ĐBQH NGUYỄN TẠO GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT CƯ TRÚ (SỬA ĐỔI)

30/12/2020

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị xem xét, rà soát lại để quy định bổ sung cho đầy đủ hơn các đối tượng, tránh trường hợp quá nhấn mạnh về quan hệ huyết thống, thừa kế mà bỏ sót các đối tượng cần được quy định.

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng bày tỏ sự thống nhất cao với nhiều nội dung đã được các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình và các ý kiến đóng góp tại kỳ họp Quốc hội thứ 9 vừa qua. Để góp phần hoàn thiện dự án luật, qua thực tiễn khảo sát và theo dõi tình hình quản lý cư trú ở địa phương, đại biểu đóng góp một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, về nơi cư trú và quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú ở Điều 19, theo đại biểu, đây là một nội dung hết sức quan trọng trong phạm vi điều chỉnh cơ bản của Luật Cư trú lần này. Đại biểu đánh giá cao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khi Ủy ban đã chuyển ý kiến của cử tri, của Đoàn đại biểu Quốc hội đến Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý dự án luật về quy định quản lý cư trú đối với những người di cư tự phát, với hàng chục nghìn hộ dân di cư tự phát chưa được đăng ký hộ khẩu đang từng ngày mong chờ sự đổi thay về quản lý cư trú của dự án luật lần này để họ được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các quy định nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú tại Điều 19 vẫn còn chưa rõ ràng. Nội dung của khoản 1 điều này còn chưa thống nhất với khái niệm về cư trú tại khoản 3 Điều 2 của dự thảo luật, “cư trú là việc công dân sinh sống tại chỗ ở hợp pháp thuộc đơn vị hành chính cấp xã dưới hình thức thường, trú tạm trú”. Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 19 lại quy định “nơi cư trú của người không có chỗ hợp pháp hoặc có chỗ ở hợp pháp nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là nơi ở hiện tại mà người đó đang sinh sống. Trường hợp không có chỗ ở cụ thể thì nơi hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống”. Việc quy định như vậy là vướng mắc về thủ tục pháp lý để xác định thế nào là chỗ ở hợp pháp, chưa thể giải quyết vấn đề đăng ký hộ khẩu của hàng chục nghìn hộ dân di cư tự phát nói trên.

Theo đại biểu, việc áp dụng các quy định pháp luật về chỗ ở hợp pháp đang là rào cản lớn, gây khó khăn trong việc giải quyết đăng ký cư trú cho công dân, trong đó có các hộ di dân tự do, tự phát trong thời gian vừa qua đã ở, cư trú hoặc sinh sống ổn định hơn 20 năm tại các khu vực dân cư chưa được công nhận hoặc chưa được quy hoạch. Mặt khác, việc chỉnh lý Điều 19 nhưng vẫn giữ quy định về địa điểm không được đăng ký thường trú mới tại Điều 24 của dự thảo luật thì cơ hội được đăng ký cư trú của những trường hợp này gần như là không thể được. Chưa kể, các hộ dân này đã đi khỏi nơi thường trú từ lâu, qua nhiều thế hệ, không còn các giấy tờ về hộ tịch như: Khai sinh, chứng minh nhân dân, v.v. không có hộ khẩu gốc, không xác định được nguồn gốc nơi đến, đặc biệt là thế hệ sinh từ những năm 1990 đến nay thì việc đăng ký hộ tịch, hộ khẩu lại càng khó khăn hơn.

Nhằm tháo gỡ rào cản này, tạo cơ hội để các hộ dân di cư tự do được đăng ký cư trú, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị cần nghiên cứu quy định rõ hơn trong dự thảo luật lần này về trường hợp các hộ dân di cư tự phát đang định canh, định cư ổn định tại những khu vực trong quy hoạch đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì coi đó là chỗ ở hợp pháp để đăng ký cư trú theo luật quy định.

Về thủ tục đăng ký tạm trú được quy định tại Điều 28 của dự thảo, đại biểu bày tỏ quan điểm tán thành với loại ý kiến thứ hai như quy định trong dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ chín là không quy định về thời hạn tạm trú để giảm bớt thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân trong quá trình thực hiện quyền cư trú. Theo đại biểu, việc quy định thời hạn tạm trú tối đa là 2 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần là không cần thiết trong điều kiện về quản lý cư trú mới với các biến động thường xuyên đều được quản lý thông qua biện pháp nghiệp vụ và thông qua thông tin khai báo và mạng lưới ứng dụng khoa học công nghệ thông tin và được đăng ký trên cơ sở dữ liệu về cư trú.

Về việc quy định chuyển tiếp, quy định ở khoản 3 Điều 38 với một điều kiện thực tế hiện nay, qua khảo sát ở địa phương và các địa bàn thì công tác chuẩn bị về nhân lực một là đào tạo huấn luyện nghiệp vụ, hai là công tác về vật lực đó là điều kiện phương tiện kỹ thuật, ba là phải điều chỉnh các quan hệ pháp luật mang tính đồng bộ hơn trong hệ thống và tích hợp với hệ thống pháp luật ở trong hệ thống, ví dụ như quan hệ pháp luật về hành chính, về dân sự và quan hệ pháp luật về đất đai, v.v.. Do đó, đại biểu bày tỏ sự tán thành cao đối với phương án 1, quy định về sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31/12/2022, phương án 1 này sẽ mang tính khả thi rất là cao.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để quy định mọi thông tin cư trú chỉ cần được cập nhật vào cơ sở dữ liệu về cư trú mà không cần thiết phải quy định cập nhật vào cơ sở dữ liệu dân cư. Bởi vì, khoản 4 Điều 2 của dự thảo đã quy định cơ sở dữ liệu về cư trú là cơ sở dữ liệu chuyên ngành tập hợp thông tin về cư trú của công dân Việt Nam.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị xem xét, rà soát lại để quy định bổ sung cho đầy đủ hơn các đối tượng, tránh trường hợp quá nhấn mạnh về quan hệ huyết thống, thừa kế mà bỏ sót các đối tượng cần được quy định. Chẳng hạn, như quy định tại khoản 2 Điều 20, về điều kiện đăng ký thường trú đó là công dân được đăng ký thường trú vào chỗ hợp pháp, không thuộc quyền sở hữu của mình thì được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp vợ về với chồng, chồng về với vợ. Tuy nhiên, trong thực tế, có những trường hợp 1 trong 2 bên, vợ hoặc chồng mất hoặc khi cha chồng, mẹ chồng hoặc cha vợ, mẹ vợ về ở với con dâu, con rể lại không được liệt kê trong quy định này. Theo đại biểu, đây là một sự bất cập, cần được bổ sung cho chặt chẽ và hoàn thiện hơn./.

Minh Hùng