Ngày làm việc thứ 14, kỳ họp thứ bảy, QH khoá XII: Cân nhắc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường

07/06/2010

Sáng 5-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Ðức Kiên, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Hầu hết các đại biểu phát biểu ý kiến đều thống nhất với việc ban hành Luật Thuế bảo vệ môi trường, nhất là trong điều kiện môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hiện nay, nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, góp phần làm thay đổi ý thức của con người theo hướng có lợi cho môi trường. Việc QH thảo luận dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường đúng ngày Thế giới bảo vệ môi trường (5-6) là việc làm có ý nghĩa, khẳng định sự quan tâm và quyết tâm của Việt Nam đối với việc bảo vệ môi trường.

Các đại biểu Phan Mỹ Bình (Tuyên Quang), Trần Hanh (Vĩnh Phúc), Lê Dũng (Tiền Giang) và nhiều đại biểu khác cho rằng, thời gian qua chúng ta đã ban hành và áp dụng nhiều loại phí nhằm bảo vệ môi trường, nhưng thực tế môi trường vẫn bị ô nhiễm, do chưa có biện pháp kiểm soát và chế tài đủ mạnh. Nhiều hình thức gây ô nhiễm môi trường đã diễn ra nhiều năm với tính chất nghiêm trọng nhưng việc phát hiện, xử lý rất ít và mức xử lý quá nhẹ. Các đại biểu cho rằng, cần tăng chế tài xử phạt, trước mắt là xử lý nghiêm minh những vụ việc đã phát hiện thời gian qua. Về nhóm đối tượng chịu thuế, các đại biểu cho rằng, việc quy định năm nhóm đối tượng chịu thuế như trong dự thảo luật là quá ít, không bao hàm đầy đủ các đối tượng theo nguyên tắc ai làm ô nhiễm môi trường phải nộp thuế. Do vậy, luật cần liệt kê cụ thể từng loại hoặc từng nhóm mặt hàng chịu thuế để thực hiện hiệu quả. Nhiều đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần đưa thuốc lá, sản phẩm tẩy rửa... vào nhóm hàng chịu thuế, thậm chí với mức thuế suất cao. Ðây là những đối tượng gây ô nhiễm môi trường rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, nhưng lâu nay chúng ta bỏ qua, hoặc thu thuế không đáng kể, trong khi đây là những mặt hàng có lợi nhuận khổng lồ. Liên quan đến nhóm chịu thuế, nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu đưa thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi đối tượng chịu thuế, hoặc trước mắt áp thuế suất bằng 0%. Ðối với những thuốc bảo vệ thực vật có tính độc hại cao cần nghiêm cấm sản xuất, sử dụng. Các đại biểu phân tích, thực tế đối tượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là nông dân, nếu áp thuế sẽ khiến giá thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nông dân.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Ðác Lắc) đề nghị, cần quy định cụ thể các loại thuốc bảo vệ thực vật chịu thuế. Hiện nay, có nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, không gây ô nhiễm môi trường, những loại thuốc này phải hỗ trợ, khuyến khích sản xuất. Ðại biểu Nguyễn Danh Út (Kiên Giang), Dương Thu Hà (Lào Cai) đề nghị, ban soạn thảo cần cân nhắc áp thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu. Thực tế, hiện nay mỗi lít xăng, dầu đã "cõng" nhiều loại thuế, phí như thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn, phí cầu đường..., nếu tiếp tục áp thuế bảo vệ môi trường sẽ tăng thêm gánh nặng cho người tiêu dùng.

Các đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Nguyễn Thị Thu Hồng (Thừa Thiên - Huế) đề nghị, cùng với việc áp thuế, cần có biện pháp kiểm soát ô nhiễm trong quá trình sản xuất và có chính sách khuyến khích doanh nghiệp áp dụng khoa học - kỹ thuật để hạn chế xả ra môi trường chất độc hại, tránh tâm lý đã nộp thuế thì có thể gây ô nhiễm môi trường. Nhiều đại biểu đề nghị, cần có biện pháp kiểm soát giá hàng hóa sau khi áp thuế bảo vệ môi trường, không để xảy ra tình trạng áp thuế khiến tăng giá hàng hóa ảnh hướng đến người tiêu dùng, thay vì điều chỉnh hành vi và ý thức doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Ðối với nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường, nhiều đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể nguồn thu này chỉ sử dụng để thực hiện các biện pháp bảo vệ và nâng cao hơn môi trường sống của người dân. Việc phân bổ nguồn thu với tỷ lệ từ 70% đến 80% cho địa phương là hợp lý, được nhiều đại biểu đồng tình, ủng hộ.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)