Kỳ họp thứ 7 Quốc Hội khóa XII từ 31/5-5/6: Thẩm tra và thảo luận 7 Dự án Luật

07/06/2010

Trong tuần qua, các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận ở tổ về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Những vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều nhất là Trung tâm hành chính quốc gia

Trong tuần qua, đại biểu Quốc hội đã họp, nghe các thành viên Chính phủ trình bày Tờ trình, nghe Chủ nhiệm một số Uỷ ban của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra và thảo luận về 7 Dự án Luật là: Luật Thuế Bảo vệ Môi trường, Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Khoáng sản ( sửa đổi), Luật Tố tụng Hành chính, Luật Viên chức và Luật An toàn Thực phẩm. Các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận tại tổ về ba vấn đề khác là Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và cuối cùng là Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự án Luật Thuế Bảo vệ Môi trường được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Hội trường ngày 5/6 đúng vào ngày Môi trường Thế giới. Đa số ý kiến phát biểu cho rằng, việc ban hành Luật Thuế Bảo vệ Môi trường là cần thiết, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định điều chỉnh toàn diện các hành vi tác động tiêu cực đến môi trường; khắc phục hạn chế trong chính sách thu hiện hành; tạo nguồn lực tài chính bù đắp chi phí bảo vệ môi trường; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển bền vững; đồng thời đáp ứng việc thực hiện cam kết quốc tế, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Thuế bảo vệ môi trường đánh vào các sản phẩm khi sử dụng sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Một số ý kiến cho rằng: Luật Thuế Bảo vệ Môi trường là chính sách tài chính mới ở Việt Nam; mặc dù có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, song không tránh khỏi tác động nhất định đến sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thông qua việc tăng giá hàng hóa, nhất là đối với một số hàng hóa thiết yếu như xăng, dầu…Do đó, đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ hơn về tác động của việc ban hành luật đối với sản xuất, kinh doanh, với người tiêu dùng; tập trung đánh giá cụ thể những mặt trái phát sinh khi áp dụng chính sách, từ đó có giải pháp xử lý hữu hiệu; đồng thời xác định lộ trình áp dụng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước.

Liên quan đến Luật An toàn Thực phẩm, đây là vấn đề dư luận xã hội đang rất quan tâm hiện nay do liên quan trực tiếp đến sức khoẻ nhân dân, các đại biểu tập trung góp ý về quy định quản lý thực phẩm được sản xuất kinh doanh nhỏ; quy định hạn sử dụng thực phẩm, ghi nhãn mác, thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm; phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Nhiều đại biểu nêu kiến nghị về việc phân công rõ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm của các Bộ liên quan nhưng Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Một số ý kiến cho rằng cần xem xét mô hình Uỷ ban An toàn Thực phẩm Quốc gia như một Cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề an toàn thực phẩm.

Một dự thảo luật khác cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng. Dự luật này gồm 8 chương, 66 điều, trong đó đặc biệt chú trọng tới các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng khi hiện nay, các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ. Báo cáo của Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng trình bày tại Hội trường cho thấy: Hàng loạt vụ vi phạm quyền và lợi ích của người tiêu dùng được phát hiện trong thời gian qua như vụ xăng pha aceton, vụ nước tương nhiễm chất 3-MCPD, vụ gian lận xăng dầu, hay gần đây nhất là việc phát hiện hàng loạt các cơ sở kinh doanh mỡ động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ… Đánh giá về một loạt vấn đề này, trong Báo cáo thẩm tra về Dự thảo luật bảo vệ người tiêu dùng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh cho rằng: Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng phải định rõ trách nhiệm trực tiếp, trong đó nhấn mạnh vai trò trung tâm của Nhà nước, bên cạnh đó cũng phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Nghiêm cấm việc lợi dụng các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xâm hại quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là lĩnh vực cần có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, cơ quan phát thanh, truyền hình, cơ quan tư pháp… Do đó, dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của từng cơ quan trong các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong tuần qua, các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận ở tổ về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Những vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều nhất là Trung tâm hành chính quốc gia, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ năm 2010 đến năm 2050. Đa số đại biểu đề cập vấn đề phải nhấn mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giải thích để nhân dân nhận thức đúng, tránh sự xáo trộn về tâm lý và cũng tránh lợi dụng, tạo đột biến về giá đất, về thị trường bất động sản. Nhiều ý kiến đại biểu đồng tình và đánh giá cao nội dung bản Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, các ý tưởng, định hướng chiến lược quy hoạch là khá rõ. Đồ án đã thể hiện được mối quan hệ hợp lý với Quy hoạch vùng Thủ đô và các quy hoạch đang có hiệu lực thi hành theo hướng kế thừa và phát triển thành tựu phát triển kinh tế- xã hội.

Về Trung tâm hành chính quốc gia, một số đại biểu đề nghị làm rõ cơ sở quy hoạch Trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì, trong khi Trung tâm chính trị vẫn ở khu Ba Đình. Ý kiến khác đề nghị không nên tách biệt Trung tâm hành chính quốc gia khỏi Trung tâm chính trị vì cho rằng chỉ có một Trung tâm hành chính và chính trị quốc gia.

Liên quan đến Dự án Luật khoáng sản (sửa đổi) có nội dung quy định về việc quản lý, bảo vệ, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản trong phạm vi lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam, nhiều ý kiến thảo luận ở tổ của đại biểu Quốc hội cho rằng, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản lâu nay vẫn còn nhiều bất cập như việc cấp phép hoạt động khoáng sản vẫn mang nặng cơ chế “xin-cho. Hoạt động chuyển nhượng quyền khai thác đem lại nguồn thu đáng kể cho doanh nghiệp nhưng Nhà nước lại không hoặc có thu nhưng không đáng kể. Tình trạng đầu cơ, chuyển nhượng giấy phép hoạt động khoáng sản chưa có cơ chế hiệu quả để ngăn chặn... Điều này dẫn đến việc nhiều nơi nguồn tài nguyên khoáng sản bị khai thác quá mức và ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái. Do vậy, các đại biểu thống nhất cho rằng, việc sửa đổi luật khoáng sản lần này phải làm sao tạo sự chuyển biến tốt hơn trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản. Tài nguyên khoáng sản phải do Trung ương quản lý, kể cả tài nguyên nhỏ lẻ cũng không nên quy định địa phương được quyền cấp phép khai thác. Không nên để nhiều bộ- ngành cùng quản lý tài nguyên khoáng sản mà nên quy về một mối.

Ngày 6/6, Quốc hội nghỉ họp. Theo chương trình, ngày 7/6, các đại biểu Quốc hội nghe báo cáo và sau đó thảo luận ở Hội trường về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học. Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp trên Hệ Thời sự Chính trị Tổng hợp (VOV1)./.

 

 

Xuân Sơn

(http://vovnews.vn/)