CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA - GIẢI PHÁP TRỌNG YẾU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: GHI NHẬN THÔNG ĐIỆP CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VĂN HÓA TRƯỚC QUỐC HỘI
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Yêu cầu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc
Tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu Hội Di sản Văn hoá Việt Nam chiều ngày 20/11 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh, chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là phát triển văn hóa đi đôi với tăng trưởng kinh tế, với tiến bộ và công bằng xã hội. Đặc biệt, Luật Di sản văn hóa là văn bản quan trọng, tạo hành lang pháp lý để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của Nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới nhiều khó khăn, thách thức, việc bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam là yêu cầu rất cấp thiết và quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới nhiều khó khăn, thách thức, việc bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam là yêu cầu rất cấp thiết và quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Tại Kỳ họp thứ 6, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đặt ra vấn đề cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, nhằm “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra nhiều hoạt động chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11
Hôm nay 23/11/2023 - “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn, sáng tạo, mang đến sức sống mới cho các di sản, góp phần xây dựng công nghiệp văn hóa của Thủ đô hiệu quả và bền vững. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có buổi trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội để làm rõ sự cần thiết của việc bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam.
Nhận thức đúng mới bảo vệ được di sản
Phóng viên: Ông có đánh giá như thế nào về sự chuyển biến trong nhận thức, sự quan tâm đối với việc bảo về và phát huy giá trị di sản văn hóa thời gian qua?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi nhận thấy rằng, kể từ sau Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021, văn hoá nói chung, di sản văn hoá nói riêng đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hoá còn thì dân tộc còn”. Tôi nghĩ, chính di sản văn hoá là yếu tố cơ bản hình thành nên bản sắc văn hoá, giúp chúng ta có được sự tự tin và bản lĩnh để khẳng định những giá trị của dân tộc mình trong quá trình hội nhập quốc tế. Vì tầm quan trọng như thế nên việc chúng ta quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng là cách chúng ta hình thành sức mạnh tổng hợp của đất nước, bảo vệ chủ quyền văn hoá của quốc gia.
Ở quy mô quốc gia, nhận thức về di sản đã được chuyển biến thành quyết tâm sửa Luật Di sản văn hoá đang được Chính phủ dự thảo, hay Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, ở đó, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá là một cấu phần chính. Nhiều hội thảo, hội nghị, tập huấn cũng đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cũng như các địa phương triển khai trở thành cơ sở triển khai các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về di sản văn hoá.
Quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng là cách hình thành sức mạnh tổng hợp của đất nước, bảo vệ chủ quyền văn hoá của quốc gia
Còn ở quy mô địa phương, chúng ta rất vui mừng khi nhận thấy những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã có những thành tựu đáng ghi nhận. Hà Nội có thể xem là ví dụ tiêu biếu nhất khi mảnh đất nhiều di sản này đã đầu tư hơn 14 ngàn tỷ đồng cho phát triển văn hoá, trong đó chủ yếu cho nhiệm vụ liên quan đến di sản văn hoá. Nhiều di sản văn hoá được thổi hồn, có sức sống mới, tạo sự quan tâm của Nhân dân và du khách như Hoả Lò với Đêm thiêng liêng, Hoàng Thành - Thăng Long với Giải mã Hoàng Thành, hoặc Văn Miếu - Quốc Tử Giám với Tinh hoa đạo học, hay gần đây là cách thức làm mới những di sản công nghiệp như Nhà máy xe lửa Gia Lâm hay Tháp nước Hàng Đậu… Tất cả cho chúng ta thêm tự tin về việc phát huy giá trị di sản văn hoá, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bền vững đất nước.
Tôi cho rằng, việc nhận thức tầm quan trọng của di sản và cả cách thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản rất quan trọng. Nếu lệch lạc, sai sót, nhận thức không đúng làm cho di sản không được bảo vệ đúng mức và đúng cách, di sản đó sẽ không được bảo tồn nguyên trạng và đúng trong môi trường đã sinh ra nó, thậm chí có thể làm “biến mất” di sản. Sự thay đổi trong nhận thức chính sách và hành động sẽ giúp Việt Nam đạt được hành công trong việc bảo vệ di sản văn hóa, cũng như kết hợp một cách hài hòa, cân bằng giữa di sản văn hóa và phát triển.
Biến di sản thành tài sản
Phóng viên: Thực tế phát triển kinh tế cũng gây ra nhiều tác động không tốt đến di sản văn hóa tại nhiều địa phương mà báo chí và dư luận thời gian qua đã phản ánh. Theo ông, nguyên nhân vì đâu mà hiện tượng này liên tiếp xảy ra?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Rõ ràng, trong quá trình phát triển đất nước nói chung, ở các địa phương nói riêng, luôn tồn tại một mâu thuẫn cố hữu giữa bảo tồn và phát triển mà không phải lúc nào, ở đâu cũng có thể có giải pháp đạt được cả hai mục đích: vừa bảo tồn tốt di sản văn hóa, vừa phát triển tốt kinh tế (dù đó là điều chúng ta mong muốn và hướng tới). Vì thế, nhiều khi, chúng ta vẫn phải chấp nhận hy sinh trước một trong hai mục đích. Đối với những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa, chúng tôi mong chúng ta không hy sinh lợi ích bảo tồn di sản.
Đúng là kinh tế là những vấn đề trước mắt, rất quan trọng, thậm chí sống còn đối với con người. Trong khi những vấn đề cơm, áo, gạo, tiền còn đang bức xúc, cấp bách thì khó có thể buộc người ta phải lo lắng cho những vấn đề tinh thần nói chung hay chăm lo cho di tích, di sản nói riêng. Tình trạng này xảy ra trên toàn thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Tôi có nghe một người bạn nước ngoài của tôi kể rằng, vào những năm 1980, khi Trung Quốc còn khó khăn, người dân ở đây đã bán đi những món đồ cổ của mình với giá vài trăm đô la; giờ đây, khi họ khá giả, họ phải bỏ ra hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu đô la để mua lại những món đồ đó. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với nước ta khi chúng ta chứng kiến rất nhiều cổ vật bị “chảy máu” ra nước ngoài, giờ đây chúng ta lại đang cố gắng hồi hương những cổ vật này.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, nếu chúng ta biết cách sử dụng, phát huy giá trị di sản, các tài sản quý giá này có thể trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước, lan tỏa tác động rất lớn đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội
Tuy nhiên, đất nước ta đã ở trong giai đoạn phát triển mới, ở đó, những lo lắng về cơm, áo, gạo, tiền đã lắng xuống, và nhu cầu phát triển bền vững trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Di sản một khi đã mất đi, đã bị làm biến dạng thì nhiều khi không bao giờ có thể mua lại được, bằng bất cứ giá nào. Một ngôi đình, chùa,... ngàn năm bị đập đi, xây mới sẽ không còn có cơ hội để chúng ta tạo ra một di tích tương tự, không còn kể được những câu chuyện của thời gian. Bảo vệ di sản giờ được xem như trách nhiệm đạo đức của xã hội hiện tại đối với tài sản cha ông đã để lại.
Hơn thế, nếu chúng ta biết cách sử dụng, phát huy giá trị di sản, các tài sản quý giá này có thể trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước, lan tỏa tác động rất lớn đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nguồn lực di sản văn hóa dồi dào đang là lợi thế để Việt Nam chúng ta tạo nên sức hấp dẫn thu hút du khách. Bài toán làm thế nào để biến di sản thành tài sản, có thể trở thành động lực phát triển kinh tế- xã hội cũng đã được đặt ra nhiều năm nay.
Cần phát triển kinh tế trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
Phóng viên: Để phát triển kinh tế gắn với bảo tồn di sản văn hóa, cần những giải pháp căn cơ gì, thưa ông?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi cho rằng, điều quan trọng là chúng ta phải phát triển kinh tế trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Muốn làm như vậy, chúng ta cần rất nhiều giải pháp đồng bộ.
Đầu tiên là nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, ý nghĩa, vai trò của di sản trong sự phát triển của địa phương và đất nước. Bảo vệ di sản cần được coi là bảo vệ chủ quyền quốc gia về văn hóa, tạo sự tự tin và niềm tự hào cho đất nước; đầu tư cho di sản là đầu tư cho phát triển. Khi chúng ta có nhận thức tốt, chúng ta sẽ có hành động phù hợp để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn di sản.
Thứ hai là hoàn thiện hàng lang pháp lý để bảo vệ di sản. Điều đáng mừng là chúng ta đang tiến hành sửa Luật Di sản Văn hóa. Điều này cho thấy nhận thức của chúng ta về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tốt hơn rất nhiều khiến những bức xúc, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống khiến chúng ta cần điều chỉnh hành lang pháp lý để có thể làm tốt hơn nhiệm vụ quan trọng này.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, trong thời gian tới cần phát triển kinh tế trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản với nhiều giải pháp đồng bộ
Mặc dù vậy, bên cạnh Luật Di sản Văn hóa, chúng ta cần điều chỉnh rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật khác như về thuế, đất đai, hợp tác công – tư,... chính sách cho nghệ nhân, công nghiệp văn hóa... để tạo thuận lợi hơn cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đồng thời giúp di sản đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, tăng cường nguồn lực cho quản lý di sản cũng là một giải pháp căn cơ, ở đó, chúng ta cần có thêm nguồn lực tài chính thông qua các chương trình đầu tư như Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa ở trung ương và vốn địa phương, đặc biệt là quan tâm nhiều hơn đến nguồn lực con người có chuyên môn, kỹ năng về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, kỹ năng kinh doanh và khả năng công nghệ.
Tiếp theo, chúng ta cần ứng dụng công nghệ nhiều hơn, nhất là các công nghệ mới như thực tại ảo, thực tế tăng cường và các trải nghiệm dựa trên công nghệ khác; xây dựng các sự kiện tôn vinh di sản, khai thác chất liệu di sản cho các loại hình nghệ thuật qua phim ảnh, âm nhạc, thời trang,... để làm cho các di sản trở nên hấp dẫn hơn, chinh phục tốt hơn công chúng trẻ, để họ tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến di sản.
Cuối cùng là tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng thương hiệu cho các di sản cả ở quy mô quốc tế như tôn vinh của UNESCO, hay trong nước để người dân, chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn đến di sản; cũng như lan tỏa những thực hành quản lý di sản tốt để các địa điểm di sản có thể liên kết với nhau thành mạng lưới, học hỏi những kinh nghiệm quý cho chính di sản của mình.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!