ĐBQH NGUYỄN PHÚ HÀ: CẦN LÀM RÕ CÁC HÌNH THỨC ĐẦU TƯ KHÁC TRONG XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ

10/11/2023

Góp y về dự án Luật Đường bộ, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đề nghị làm rõ các hình thức đầu tư khác trong quy định về đầu tư xây dựng công trình đường bộ để bảo đảm tính khả thi khi tổ chức thực hiện

GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: TRAO ĐỔI VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA DỰ ÁN LUẬT ĐƯỜNG BỘ

THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT ĐƯỜNG BỘ: TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐẦY ĐỦ VỀ HOẠT ĐỘNG GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ, BẢO ĐẢM TỐT HƠN QUYỀN TỰ DO ĐI LẠI CỦA CÔNG DÂN

Tại điều 32 của dự thảo Luật Đường bộ quy định về các hình thức đầu tư xây dựng công trình đường bộ, khoản 1 Điều 32 dẫn chiếu áp dụng pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các hình thức đầu tư khác. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, phương thức đầu tư khác chưa thể hiện rõ là phương thức nào? Đại biểu Nguyễn Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình chia sẻ quan điểm:

Đại biểu Nguyễn Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách QH, đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình

Phóng viên: Thưa bà, Tại điều 32 của dự thảo Luật Đường bộ có quy định về các hình thức đầu tư khác xây dựng công trình đường bộ. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, trong hoạt động đầu tư kết cấu hạ tầng có 03 lĩnh vực,Đầu tư công, Đầu tư PPP và đầu tư theo Luật Đầu tư. Do vậy ở cấp độ Luật thì không có hình thức, phương thức đầu tư khác. Vậy theo quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Nguyễn Phú Hà: Đúng là tôi cũng đang băn khoăn giữa các điều khoản và điều luật, giữa những nội dung liên quan đến các Luật khác nhau, như: Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP),…

Cụ thể tại Điều 32 quy định về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong dự thảo Luật đã phân định rõ các loại đường, cấp đường, kỹ thuật đường, đường cao tốc, đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện và các loại khác nhau. Trong khoản 1, Điều 32 có quy định đầu tư xây dựng công trình đường bộ được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các hình thức đầu tư khác. Tuy nhiên, chưa rõ các hình thức đầu tư khác được quy định theo luật nào, có bao gồm pháp luật về đầu tư không. Do vậy, vấn đề này cần được làm rõ để bảo đảm cơ sở pháp lý khi triển khai tổ chức thực hiện.

Cần làm rõ thêm chi phí vận hành cụ thể gồm chi phí và thực hiện theo nguồn tính toán trong nội dung nào tại Điều 42 về chi phí quản lý vận hành khai thác sử dụng bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ (Ảnh minh hoạ)

Phóng viên: Thưa đại biểu, về chi phí thực hiện quản lý, vận hành khai thác, sử dụng và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ, có ý kiến cho rằng, quy định tại khoản 2 Điều này chưa rõ trách nhiệm của mỗi bên trong trường hợp một công trình đường bộ có nhiều chủ thể tham gia khai thác thác. Quan điểm của đại biểu thế nào?

ĐBQH Nguyễn Phú Hà: Tôi đồng tính với các ý kiến cần làm rõ thêm chi phí vận hành cụ thể gồm chi phí và thực hiện theo nguồn tính toán trong nội dung nào tại Điều 42 về chi phí quản lý vận hành khai thác sử dụng bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ (gồm các quy định tại Điều 40, 41).

Liên quan đến khoản 3, Điều 42 có quy định “đối với dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ, hạng mục công trình đường bộ đã hoàn thành nhưng chưa bàn giao thì chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý, bảo trì công trình cho đến khi bàn giao cho tổ chức, cá nhân quản lý. Chi phí quản lý, bảo trì các tuyến đường này được tính trong tổng mức đầu tư của dự án”. Nếu quy định thế này  sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện, do vậy cần xem lại các nội dung quy định tại điều này.

Cũng liên quan đến Điều 45 về nguồn tài chính thực hiện, tôi cho rằng đã có sự đổi mới, có quy định nội dung cụ thể nhưng tính khả thi khi triển khai thực hiện chưa rõ. Theo đó, tại khoản 2 nêu rằng “nguồn thu được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng quản lý, vận hành khai thác bảo trì đường bộ bao gồm các nguồn sau là phí sử dụng đường bộ thu qua phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; phí sử dụng đường cao tốc thu qua phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư sở hữu quản lý khai thác; các nguồn thu khác liên quan đến sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định”. Nhưng theo tôi, đây là nội dung không cần thiết vì trên thực tế tất cả các khoản thu đều nộp vào ngân sách nhà nước. Do đó nội dung này nên thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, không nên quy định cụ thể như trên.

Tôi cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để sửa đổi luật sao cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi; tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý hoạt động vận tải đường bộ và kiểm soát kỹ thuật, tải trọng phương tiện, xây dựng và bảo trì công trình đường bộ. Đối với những nội dung giao Chính phủ hoặc các Bộ quy định, cần xác định nguyên tắc trong Luật để làm căn cứ quy định và thực hiện giám sát sau khi Luật được ban hành.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.

Hải Yến

Các bài viết khác