Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Huỳnh Thanh Phương nhận định, năm 2020 là năm có nhiều biến động lớn, gây nhiều khó khăn và thách thức cho thế giới và trong nước. Ngay từ những tháng đầu năm đại dịch COVID-19 bùng phát, với tốc độ lây lan nhanh chóng, sức tàn phá lớn, vượt xa tính toán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; kinh tế thế giới suy giảm, cạnh tranh nước lớn cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, bảo hộ và nhiều chính sách mới khắt khe hơn về chất lượng hàng hóa, rào cản kỹ thuật, thuế quan và phi thuế quan, dẫn đến nhiều khó khăn đối với nước ta trong tiếp cận thị trường thế giới.
Trong khi đó, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, tăng trưởng dựa vào xuất khẩu du lịch và dịch vụ là chủ yếu. Bên cạnh đó, tình hình hạn hán, xâm ngập mặn khốc liệt ở đồng bằng sông Cửu Long. Một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, nhất là gần đây nhiều địa phương miền Trung bị thiệt hại nặng nề về người và của do bão lũ, sạt lở đất gây ra nghiêm trọng.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Do tác động của đại dịch COVID-19, nhiều hoạt động văn hóa, xã hội bị ngừng hoãn, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nặng nhất là các ngành công nghiệp, dịch vụ và du lịch v.v.. Trước những khó khăn, thách thức như trên, nhưng với sự vào cuộc kịp thời, những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự đồng lòng hỗ trợ, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nước ta đã thành công xuất sắc trong phòng, chống dịch COVID-19 cả 2 đợt cao điểm bùng phát dịch đã được khống chế một cách hiệu quả, được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế tin tưởng, đánh giá cao. Ngân hàng Thế giới đã thừa nhận Việt Nam là một ngôi sao sáng trong bối cảnh ảm đạm vì COVID-19.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương nhận định, từ thành công trong phòng, chống đại dịch COVID-19 đã tác động tích cực to lớn đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài, huy động các nguồn lực trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Tính đến hết quý III, tăng trưởng kinh tế đạt trên 2%, ước cả năm đạt từ 2-3% GDP, 8/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch do Quốc hội giao, thu hút FDI đạt 21 tỷ USD, xuất siêu đạt 17 tỷ USD, tăng thêm dự trữ ngoại hối, đưa tổng mức dự trữ ngoại hối lên đến gần 100 tỷ USD. Các chỉ số về vĩ mô khác như: Chỉ số giá cả tiêu dùng, thu chi ngân sách, doanh số bán lẻ, chỉ số việc làm, chỉ số thất nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công, số doanh nghiệp mới được thành lập, v.v. tuy có bị sụt giảm, song nhìn chung vẫn giữ được ở mức khá an toàn, đời sống nhân dân được cơ bản cải thiện, nhiều mặt có bước tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo. Nhìn ra các nước trong khu vực và trên thế giới mới thấy được thành tựu lớn lao của nước ta trong thời điểm hiện nay.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương nhấn mạnh, năm 2021 Việt Nam tiếp tục đối mặt với những khó khăn do đại dịch COVID-19, đặc biệt là khi các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh, các ngành sản xuất truyền thống như: Dệt may, da giày, dịch vụ, du lịch và bán lẻ vẫn đối mặt với nguy cơ suy giảm sản xuất do chuỗi cung ứng và tiêu thụ chưa được phục hồi, những yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa được giải quyết, những rủi ro phi truyền thống tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dưới nhiều hình thức và mức độ ngày càng khó lường. Tuy còn nhiều yếu tố bất định nhưng nhìn chung, Việt Nam trong năm 2021 có nhiều tiến triển khả quan hơn nhờ vào sự phục hồi của thế giới sau đại dịch COVID-19. Tận dụng các cơ hội mang lại của Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, thị trường và niềm tin của người tiêu dùng trong nước được phục hồi mạnh mẽ, các giải pháp đẩy nhanh vốn đầu tư công đã phát huy được tác dụng, v.v..
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề xuất 3 giải pháp nhằm tiếp tục đưa đất nước phát triển trong năm 2021. Đó là tiếp tục tăng cường mạnh mẽ sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hiệu lực của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và toàn dân. Bởi kinh nghiệm thời gian qua cho thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chín trị, sự phối hợp nhịp nhàng, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các địa phương được phát huy, mọi khó khăn sẽ được đẩy lùi, mọi cơ hội sẽ được tận dụng hoàn thành mục tiêu đề ra. Cần kiên quyết đấu tranh loại bỏ tình trạng thiếu hợp tác, đùn đẩy trách nhiệm, thuận lợi thì làm, khó khăn thì lùi bước, loại bỏ tình trạng lợi ích nhóm, căn bệnh hình thức cá nhân cục bộ, tìm cách lách luật, các chủ trương, chính sách, v.v. đã và đang làm cản trở quá trình thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Giải pháp thứ hai là quy hoạch một cách khoa học và quản lý chặt chẽ đối với lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi vật nuôi, cây trồng theo hướng chung sống với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, chất lượng sản phẩm cao. Tuy việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của nông nghiệp không giống như công nghiệp và dịch vụ, song hoàn cảnh đất nước có nguy cơ bị đe dọa và thị trường thế giới bị thu hẹp, đóng cửa thì sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển đảm bảo an ninh lương thực trong nước và duy trì xuất khẩu nông sản. Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng điều này không chỉ khẳng định vai trò nông nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, mà còn chứng tỏ nông nghiệp là trụ đỡ đặc biệt quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo nhu cầu thiết yếu của toàn xã hội. Bởi vậy, phải quy hoạch một cách khoa học và quản lý chặt chẽ quy hoạch đất nông nghiệp, quan tâm đúng mức đến chất lượng, hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng nông sản của hàng hóa. Phát triển nông nghiệp phải gắn chặt với phát triển công nghiệp, tạo thành hệ thống bổ sung tương hỗ lẫn nhau, cùng nhau phát triển.
Tiếp tục nghiên cứu để chuyển đổi những diện tích thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai, hạn hán, ngập mặn sang nuôi trồng thủy, sản xuất các loại cây hàng hóa khác. Đầu tư nghiên cứu các bộ giống thích ứng với biến đổi khí hậu, giá trị kinh tế cao. Thúc đẩy hợp tác phát triển hợp tác xã, tích tụ ruộng đất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp xanh hữu cơ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế, mang lại giá trị kinh tế cao cho ngành nông nghiệp.
Giải pháp thứ ba được đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề xuất là thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, đi liền với cải cách thể chế, khơi thông thị trường trong nước và quốc tế. Hỗ trợ về vốn hiện nay đã có nhiều chủ trương, tuy nhiên cần phải xác định đúng về nhu cầu của thị trường, về loạt sản phẩm hàng hóa do doanh nghiệp tạo ra để hỗ trợ doanh nghiệp một cách thích hợp, đảm bảo cho đồng vốn đi đúng chỗ, phát huy hiệu quả, tránh tình trạng cào bằng, hỗ trợ đầu vào nhưng không tương ứng đầu ra gây ra tình trạng nợ xấu.
Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Thanh Phương nhận định, tình trạng bó hẹp của thể chế với sự phát triển vẫn còn tồn tại, đồng thời chỉ rõ: nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, song có thể nói chủ yếu là do hạn chế từ bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý, tình trạng vô cảm của một số cán bộ, sức ỳ của một số địa phương, v.v. đã góp phần làm cho tiến trình giải quyết các thủ tục pháp lý diễn ra một cách chậm chạp, làm mất cơ hội trong đầu tư và phát triển. Đại biểu cho rằng nên cần có biện pháp nhanh chóng khắc phục tình trạng này, đảm bảo cho cơ chế thông thoáng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Về thị trường, đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng cần phát huy tốt cơ hội trong hội nhập sâu rộng hiện nay của nước ta để khơi thông thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời, trong cuộc đại dịch COVID-19 ở nước ta cũng cho thấy sức mua của thị trường trong nước khá cao. Các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu tận dụng phát triển tốt thị trường trong nước với gần 100 triệu dân. Người sản xuất cả trong nông nghiệp và công nghiệp cần phải nhìn nhận một cách thỏa đáng hơn về nhu cầu, chất lượng hàng hóa, khả năng thanh toán, nhu cầu về phương thức thanh toán, giao dịch thương mại của người Việt Nam đối với hàng Việt Nam để có chiến lược sản xuất kinh doanh hợp lý.