ĐBQH BẾ MINH ĐỨC: CẦN CỤ THỂ HÓA TIÊU CHÍ “NGƯỜI CÓ THU NHẬP THẤP”

26/10/2023

Phát biểu góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Bế Minh Đức – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đề nghị cần cụ thể hóa tiêu chí “người có thu nhập thấp” đối với từng đối tượng cụ thể, để bảo đảm chính xác, bao quát và công bằng đối với mọi đối tượng được hưởng chính sách, và có quy định các hình thức hỗ trợ phù hợp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 26/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ THẢO LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)

Cơ bản nhất trí với dự thảo Luật và báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, để tiếp tục góp phần hoàn thiện dự thảo Luật trước khi được Quốc hội thông qua, về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (quy định tại Điều 76) đại biểu Bế Minh Đức cho rằng, dự thảo Luật quy định có 12 loại đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (NƠXH). NƠXH cho người có thu nhập thấp là mục tiêu định hướng chính sách cũng là tiêu chí quan trọng nhất trong việc xác định đối tượng được hưởng chính sách NƠXH của Đảng và Nhà nước ta. Ngày 03/4/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng NƠXH cho người thu nhập thấp. Mục tiêu của đề án là đến năm 2030 xây dựng được một triệu căn NƠXH (trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn). Căn cứ vào những định hướng chính sách của Đề án nói trên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Cao Bằng cho rằng, quy định như Điều 76 là chưa hoàn toàn phù hợp, chưa xác định rõ và đầy đủ đối tượng được hưởng chính sách, trong đó chính sách hỗ trợ quan trọng nhất là cho người có thu nhập thấp.

Đại biểu Bế Minh Đức – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Tuy nhiên, hiện nay việc xác định thế nào là người có thu nhập thấp chưa được quy định cụ thể; do đó đại biểu đề nghị cần cụ thể hóa tiêu chí “người có thu nhập thấp” đối với từng đối tượng cụ thể, để bảo đảm chính xác, bao quát và công bằng đối với mọi đối tượng được hưởng chính sách, và có quy định các hình thức hỗ trợ phù hợp. Thực tế, thời gian qua, khi triển khai các chương trình MTQG các địa phương đã vướng nội dung này.

Cần mở rộng hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội

Với đối tượng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 76“hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn”, “Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu” hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về NƠXH theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 77 là được tặng cho, hỗ trợ theo chương trình mục tiêu quốc gia hoặc chương trình đầu tư công về nhà ở. Tuy nhiên trên thực tế, nhóm đối tượng này có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn nhưng không được mua, thuê, thuê mua NƠXH.

Để góp phần giải quyết nhu cầu hỗ trợ nhà ở khu vực nông thôn còn rất lớn hiện nay, vừa qua, các địa phương đã triển khai 02 Chương trình mục tiêu quốc gia có nội dung hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khó khăn là: (1) Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và (2) Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, phạm vi triển khai thực hiện của 02 Chương trình mục tiêu này không bao phủ khắp cả nước mà chỉ thực hiện hỗ trợ đối với hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí được phê duyệt còn hạn chế, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở lớn nên độ bao phủ của các chương trình mục tiêu này đối với các đối tượng thụ hưởng của chương trình vẫn chưa được hết. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung nhóm đối tượng tại khoản 2,  khoản 3 Điều 76 được mua, thuê, thuê mua NƠXH để đảm bảo tính khả thi của quy định.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp toàn thể chiều 26/10 tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (quy định tại Điều 78)

Tại điểm a, điều 78 đại biểu đề nghị xem xét lại điều kiện “chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức”. Thực tế hiện nay, còn rất nhiều trường hợp đã được hỗ trợ theo các Chương trình, chính sách khác từ lâu (như Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004, Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ...), số tiền hỗ trợ không lớn (từ 5 - 7 triệu đồng). Tuy nhiên, hiện nay các hộ gia đình này vẫn thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, nhà ở đã xuống cấp, không đảm bảo điều kiện về nhà ở, có nhu cầu được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH để đảm bảo cuộc sống; trong khi đó, tại khoản 7, điều 2 – về Giải thích từ ngữ, dự thảo Luật quy định “ Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định của Luật này”. Do đó, việc quy định điều kiện cụ thể như trên trong dự thảo Luật sẽ không đảm bảo sự tiếp cận của nhiều đối tượng đối với chính sách hỗ trợ về nhà ở trong giai đoạn hiện nay cũng như sau này.

Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng tham dự phiên thảo luận.

Về hình thức phát triển nhà ở xã hội ( quy định tại Điều 80)

Đại biểu Bế Minh Đức đánh giá cao phương án 1 như dự thảo đề xuất. Theo đại biểu thì hiện nay, nhu cầu về nhà ở cho công nhân rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng của Nhà nước còn hạn chế, doanh nghiệp chưa mặn mà với NƠXH nói chung, thì rất cần thiết phải thiết kế một quy định có khả năng thu hút và giải phóng nguồn lực để huy động mọi lực lượng xã hội, trong đó có Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tham gia là cơ quan chủ quản xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách NƠXH thuê. Nhà nước cần tạo cơ chế để Công đoàn tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò, thể hiện những ưu việt, thế mạnh trong thu hút, tập hợp người lao động và gắn bó mật thiết với đoàn viên.

Song Anh

Các bài viết khác