GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: SIẾT CHẶT QUY ĐỊNH VỀ ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH VÀ CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE

25/12/2020

Thực hiện Thông tư 38/2019/TT-BGTVT quy trình đào tạo, sát hạch lái xe ngày càng được cải tiến bằng áp dụng công nghệ khoa học. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này thì quy định về nội dung này trong Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cần phải có những bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Siết chặt công tác đào tạo, sát hạch lái xe

Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2009 đến năm 2019, đã xử lý 56.351.246 trường hợp vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông; tước giấy phép lái xe 3.681.528 trường hợp. Cùng với đó, đã xảy ra 326.299 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 97.721 người, bị thương 329.756 người. Trung bình mỗi năm tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người, trong đó nhiều người trong độ tuổi lao động.

“Thời gian vừa qua tình hình tai nạn giao thông vẫn hết sức phức tạp, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra gây thiệt hại nặng nề về người và phương tiện,....” - Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ cho biết.

Tai nạn giao thông gây thiệt hại nghiêm trọng về người và phương tiện

Theo Bộ Giao thông vận tải, nguyên nhân lớn nhất gây ra tai nạn giao thông đường bộ là do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường chiếm 20,51%, còn các vi phạm khác như: vi phạm tốc độ xe chạy chiếm 5,52%, lái xe sử dụng ma túy chiếm 0,04%, lái xe sử dụng rượu bia chiếm 1,46%...

Nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ chủ yếu do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông. Trong nhiều vụ tai nạn, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe gây tai nạn. Thực tế này, cho thấy chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe… vẫn còn những tồn tại. Để siết chặt công tác này, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT "Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ".

Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe

 Ông Nguyễn Đình Quân, Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe Sài Đồng – Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, theo quy định mới tại Thông tư 38/2019 TT-BGTVT, các cơ sở đào tạo lái xe phải lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết. Bên cạnh đó, trong thời gian học lý thuyết, học viên phải điểm danh bằng vân tay và nhận diện khuôn mặt để đảm bảo tham gia đầy đủ khóa học. Nếu không tham gia đầy đủ, học viên sẽ không được tham gia thi sát hạch.

Về cơ bản, các trung tâm đào tạo, cấp phép lái xe chấp hành nghiêm chỉnh Thông tư 38/2019 TT-BGTVT, áp dụng tối đa công nghệ để quản lý, giám sát vấn đề thi lý thuyết và thực hành. Các trung tâm đã đầu tư công nghệ để tổng cục kiểm tra qua hình ảnh và đã áp dụng 60 câu hỏi lý thuyết. Với việc áp dụng khoa học công nghệ đã kiểm soát được việc gian lận về điểm số hay thi hộ, do vậy nếu các học viên không nghiêm túc trong học tập sẽ không có kết quả tốt, cụ thể hiện chỉ khoảng 60% học viên đạt kết quả sau sát hạch lần một.

“Tôi đã theo học và thấy công tác tổ chức thi tương đối nghiêm túc, việc ứng dụng công nghệ vào trong quá trình thi giúp giảm sự can thiệp của con người; tránh được tiêu cực,....” - chị Ngô Phương Lan, Học viên bằng lái B2 chia sẻ.

Học viên tại Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, vấn dề đào tạo lái xe, sát hạch để cấp giấy phép lái xe được quy định cụ thể tại Điều 61. Trong đó, nểu rõ:

. Cơ sở đào tạo lái xe là loại hình cơ sở dạy nghề, phải có đủ điều kiện về lớp học, sân tập lái, xe tập lái, đội ngũ giáo viên, giáo trình, giáo án và phải được giấy cấp phép theo quy định.

. Cơ sở đào tạo lái xe phải thực hiện đúng nội dung và chương trình quy định cho từng loại, hạng giấy phép lái xe.

. Việc sát hạch để cấp giấy phép lái xe ô tô phải thực hiện tại các trung tâm sát hạch lái xe. Các trung tâm sát hạch lái xe phải được xây dựng theo quy hoạch, có đủ cơ sở vật chất - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sát hạch lái xe theo quy định.

. Người sát hạch lái xe phải có thẻ sát hạch viên theo quy định và phải chịu trách nhiệm về kết quả sát hạch của mình...

Dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi)

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 02 dự án luật, gồm: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ.

 Trong phiên thảo luận tại hội trường cũng như thảo luận tại tổ, việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 dự án luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì soạn thảo và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến không đồng tình từ phía các vị đại biểu Quốc hội.  

Đại biểu Bùi Văn Xuyền - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình 

Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, nếu tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật thì ý nghĩa của Luật này không còn đầy đủ nữa. Liệu việc quản lý trật tự an toàn giao thông do Bộ Giao thông đảm nhiệm không còn ý nghĩa nữa chăng mà thay vào đó là chỉ còn chức năng quản lý các công trình xây dựng, giao thông đơn thuần? Những nội dung, chức năng nào thuộc Bộ Giao thông Vận tải hay Bộ Công an quản lý, chịu trách nhiệm cũng rất khó vì có những điều không thể tách được. Khi đã có sự trùng lắp thì việc tổ chức thực hiện trong thực tiễn sẽ rất phức tạp và khó khăn. Ngoài ra, chi phí cho việc tổ chức triển khai, thi hành luật và phối hợp giữa các ngành sẽ gặp nhiều khó khăn, chắc chắn sẽ gặp nhiều vướng mắc.

“Tôi rất là băn khoăn trong việc chúng ta tách phạm vi điều chỉnh ra, e rằng tách ra sẽ làm mất tính tổng thể và mỗi ngành quản lý theo cách của mình, quy định theo cách của mình sẽ dẫn tới chồng chéo, tác động đến hiệu quả quản lý. Tôi cũng đồng ý với ý kiến nhiều đại biểu đã phát biểu, chúng ta vẫn có thể phân công phân định trách nhiệm của các ngành liên quan đến vấn đề này nhưng không nhất thiết phải quy định trong hai luật vẫn có thể quy định trong 1 luật nhưng phân định rõ trách nhiệm...” – Đại biểu Hoàng Thanh Tùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng nêu ý kiến.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)

Bên cạnh đó, việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Đại biểu Phùng Văn Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cho rằng, “ Nếu vì cho rằng công tác đào tạo, sát hạch còn nhiều bất cập mà chuyển đơn vị cấp phép thì chưa hợp lý. Cần làm sáng tỏ các căn cứ chuyển thẩm quyền đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông sang Bộ Công an...”

Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu về nội dung này. Tổng số đại biểu tham gia ý kiến là 414. Kết quả xin ý kiến về việc có tách thành hai luật hay không, đại biểu đồng ý là 104, tương đương 25,12% trên số phiếu và chiếm 21,62% trên tổng số đại biểu Quốc hội.

Số đại biểu không đồng ý tách luật là 302, tương đương 72,95% trên tổng số phiếu và  62,79% tổng số đại biểu Quốc hội. Không chọn phương án và ý kiến khác chủ có 20 đại biểu.

Nội dung thứ hai được nêu ra trong phiếu xin ý kiến là việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Kết quả cho thấy, có 86 phiếu chọn phương án đồng ý chuyển, chiếm 20,77% trên tổng số phiếu và 17,88% tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu chọn phương án không đồng ý chuyển cao hơn rất nhiều là 321 phiếu, chiếm 77,54% trên tổng số phiếu, tương đương 66,74% tổng số đại biểu Quốc hội.

Nhân tố con người trong công tác đào tạo, sát hạch giữ vai trò quyết định

Như vậy, từ  kết quả xin ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã quyết định không đồng ý tách Luật giao thông đường bộ thành 02 dự án luật. Vậy, tới đây Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cần tập trung sửa đổi những nội dung cơ bản nào và quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cần quy định theo hướng như thế nào để đảm bảo chất lượng? Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về vấn đề này:

- Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: "Vấn đề nào xã hội hóa được thì ta xã hội hóa, lái xe là một nghề nên để trường nghề hoặc Bộ Giao thông giảng dạy, cấp bằng chứ lực lượng vũ trang dạy là không phù hợp. Cơ sở vật chất hiện nay của Bộ Giao thông vẫn đang đáp ứng yêu cầu đào tạo, sát hạch. Mặc dù hiện nay có hạn chế, nhưng vấn đề đặt ra là phải tìm ra bất cập, vướng mắc ở đâu  để sửa đổi, bổ sung trong luật Giao thông đường bộ và khắc phục kịp thời trong thực tế thực thi. Trong công tác này cần sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa bộ Giao thông vận tải và bộ Công an để nâng cao hiệu quả".

 Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

- Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: "Câu chuyện bất cập nhất trong đào tạo, sát hạch là vấn đề chất lượng đào tạo và trách nhiệm trong việc thi sát hạch cấp giấy phép lái xe vừa rồi. Tôi là một trong số những đại biểu không đồng tình việc tách luật nhưng tôi lại đồng ý việc nên luật hóa quy định trong thành phần của Hội đồng thi sát hạch cấp giấy phép lái xe. Hiện nay mới được quy định ở Nghị định giờ ta luật hóa quy định có thêm thành phần bắt buộc đó là đại diện của lực lượng công an. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa câu chuyện lớn nhất ở đây vẫn là yếu tố con người. Luật có chặt chẽ đến mấy nhưng con người thực thi không nghiêm túc thì luật cũng sẽ giảm giá trị. Vì vậy, thực hiện tốt việc kiểm soát hoạt động cấp giấy phép lái xe đó là việc cần thiết để nâng cao chất lượng".

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

- Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: "Công tác đào tạo, sát hạch thời gian qua mặc dù đã được siết chặt nhưng vẫn có những bất cập dẫn đến chất lượng chưa thực sự như mong muốn. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo chất lượng đào tạo, cấp bằng đòi hỏi trong quy định tại Luật sửa đổi cần hướng mục tiêu đảm bảo tính công khai, minh bạch, chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác này. Bên cạnh đó, phải đặc biệt chú trọng đến nhân tố con người, cán bộ trong thực hiện đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe. Bởi dù có cơ quan, đơn vị nào quản lý đi chăng nữa là người thực hiện không công minh, đúng quy định thì không thể đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, cấp bằng".

Công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Năm 1995, công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe được chuyển giao về Bộ giao thông vận tải. 25 năm qua, kể từ khi tiếp nhận nhiệm vụ công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe có nhiều thay đổi từ quy trình quản lý, chương trình học đến hạ tầng cơ sở...Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo chất lượng đào tạo, cấp bằng đòi hỏi trong quy định tại Luật sửa đổi cần hướng mục tiêu đảm bảo tính công khai, minh bạch, chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác này./.

Lê Anh