ĐBQH NGUYỄN QUANG HUÂN: NÊN TÍNH GIÁ NƯỚC THEO CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG NHƯNG CÓ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TRỰC TIẾP CHO NGƯỜI NGHÈO

26/10/2023

Đóng góp vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nêu quan điểm: Thay vì trợ giá nước một cách đồng đều thì chúng ta nên tính giá nước theo cơ chế thị trường nhưng có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo để đảm bảo đủ nguồn nước sạch sinh hoạt...

QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ THẢO LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

DỰ THẢO LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI): ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG CƠ SỞ DỮ LIỆU TÀI NGUYÊN NƯỚC

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). 

Thực hiện kỳ họp thứ 6, sáng 26/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng nhằm thể chế và cụ thể hóa đầy dù quan điểm, chính sách của Đảng trong toàn bộ dự thảo Luật, quan trọng nhất là Kết luận 36 của Trung ương về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể hóa và bám sát vào 4 chính sách lớn đã được Chính phủ trình theo tờ trình số 162 và được Quốc hội thống nhất bao gồm: bảo đảm an ninh nguồn nước; kinh tế nước, xã hội hóa ngành nước và bảo vệ, phòng chống tác hại do nước gây ra.

Để hiểu rõ hơn về dự án Luật này, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

Phóng viên: Tại kỳ họp này, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đại biểu có thể cho biết về những nội dung, vấn đề trọng tâm nào cần thiết, kịp thời phải sửa đổi để có thể áp dụng hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống?

ĐBQH Nguyễn Quang Huân: Trong dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), tôi nhận thấy có 3 vấn đề nên tập trung xem xét. Thứ nhất là phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Chúng ta phải xác định rõ xem là trong Luật này điều chỉnh những gì, phạm vi của nó tới đâu chứ không nên lan man đưa ra nhiều nội dung vò luật quá. Theo tôi, chúng ta phải bám vào Kết luận 36 của Bộ Chính trị về an ninh nguồn nước để đảm bảo được an ninh nguồn nước là nhiệm vụ quan trọng nhất. Còn việc sử dụng nguồn nước như thế nào thì chúng ta cần tính toán, điều chỉnh sau.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

Thứ hai, những nội dung nào còn có ý kiến khác nhau thì không nên đưa vào trong Luật. Ngoài ra là việc xác định phạm vi, trách nhiệm của từng Bộ ngành để không bị chồng chéo.

Thứ ba, khi chúng ta xác định được chủ thể của Luật này thì cần xác định tên luật. Theo tôi, nên đổi Luật Tài nguyên nước thành Luật Quản lý nguồn nước.

Phóng viên: Thưa đại biểu, hiện nay chưa có chính sách, quy định cụ thể tính toán giá trị của tài nguyên nước nên các đơn vị, doanh nghiệp chưa tính toán đủ giá thành sản phẩm, chưa xác định chính xác hiệu quả sử dụng nước dẫn đến việc  tính thiếu, tính không đủ. Cũng vì chưa có chính sách, quy định cụ thể giá trị của tài nguyên nước nên vẫn còn tình trạng sử dụng nước không tiết kiệm, gây lãng phí và gây thất thu ngân sách cũng như không kêu gọi được việc xã hội hóa trong ngành nước. Quan điểm và giải pháp của đại biểu về vấn đề trên như thế nào khi sửa đổi Luật Tài nguyên nước?

ĐBQH Nguyễn Quang Huân: Tôi cũng đồng ý với câu chuyện là hiện nay, chúng ta không tính đúng, tính đủ giá trị của tài nguyên nước nên kinh tế thị trường chưa được vận hành đúng, giá nước hiện nay còn thấp so với thực tế. Ví dụ như việc sử dụng nước dành cho nông nghiệp, thủy lợi nếu mà chúng ta tính đầy đủ thì có thể làm cho giá thành sản xuất nông nghiệp cao hơn. Nếu chúng ta không tính đúng, tính đủ thì việc sử dụng nước tràn lan, không tiết kiệm vẫn diễn ra. Cho nên, việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước phải đưa ra khung chế tài, xử phạt rõ ràng.

Cần có chính sách hỗ trợ người nghèo được đảm bảo về nguồn nước sạch sinh hoạt (ảnh minh họa: Internet).

Về việc tính giá nước dùng cho sinh hoạt còn rất thấp nên ngành Nước khó phát triển. Còn nếu chúng ta đưa ra bảng giá cao quá nhưng không có chính sách trợ giá cho người nghèo thì họ sẽ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước sạch sinh hoạt. Vì vậy, chúng ta cần phải tính toán chính sách hỗ trợ đối tượng này.

Theo tôi, thay vì trợ giá nước một cách đồng đều thì chúng ta nên tính giá nước theo cơ chế thị trường nhưng có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo để đảm bảo đủ nguồn nước sạch sinh hoạt.

Phóng viên: Thưa đại biểu, việc đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt cho người dân được cả xã hội quan tâm, đặc biệt là những vùng miền khó khăn, đời sống của nhân dân còn thấp, đặc biệt là vào những mùa mưa hay là những vào những thời điểm mà người dân phải sử dụng nhiều. Đại biểu có thể cho biết các giải pháp hữu hiệu để đảm bảo nguồn nước sạch bền vững phục vụ cho người dân?

ĐBQH Nguyễn Quang Huân: Theo tôi, việc cấp bách hiện nay nhất là chúng ta phải lập được cái bản đồ về nguồn nước toàn quốc theo mùa. Năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có kế hoạch khảo sát để lấy được số liệu thống kế về nước. Tuy nhiên, bản đồ cụ thể thế nào thì chúng ta chưa nêu ra được. Ví dụ  như vùng đồng bằng sông Hồng chẳng hạn, mùa khô có trữ lượng nước mặt là bao nhiêu, nước ngầm bao nhiêu. Ở vùng miền núi phía Bắc thì như thế nào?

Khi có bản đồ tổng thể, chúng ta sẽ có quy hoạch dân về dân cư. Những khu vực nào cạn kiệt nguồn nước hoặc đã bị ô nhiễm thì địa phương cũng phải có kế hoạch di dời dân hoặc là truyền thông cho Nhân dân để có kế hoạch, tránh tình trạng nhiều nơi bị thiếu nước trầm trọng. Ngoài ra, khi có bản đồ tổng thể, chúng ta có kế hoạch cấp nước hoặc khai thông dòng chảy ở nơi thiếu nước như đưa nước từ chỗ nhiều sang chỗ ít. Việc làm này cũng cần có sự đánh giá về tác động môi trường một cách cẩn thận từ địa chất, thủy văn, khí hậu và các giải pháp tổng hòa nhằm tránh ảnh hưởng tới dòng chảy ở các lưu vực sông khác. Khi đó, chúng ta sẽ tính toán được giải pháp cấp nước hữu hiệu cho người dân ở cả khu vực đô thị và nông thôn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

Các bài viết khác