ĐẠI BIỂU NGUYỄN MẠNH CƯỜNG – ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG BÌNH: CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC RÀ SOÁT HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

26/10/2023

Phát biểu về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15, trong phiên thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Tiền Giang vào sáng 24/10, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường đánh giá cao nỗ lực trong thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời cũng cho biết còn một số tồn tại, hạn chế chưa được đề cập và phân tích rõ, cần tiếp tục rà soát để có đánh giá và đề ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: KẾT QUẢ RÀ SOÁT HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐÃ GIẢI ĐÁP NHIỀU VẤN ĐỀ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu trong phiên thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Tiền Giang

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nêu rõ thời gian qua, trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật, một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã có những kiến nghị về vướng mắc, bất cập trong thực thi pháp luật. Nhiều đoàn kiểm tra, giám sát của Đảng, Nhà nước, qua xử lý các vụ án, vụ việc cũng đã có những kiến nghị khắc phục sự thiếu thống nhất, chồng chéo, mâu thuẫn có thể bị lợi dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật. 

Đặc biệt, gần đây nhiều nghị quyết của Đảng, nhất là của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã yêu cầu phải tăng cường rà soát hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập. Nếu hệ thống pháp luật mà bất cập, chồng chéo sẽ không chỉ làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước mà còn gây khó khăn cho thực hiện, ảnh hưởng đến quyền công dân, gây ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, hệ thống pháp luật bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ ràng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm không dám làm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, với bối cảnh như vậy, việc Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 đã giao cho Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành rà soát hệ thống pháp luật là một yêu cầu rất quan trọng. Mặc dù rà soát hệ thống pháp luật là công việc thường xuyên nhưng đây là lần đầu tiên Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát để báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp. Điều này sẽ góp phần chấn chỉnh, nâng cao chất lượng không chỉ hoạt động xây dựng pháp luật mà còn cả hoạt động rà soát hệ thống pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường ghi nhận từ Kỳ họp thứ 5 cho đến nay, với một thời gian rất ngắn nhưng với sự vào cuộc rất tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, với sự tham gia rất tích cực của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Chính phủ đã hoàn thành một báo cáo rất quan trọng bước đầu để báo cáo Quốc hội về kết quả rà soát hệ thống pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan, tán thành với nhiều đánh giá, kiến nghị, giải pháp được đề ra trong báo cáo, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường lưu ý phải đánh giá một cách thận trọng nhiều chiều và phải làm rõ những quy định nào của pháp luật có khó khăn, vướng mắc là do tổ chức thực hiện hay là do bản thân quy định của pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng báo cáo của Chính phủ phải chỉ ra được những hạn chế, bất cập chủ yếu của hệ thống pháp luật chứ không chỉ đơn thuần là nêu các văn bản có nội dung còn bất cập, hạn chế. Phải chỉ rõ đầy đủ những hạn chế, bất cập thì mới có những giải pháp khắc phục triệt để.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật hiện nay.

Thứ nhất, thể chế hóa chủ trương của Đảng có trường hợp còn chậm, thể chế hóa chưa kịp thời hoặc chưa đầy đủ, nghị quyết của Đảng ban hành rồi nhưng một thời gian sau mới thể chế hóa được.

Thứ hai, việc chậm nợ ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn còn, kể cả văn bản của trung ương và văn bản của địa phương.

Thứ ba, chất lượng một số văn bản chưa đảm bảo, thiếu tính khả thi, còn có sơ hở, bất cập, không phù hợp với thực tiễn, chồng chéo, mâu thuẫn. Nhiều trường hợp mới ban hành phải ngưng hiệu lực thi hành hoặc sửa đổi, bổ sung. Có thông tư mới ban hành đã phát hiện ra những sơ hở, bất cập.

Thứ tư, một số văn bản trái quy định của pháp luật về cả thẩm quyền ban hành, hình thức văn bản, thời điểm có hiệu lực, trái cả văn bản cấp trên về nội dung. Có văn bản hướng dẫn thi hành nhưng thêm các điều kiện thủ tục so với văn bản gốc, ban hành các thủ tục hành chính không thuộc trường hợp được giao, đặt ra thêm thủ tục hành chính hoặc đặt ra các quy định không có đủ cơ sở pháp lý, không phù hợp.

Thứ năm, còn có những hạn chế trong tuân thủ trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Như hạn chế trong chất lượng tổng kết việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật, các báo cáo đánh giá tác động còn hình thức, việc tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan trong nhiều trường hợp còn chưa thỏa đáng, chưa thấu đáo…

Xuất hiện tình trạng hơi lạm dụng việc ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn mà không có căn cứ rõ ràng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì khi mà ban hành pháp luật theo trình tự thủ tục rút gọn, cơ quan ban hành có quyền không thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thậm chí không phải tổng kết, không phải đánh giá tác động, không phải lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Do vậy việc lạm dụng việc ban hành văn bản theo trình tự thủ tục rút gọn tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm chất lượng văn bản.

Những hạn chế trên chưa được đề cập trong báo cáo của Chính phủ. Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần phải nhìn nhận rõ, phải đánh giá rõ những hạn chế.

Bên cạnh đó, do thời gian rất gấp, khối lượng rà soát rất lớn nên bên cạnh những kết quả đạt được trong nhiều trường hợp chất lượng rà soát còn hạn chế. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, trong số 22 lĩnh vực yêu cầu tập trung rà soát, báo cáo kết quả rà soát nêu rõ lĩnh vực quy hoạch hoàn toàn không phát hiện ra hạn chế, bất cập. Tuy nhiên thực tiễn ngay khi chúng ta ban hành xong Luật Quy hoạch năm 2017 triển khai thực hiện đã vướng mắc từ việc lập quy hoạch…Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng có thể do cách làm hiện nay là giao cho các bộ, ngành, bộ, ngành cùng rà soát rồi chuyển cho Bộ Tư pháp để tổng hợp. Khi đó nếu các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức tới công tác rà soát thì chất lượng kết quả rà soát sẽ hạn chế.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, hệ thống pháp luật còn có bất cập như trên là do một số nguyên nhân.

Một là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành rà soát văn bản một cách thường xuyên chưa thực sự được chú trọng.

Hai là, các hoạt động kiểm tra văn bản vẫn chưa đạt yêu cầu, kể cả giám sát văn bản của các cơ quan Quốc hội. Qua các hoạt động giám sát văn bản của cơ quan Quốc hội cũng nhận thấy một trong những điểm yếu của giám sát văn bản là chưa dành được thời gian thích đáng cho công tác giám sát việc ban hành văn bản. Chủ yếu mới giám sát về hình thức văn bản, về tiến độ, thời gian thực hiện văn bản còn việc giám sát cụ thể về mặt nội dung văn bản để phát hiện được mâu thuẫn giữa các văn bản là chưa có nhiều thời gian để đi sâu.

Ba là, sự phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động rà soát văn bản chưa có sự chặt chẽ. 

Bốn là, kinh phí, bộ máy biên chế và năng lực của cán bộ thực hiện công tác rà soát văn bản còn hạn chế. Rà soát hệ thống văn bản đòi hỏi kinh phí rất lớn nhưng nguồn kinh phí cho hoạt động này cũng rất hạn chế. Không có bộ máy, biên chế chuyên để làm những công việc này và năng lực của cán bộ thực hiện nhiệm vụ công tác rà soát này còn hạn chế. Việc đọc văn bản để phát hiện ra văn bản này trái một bản khác là công việc rất khó, đòi hỏi chuyên môn rất sâu, đòi hỏi tập trung thời gian rất nhiều mới có thể làm được. Tất cả những vấn đề trên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh những vấn đề nêu trên, kể cả về hạn chế, nguyên nhân, phải làm rõ được trong báo cáo của Chính phủ thì mới có thể đề ra được các giải pháp khắc phục, chấn chỉnh được tình trạng bất cập của hệ thống pháp luật hiện nay./.

Bảo Yến

Các bài viết khác