ĐBQH NGUYỄN THANH THỦY GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT CƯ TRÚ (SỬA ĐỔI)

28/12/2020

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị bổ sung thêm nội dung quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành đã được quy định ở trong dự thảo luật ở phương án 2.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Trình bày ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang khẳng định tán thành sự cần thiết ban hành Luật Cư trú (sửa đổi), nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân trên cơ sở bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được hiến định. Một số nội dung được sửa đổi sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới. Đồng thời, luật cũng đẩy mạnh thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý dân cư, quản lý cư trú. v.v..

Về giải thích từ ngữ liên quan đến cư trú quy định tại Điều 2 của dự thảo luật, đại biểu thống nhất với việc tiếp thu, chỉnh lý nội dung giải thích một số từ ngữ liên quan đến cư trú tại Điều 2, như cư trú là việc công dân sinh sống tại chỗ ở hợp pháp, thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện, không có đơn vị hành chính cấp xã dưới hình thức thường trú, tạm trú, quy định tại khoản 3: "Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú quy định tại khoản 10 và nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định, ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú quy định tại khoản 11". Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm các khái niệm về nơi cư trú ổn định và nơi cư trú không ổn định đã được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhằm tạo sự tương thích trong các văn bản.

Về điều kiện đăng ký thường trú quy định tại Điều 20 của dự thảo luật, Đại biểu nhất trí với việc không cần thiết quy định điều kiện đăng ký thường trú, áp dụng riêng đối với các thành phố trực thuộc trung ương như trong luật hiện hành, bởi việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân, tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại những thành phố lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú.

Theo đại biểu, việc thực hiện quy định nói trên của Luật Cư trú trong thời gian qua cho thấy chính sách này cũng chưa thực sự hiệu quả, vì chỉ hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú, không hạn chế được việc người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống thực tế tại các đô thị lớn và do đô thị lớn là nơi có cơ hội tìm kiếm việc làm và thu nhập tốt hơn. Hơn nữa, so với quy định hiện hành, điều kiện đăng ký thường trú áp dụng chung cho tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo dự thảo luật đã được bổ sung điều kiện về diện tích bình quân tối thiểu của nơi ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ, nên thực chất đối với những thành phố trực thuộc Trung ương chỉ là bỏ điều kiện về thời gian tạm trú để được đăng ký thường trú.

Về quy định điều kiện đăng ký thường trú, áp dụng chung cho tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đại biểu nhất trí với nội dung như dự thảo luật là giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức diện tích bình quân về chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ làm điều kiện đăng ký thường trú, vì trên thực tế không chỉ ở các quận nội đô mà ở một số tỉnh hoặc một số huyện trực thuộc các thành phố trực thuộc trung ương cũng đang có áp lực gia tăng dân số cơ học rất lớn. Số người đăng ký tạm trú tăng nhanh, thậm chí nhiều hơn số người đăng ký thường trú và biến động nhiều nhất tập trung ở nhóm đối tượng có chỗ ở hợp pháp là do thuê, mượn, ở nhờ. Do đó, cần phải có một số điều kiện nhất định đối với việc đăng ký thường trú của nhóm đối tượng này nhằm bảo đảm điều kiện sống thiết yếu của người thuê, mượn, ở nhờ và phù hợp với yêu cầu quản lý về cư trú.

Bên cạnh đó, về điều khoản thi hành quy định tại Điều 38 của dự thảo luật, quy định thời hạn sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú tại khoản 3 Điều 38, đại biểu đồng ý với phương án một quy định kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành thì sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022. Theo đại biểu, quy định như vậy là phù hợp để có thời gian cần thiết triển khai các điều kiện thực hiện đăng ký cư trú theo quy định của luật này như là triển khai rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành có nội dung quy định về sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các thủ tục có yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú, nhằm bảo đảm tính đồng bộ, phục vụ công tác thu thập cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân theo quy định của Luật Căn cước công dân.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành đã được quy định ở trong dự thảo luật ở phương án 2. Đại biểu đề nghị tích hợp nội dung này vào trong quy định của phương án 1 nhằm tạo điểm dừng pháp lý, không dùng hộ khẩu, sổ tạm trú trong các quan hệ pháp lý phát sinh mới. Như vậy, sẽ có tác động để sớm hoàn thành và đồng nhất cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú khi Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực thi hành./.

Minh Hùng