sắp đặt một cách cụ thể. Ngoài ra, trách nhiệm nêu gương, yêu thương, chăm sóc trẻ em của các thành viên trong gia đình cũng còn chưa thực hiện tốt. Do đó, chúng ta cần phải tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục và thực thi pháp luật về phòng chống bạo lực trẻ em nói chung và bạo lực trong gia đình một cách hiệu quả hơn.

Theo đại biểu Lê Thị Nguyệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, nguyên nhân gốc rễ dẫn đến bạo lực gia đình nói chung là do nhận thức về bình đẳng giới. Tư tưởng phong kiến “trọng nam khinh nữ”, khiến nam giới trở nên gia trưởng, cho phép mình được bạo hành với phụ nữ; sự nhìn nhận, đấu tranh của người phụ nữ trước bạo hành gia đình còn hạn chế, cam chịu. Họ mang tư tưởng: “xấu chàng hổ ai”, sợ hàng xóm, bạn bè chê cười… Còn trẻ em chịu sự ảnh hưởng trực tiếp từ chính gia đình mình về những quan niệm, hành vi bạo lực của người cha và sự cam chịu của người mẹ.

Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình còn do quan điểm về văn hóa như: Quan niệm gia đình là do nam giới kiểm soát; quan niệm việc chấp nhận bị bạo hành sẽ có thể giải quyết xung đột. Mặt khác, nữ giới thường phụ thuộc nam giới về lĩnh vực kinh tế, năng lực nghề nghiệp. Đặc biệt là tình trạng chênh lệch về nghề nghiệp giữa vợ và chồng, sự ưu ái đối với nam giới của các nhà tuyển dụng. Ngoài ra còn do tác động của các chất kích thích, của men bia, rượu, ma túy, của thói trăng hoa… Bạo lực gia đình gia tăng còn do việc thi hành pháp luật chưa nghiêm minh; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bạo lực gia đình còn chưa đạt hiệu quả cao; sự hiểu biết về pháp luật của cộng đồng còn hạn chế.

Nguyên nhân khách quan dẫn đến bạo lực với trẻ em là do những tác động xấu của mạng Internet, mạng xã hội đặt ra nhiều nguy cơ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Tại nhiều địa phương thiếu điểm vui chơi, một số thiết chế văn hóa, thể thao dành cho trẻ em. Một bộ phận người dân đời sống khó khăn nên phải lo làm ăn kinh tế chưa dành thời gian và điều kiện để chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.

Nguyên nhân chủ quan là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhận thức chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, chưa thực sự quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em trong nhiều trường hợp còn chưa hiệu quả. Thậm chí, một số cơ quan còn có tâm lý ỷ lại cho ngành Lao động- Thương binh và Xã hội. Sự gia tăng tình trạng ly hôn, quan hệ giữa các thành viên trong nhiều gia đình, nhất là ở đô thị còn lỏng lẻo dẫn tới thiếu sự quan tâm đầy đủ dành cho trẻ em.

Tư tưởng “yêu cho roi cho vọt” vẫn còn in sâu trong tâm thức của nhiều gia đình

Tình trạng bạo lực gia đình vẫn diễn biến phức tạp vì nhiều gia đình Việt hiện nay vẫn còn nặng tư tưởng, thể hiện cách giáo dục con là phải “yêu cho roi cho vọt”. Ông Đặng Hoa Nam-Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: Tư tưởng, cách thức giáo dục trẻ em theo “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho chơi” đã phần nào lạc hậu. Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác trên thế giới cũng có quan điểm này. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi nhận thức, phương pháp, giáo dục kiến thức, kỷ luật với trẻ em mà không cần bạo lực. Theo đó, cần trang bị cho giáo viên, các thành viên trong gia đình, cha mẹ phương pháp giáo dục, kỷ luật mới để không dẫn tới những hành vi bạo lực với trẻ.


Trẻ em cần được chăm sóc và giáo dục tốt (ảnh minh họa).

Việc thay đổi nhận thức, phương pháp giáo dục với trẻ mà không cần đòn roi cũng được anh Tân và chị Mến sống tại quận Ba Đình, Hà Nội áp dụng khi dạy con nhỏ. Công việc của anh Tân là nhân viên quản lý sản xuất cho một công ty điện tử Nhật Bản, có trụ sở tại tỉnh Hải Dương. Còn chị Dương Thị Mến, vợ anh Tân là giáo việc dạy kèm tiếng Anh tại nhà cho học sinh. Với anh Tân, công việc khá bận rộn và áp lực, nhưng vì vợ và 2 con nhỏ nên anh sắp xếp công việc sáng đi, tối về với quãng đường 120 km để hỗ trợ dạy dỗ con và phụ giúp việc nhà. Chị Mến cảm thấy khá hài lòng vì cả hai anh chị đều chung quan điểm dạy con cho ngoan và tự lập. Muốn làm được điều này thì trước hết bố mẹ phải gần gũi con cái.

Chị Dương Thị Mến, sinh sống ở quận Ba Đình, thành phố Hà Nội chia sẻ: Bố mẹ phải gần gũi, chia sẻ với con. Muốn con mang được nề nếp thì bố mẹ phải dậy con từ lúc 3 tuổi, biết sắp xếp giờ học, giờ ăn, giờ chơi như nào. Trong giờ ăn không được cầm điện thoại. Các con muốn xem ti vi hay chơi là phải hỏi bố mẹ hết. Bố mẹ phải chỉ bảo cho con cái đấy tại sao như vậy. Trước khi đi ngủ thì nhà tôi phải nói chuyện với các con 1 tiếng các câu chuyện xảy ra trong ngày. Có gì vui không vui, ở nhà ăn uống gì hay mai ăn gì.

Từ việc tận tình dạy bảo, hướng dẫn đã giúp con hiểu, nghe theo và làm theo nên dù còn nhỏ nhưng con gái của chị Mến đã giúp bố mẹ nhiều công việc như rửa bát, quét nhà, lau nhà, gập quần áo, phụ mẹ nấu cơm, biết cách sắp xếp ngăn nắp và có tính tự lập.

Anh Tân và chị Mến cho rằng, làm cha mẹ thì luôn cần gần gũi, thường xuyên tâm sự với con, chăm sóc, hiểu được tâm lý các con, để từ đó có phương pháp dạy bảo các con từ tốn, nhẹ nhàng, không cần đòn roi. Lúc rảnh rỗi, gia đình chị cũng thường xuyên đưa các con đi chơi vào cuối tuần để tạo sự thoải mái, thư giãn, không khí vui vẻ, yêu thương, hòa thuận, gắn kết các thành viên trong gia đình.

Có thể thấy, trẻ em là đối tượng bị phụ thuộc vào gia đình, cha mẹ. Trẻ em tuổi càng nhỏ thì khả năng bảo vệ bản thân càng hạn chế. Do đó, trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao bị bạo lực gia đình. Vì thế để hạn chế bạo lực gia đình, chúng ta cần thay đổi mô hình giáo dục gia trưởng, độc đoán, áp đặt sang mô hình bình đẳng, yêu thương, lắng nghe, chia sẻ.


Chị Dương Thị Mến, sinh sống ở quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Ông Đặng Hoa Nam-Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nêu quan điểm: Mô hình giáo dục trong gia đình cần giảm tối đa hình thức, tăng cường sự thiết thực để mỗi thành viên trong gia đình hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng về trách nhiệm của họ không chỉ trong việc bảo vệ, chăm sóc mà còn phòng ngừa bạo lực trẻ em. Ngoài ra, họ cần liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng giáo dục, chăm sóc trẻ thông qua những tình huống, vụ việc, giao tiếp hàng ngày. Mặt khác, phụ huynh cần nâng cao ý thức nêu gương của người lớn, hiểu rõ được bổn phận của cha mẹ, quyền của trẻ em. Đây là những công việc phải thực hiện một cách kiên trì và quyết liệt thì mới có thể ngăn chặn hiệu quả vấn đề bạo lực gia đình.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng, chống bạo lực gia đình và đã ban hành nhiều đạo luật trực tiếp và gián tiếp như: Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Bộ luật Dân sự và đặc biệt là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Những văn bản này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Nhưng đánh giá một cách khách quan thì các quy phạm pháp luật này chưa thực sự đi vào cuộc sống, sự quan tâm và hiểu biết về lĩnh vực này chưa đi vào chiều sâu, tình trạng bạo lực trong gia đình chưa có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực và dần trở thành như một hiện tượng của xã hội. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).


Ông Hoa Hữu Vân - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Ông Hoa Hữu Vân-Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đóng góp ý kiến: Có đại biểu Quốc hội đã chỉ ra rằng, chưa thấy có cấp ủy, cơ quan, cá nhân nào bị xử lý khi để xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại ở địa phương, cơ quan mình. Chính vì vậy, nên bổ sung và quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nếu để xảy ra tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại nghiêm trọng ở địa phương mình.

Theo Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, việc ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành. Đặc biệt là xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình, người vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, nâng cao chất lượng của công tác hòa giải, thông tin tuyên truyền và khuyến khích xã hội hóa trong phòng, chống bạo lực gia đình. Từ đó góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người.

Sự phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống bạo lực gia đình cần phải chặt chẽ

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, thảo luận nội dung liên quan đến chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương, tổ chức khi để xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em. Đồng thời cần tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính răn đe. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật để bảo vệ trẻ em, không để khoảng trống về pháp lý trong lĩnh vực này.


Đại biểu Hoàng Thị Hoa- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Thời gian qua, công tác xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình được Đảng, Nhà nước quan tâm và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em…. Tuy nhiên tình trạng bạo lực gia đình, nhất là bạo lực đối với trẻ em xảy ra ở tất cả các địa phương trên cả nước, diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Chính vì vậy, cần có giải pháp hữu hiệu hơn để ngăn chặn tình trạng này.

Đại biểu Hoàng Thị Hoa- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Việt Nam đã có Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình, Nghị quyết về Phòng chống xâm hại trẻ em nhưng tình trạng bạo lực gia đình vẫn chưa chấm dứt... Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu thêm có nội dung nào còn bất cập thì tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung. Đồng thời là tăng cường giám sát quá trình thực hiện các luật, chính sách, quy định đề ra cũng như sự phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống bạo lực gia đình cần phải thực hiện chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Còn theo đại biểu Lê Thị Nguyệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, để ngăn chặn hiệu quả bạo lực gia đình cần có sự chung tay của tất cả các cơ quan, gia đình, cá nhân và của toàn xã hội tập trung một số giải pháp sau: Thứ nhất, tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về bạo lực gia đình.


 Đại biểu Lê Thị Nguyệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Thứ hai, đối với Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về Phòng, chống bạo lực gia đình. Chính phủ cần rà soát văn bản, bổ sung các quy định còn thiếu, sửa đổi những quy định bất cập, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Thứ ba, cần nghiên cứu Mô hình quản lý nhà nước để gắn kết chặt chẽ hoạt động của các lĩnh vực dân số, bình đẳng giới, gia đình, trẻ em, trong đó có công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình./.

Lan Ngọc Hà