Y tế cơ sở và những khó khăn
Công tác y tế cơ sở là một trong những trọng tâm và ưu tiên hàng đầu của ngành y tế và của toàn xã hội, đúng như tinh thần của Nghị quyết 20 của TW về sự cần thiết xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng.
Trong bối cảnh nguồn tài trợ nước ngoài cắt giảm, ngân sách nhà nước hạn chế, phân cấp cho địa phương là xu hướng, tính chủ động và tích cực của chính quyền địa phương trong công tác YTCS sẽ quyết định năng lực của hệ thống YTCS tại địa phương và tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Những thay đổi về y tế cũng đặt ra yêu cầu cần tăng cường hơn nữa vai trò của chính quyền địa phương.
Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc có địa bàn rộng, địa hình chia cắt, dân cư phân bố không đều, giao thông đi lại khó khăn, thành phần dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù, các hoạt động về y tế những năm qua được quan tâm hơn nhưng thực trạng tuyến huyện, tuyến xã hiện nay nhân lực vẫn thiếu và yếu, chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho dân. Các chính sách thu hút nhân lực y, bác sĩ vẫn chưa mang lại hiệu quả dẫn đến tình trạng cán bộ y tế trẻ chỉ làm việc một vài năm lại rời đi.
Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cho biết trong quá trình khám chữa bệnh trung tâm luôn găp khó khăn về nguồn nhân lực. Tại các huyện miền núi luôn trong tình trạng thiếu các bác sĩ có trình độ chuyên khoa sâu, do đó trình độ khám chữa bệnh tại các đây luôn hạn chế, mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ của bà con.
Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu
Còn tại Trung tâm y tế huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, ông Lý Chí Thành, Giám đốc Trung tâm, cho biết nguồn nhân lực theo biên chế hàng năm của tỉnh giao xuống hiện trung tâm vẫn thiếu nhiều cán bộ. nhiều xã còn không đủ cán bộ theo định biên. Nếu tính theo đầu người thì trung tâm thiếu đến 17 cán bộ nên hoạt động y tế trên địa bàn rất khó khăn. Đối với nhân lực là bác sĩ cũng có nhiều bác sĩ trẻ lên công tác nhưng chỉ 1 vài năm lại chuyển về xuôi nên để có bác sĩ tâm huyết ở lại rất khó.
Cùng chung tình trạng với các tỉnh miền núi phía bắc, khu vực Tây Nguyên cũng thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu vắng người bệnh tới khám chữa tại các trạm y tế cơ sở. Điều ngày trái ngược hoàn toàn vói tình trạng chen chúc đợi chờ ở các bệnh viên tuyến tỉnh, thành phố.
Tại trạm y tế thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk số lượng bệnh nhân tới đây khá thưa thớt, thường ngày các y bác sĩ tại cơ sở y tế chỉ phải đón tiếp từ 10-15 ca bệnh và đa phần là những bệnh nhẹ hay mãn tính, hoặc là những bệnh nhân đến lấy thuốc theo bảo hiểm y tế. Còn tại trạm y tế xã Cư M’Lan, thỉnh thoảng mới có một vài bệnh nhân tới khám hay điều trị. ù đây là trạm y tế được xây với quy mô rộng rãi, thoáng mát với đầy đủ phòng khám. Trạm y tế nơi đây luôn trong tình trạng: y bác sĩ còn nhiều hơn số lượng người khám chữa bệnh. Số lượng bệnh nhân đến với trạm cũng dao động từ 5-10 ca bệnh trong một ngày. Thậm chí có những hôm còn không có người bệnh đến khám. Điều bất cập hiện nay là khó khăn trong tuyển dụng và duy trì nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn, kiến thức và kỹ năng của nhân lực y tế tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế.
Trên nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng hiệu quả hoạt động của các trạm y tế cơ sở chưa cao là do khó khăn trong việc đi lại của người dân vùng sâu vùng xa tới khám bệnh hay chính sách cho đội ngũ y, bác sỹ còn hạn chế dẫn đến chất lượng khám chữa bệnh chưa cao; hay số lượng thuốc thiết yếu không đủ.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, kiến nghị: Tập trung đầu tư xây dựng các trạm y tế xã, tập trung cho các xã ở vùng sâu, vùng xa, biên giới có đủ điều kiện khám, chữa bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cơ bản; có chính sách phù hợp đối với đội ngũ nhân viên y tế tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội
Y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong cung ứng dịch vụ y tế nói chung và là nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của đa số bệnh nhân khám bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết người dân đều vượt tuyến khi khám chữa bệnh bởi nhiều lý do như chất lượng cơ sở hạ tầng, trình độ cán bộ y bác sỹ chưa đáp ứng yêu cầu…. Điều này dẫn đến tình cảnh những bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố luôn trong tình trạng quá tại còn những tuyến y tế cơ sở lại vắng vẻ, đìu hiu.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở
Để nâng cao chất lượng khám chưa bệnh y tế cơ sở nhiều giải pháp đã được Bộ Y tế đưa ra. Trong đó, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giải pháp quan trọng thực hiện thành công mục tiêu nâng cao chất lượng khám hữa bệnh tại cơ sở. Cùng với nỗ lực của toàn ngành y tế về đổi mới toàn diện, đề án chăm sóc sức khoẻ người dân bằng mô hình y học gia đình đang được triển khai tích cực. Mô hình này không chỉ tiếp cận người dân, chăm sóc không chỉ lúc bị bệnh mà còn chăm sóc sức khỏe về người dân để nâng cao chất lượng phòng bệnh, phát hiện sớm bệnh, sàng lọc, kiểm tra bệnh cũng như nâng cao thể chất và chất lượng cuộc sống của người dân.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc sở Y tế tỉnh Đắk Nông
Tại Đắk Nông ngành Y tế tỉnh đã bắt đầu triển khai mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại một số địa phương trong tỉnh. Mô hình được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng y tế tại địa phương. Đến nay, trên địa bàn Đắk Nông nhiều trạm y tế đã được xây dựng khang trang, hiện đại và bổ sung đầy đủ các trang thiết bị cơ bản, thiết yếu. Chính những thành quả ban đầu đã giúp ngành y tế Đắk Nông nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; giúp người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phòng bệnh chủ động, tích cực nhằm giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện và tiết kiệm được chi phí nằm viện, điều trị cho người bệnh.
Bà Tạ Thị Hà, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đắk Nia, tỉnh Đắk Nông cho biết hiện nay đội ngũ bác sĩ tại trạm y tế đã nâng cao chất lượng, chuyên môn hàng năm. Công tác khác chữa bệnh cũng được từng bước chú trọng và thu hút được nhiều bệnh nhân đến khám chữa bệnh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết Trong thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh để triển khai và nâng cao chất lượng khám tại trạm theo nguyên lý y học gia đình. Với giải pháp bằng việc đào tạo nguồn nhân lực ở tại tuyến y tế cơ sở. Bên cạnh đó thì bằng các chương trình hỗ trợ, đề án 1816, từ tuyến huyện, tuyến tỉnh và ngay cả tuyến trung ương để đưa các bác sĩ giỏi về tại trạm để tạo niềm tin cũng như nâng cao chất lượng để người dân yên tâm ở tuyến y tế cơ sở.
Trả lời chất vấn của Đại biểu
Nguyên Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn
Trả lời chất vấn của ĐB Dương Xuân Hoà, nguyên Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết y tế cơ sở đang rất yếu và phải củng cố, tăng cường. Sắp tới, để thực hiện Nghị quyết Trung ương 20, 21 và Đề án 2348 của Chính phủ, Bộ sẽ giải quyết một cách đồng bộ và tiến hành đổi mới toàn diện. Về vấn đề tài chính, Thủ tướng đã ban hành nghị định 126 về hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế thay Nghị định 105 đã có những hạn chế, thậm chí còn quy định mức thanh toán cho trạm y tế xã và y tế cơ sở dưới 20% tổng chi cho bảo hiểm y tế của tỉnh đó. Việc này rất bất cập, làm mất vai trò gác cổng của y tế cơ sở. Đồng thời, Bộ sẽ đổi mới phân bổ cán bộ, đào tạo cán bộ, tổ chức hoạt động và cơ sở hạ tầng bằng làm mẫu 26 trạm và nhân lên. Cũng biết rằng các chương trình mục tiêu, các địa phương đang hỗ trợ cũng tranh thủ nguồn không viện trợ của EU, đặc biệt hy vọng chờ ODA sắp được Chính phủ phê duyệt. Cùng với nỗ lực của toàn ngành phải đổi mối toàn diện và sắp tới ra một bộ mặt y tế cơ sở hoàn toàn khác với mô hình y học gia đình. Tiếp cận người dân và chăm sóc không chỉ lúc bị bệnh mà cái chính là chăm sóc sức khỏe về người dân để nâng cao chất lượng phòng bệnh, phát hiện sớm bệnh, sàng lọc, kiểm tra bệnh cũng như nâng cao thể chất và chất lượng cuộc sống của người dân.
Để đánh giá và giám sát việc thực hiện trả lời chất vấn của Bộ trưởng, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại biểu Dương Xuân Hoà về vấn đề này:
Đại biểu Dương Xuân Hoà - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, Đại biểu đã có ý kiến chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế. Vậy xin đại biểu cho biết cụ thể nội dung chất vấn?
Đại biểu Dương Xuân Hoà - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: Như chúng ta biết YTCS có vai trò hết sức quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu của người dân địa phương. Từ tình hình thực tiễn tại địa phương và qua giám sát tình hình y tế cơ sở tại xã phường, thị trấn của những vùng miền núi của tỉnh Lạng Sơn thì tại kỳ họp thứ 6 có nội dung liên quan đến quản lý chức năng của Bộ Y tế nên tôi đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Ytế về Vai trò của YTCS trong vai trò chăm sóc sức khoẻ ban đầu của nhân dân. Tuy nhiên theo số liệu của BHYT cho biết nay 70% số người khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại tuyến cơ sở, nhưng chi phí từ Quỹ bảo hiểm y tế chỉ chiếm chưa đến 30%. Tỷ lệ chi rất thấp như vậy Bộ trưởng có suy nghĩ gì?
Phóng viên: Y tế cơ sở có thể coi là một trong những nội dung được cử tri tỉnh Lạng Sơn rất quan tâm. Vậy sau khi Bộ trưởng Tiến đăng đàn trả lời, ông có đánh giá như thế nào?
Đại biểu Dương Xuân Hoà - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: Tại thời điểm đó, tôi đánh giá rất cao khi Bộ trưởng Bộ Y tế đã trả lời câu hỏi của tôi đưa ra. Bộ trưởng cũng thừa nhận rằng theo quan điểm của Đảng, ngành y tế cũng thống nhất theo rằng y tế cơ sở là nền tảng chăm sóc sức khoẻ của nhân dân, đây là lần đầu tiên bộ trưởng khẳng định điều đấy. Bộ trưởng cũng thấy rằng so với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay, so với hoạt động thực tiễn hiện nay thì vai trò của y tế cơ sở hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, và Bộ y tế cũng nhận thức ra điều này. Bộ y tế đang triển khai chương trình cụ thể hoá các nghị quyết của trung ương đảng về chăm sóc sức khoẻ của nhân dân, trong đó có phần chăm sóc sức khoẻ ban đầu của nhân dân.
Phóng viên: Bộ trưởng Tiến cũng thẳng thắn thừa nhận trong phần trả lời y tế cơ sở là vấn đề đang rất yếu và phải củng cố, tăng cường. Và để thực hiện Nghị quyết Trung ương 20, 21 và Đề án 2348 của Chính phủ, bộ sẽ giải quyết một cách đồng bộ và tiến hành đổi mới toàn diện. Vậy sau hơn 1 năm thực hiện, ông có đánh giá như thế nào về chất lượng y tế cơ sở hiện nay?
Đại biểu Dương Xuân Hoà - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: Cho đến thời điểm hiện nay khi chúng ta đã hoàn thành chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới thì chúng ta biết rằng xây dựng y tế cơ sở cũng là 1 trong những tiêu chí trong chương trinh xây dựng Mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Vì vậy toàn bộ kết quả chúng ta đạt được bao gồm cả mục tiêu y tế cơ sở đã có những bước tiến. Hoặc nói cách khác là đã có thành tích đáng. Ngay tại tỉnh Lạng Sơn hiện nay 100% đã có y tế cơ sở. 100% y tế cơ sở đều có đội ngũ bác sĩ công tác ở đấy. Đây là một nỗ lực của ngành y tế nói chung trong đấy có nỗ lực của ngành y tế địa phương dưới sự lãnh đạo của Bộ y tế
Phóng viên: Nghị định 126 về hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế thay Nghị định 105 đã có những hạn chế, thậm chí còn quy định mức thanh toán cho trạm y tế xã và y tế cơ sở dưới 20% tổng chi cho bảo hiểm y tế của tỉnh đó. Với mức chi thấp như vậy đã gây những bất cập, khó khăn gì cho các trạm y tế nói riêng và tuyến y tế cơ sở nói chung thưa ông?
Đại biểu Dương Xuân Hoà - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: Như chúng ta biết mục tiêu của Đảng và nhà nước đưa ra là bao phủ y tế toàn dân. Trong khi đó y tế cơ sở chủ yếu là do người dân mua thẻ bảo hiểm y tế. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện thì chi cho bảo hiểm y tế có sở là rất thấp. "Thấp" ở đây có 2 vấn đề. Vấn đề thứ nhất là quy định của chúng ta là y tế cơ sở chỉ thực hiện y tế dự phòng là chủ yếu. Vấn đề thứ 2 là chỉ thực hiện nhóm dịch vụ kỹ thuật cơ bản gồm có hơn 70 dịch vụ kỹ thuật cơ bản và hơn 260 đầu thuốc. Và ở đây cũng không được thanh toán tiền giường bệnh nên mới thấp. Tuy nhiên ở đây cũng xảy ra một việc bất hợp lý là người dân đóng góp như vậy nhưng vùng cơ bản ở cơ sở, những vùng đặc biệt khó khăn thì kinh phí đã đóng góp nhưng lại không được thụ hưởng ở đấy mà lại chuyển đến vùng có kinh tế xã hội khá hơn. Chính vì vậy tôi thấy rằng quy định mức trần 20% chi cho y tế cơ sở như vậy là không hợp lý.
Phóng viên: Bộ trưởng cũng có trả lời với ông rằng đang triển khai đề án nhằm đổi mối toàn diện và sẽ có một bộ mặt y tế cơ sở hoàn toàn khác với mô hình y học gia đình. Ông đánh giá như thế nào về đề án mà Bộ Y tế đã nêu ra?
Đại biểu Dương Xuân Hoà - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: Theo tôi ,đây là đề án rất tiến bộ. Tiến bộ ở chỗ nó sẽ đáp ứng được yêu cầu của người dân, đáp ứng chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. Trong lúc chúng ta đang giảm tải bệnh viện tuyến trên và nâng cao năng lực của hoạt động y tế cơ sở thì đề án này đang tạo ra nhiều cơ hội để thực hiện. Một điều nữa là đề án này cũng giúp hỗ trợ giữa các tuyến y tế với nhau. Giữa tuyến trên với tuyến dưới, các tuyến có dịch vụ kỹ thuật thấp sẽ được tuyến có dịch vụ hỗ trợ cao hỗ trợ.
Phóng viên: Và theo ông, ngoài những giải pháp mà Bộ trưởng đã nêu ra thì cần có những giải pháp nào để giúp phát triển y tế cơ sở?
Đại biểu Dương Xuân Hoà - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: Nếu làm tốt y tế cơ sở theo tôi chỉ cần 2 vấn đề thôi. Vấn đề đầu tiên là vấn đề về nguồn lực con người. Vấn đề thứ 2 là về trang thiết bị y tế. Chúng ta biết rằng nếu nguồn lực con người cứ để như hiện nay thì sẽ rất khó để nâng cao chất lượng. Tôi có trả lời ở trên là 100% có bác sĩ tại y tế cơ sở. Nhưng tuy nhiên 100% bác sĩ này đều được đào tạo bằng con đường không chính quy thì tôi nêu ví dụ như vậy để thấy sự hạn chế và khó khăn.
Thứ 2 là trang thiết bị của ngành y tế thì vẫn còn rất nhiều bất cập, nhất là trong thời kỳ cách mạng khoa học 4.0 như hiện nay thì trang thiết bị của ngành y tế cũng phải đảm bảo sự cập nhật thường xuyên. Nếu chúng ta không có trang thiết bị cập nhật thường xuyên, không có sự trao đổi giữa tuyến trên, tuyến dưới thì rất khó nâng cao chất lượng của y tế cơ sở.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!
Tăng cường hệ thống y tế cơ sở là một nội dung quan trọng về y tế mà Nghị quyết Trung ương 6 về chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đề cập. Do đó, để đáp ứng yêu cầu của nghị quyết ngoài việc đảm bảo ngân sách y tế cho y tế cơ sở thì việc tiếp tục tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống tuyến dưới và ngược lại; xây dựng các quy trình chuyên môn, hướng dẫn điều trị; tiếp tục đào tạo theo địa chỉ để đào tạo nhân lực cho YTCS, các vùng khó khăn. Cùng với đó cần nâng cao năng lực phát hiện, sàng lọc. Phát triển các phòng khám bác sĩ gia đình tại nơi có điều kiện để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngày càng tốt hơn./.