ĐBQH - BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP: QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN, ỦY QUYỀN TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ VẪN CÒN NHỮNG MÂU THUẪN, BẤT CẬP

26/02/2021

Báo cáo tới các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết kết quả rà soát cho thấy quy định về phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong quản lý nhà nước về kinh tế vẫn còn những mâu thuẫn, bất cập.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo một số nội dung tại Kỳ họp thứ 10

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đã rà soát 1.499 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong quản lý nhà nước về kinh tế (tập trung vào các lĩnh vực: ngân sách nhà nước, quản lý tài chính; ngân hàng, tiền tệ; xây dựng, công thương; nông nghiệp, phát triển nông thôn; đất đai; giao thông vận tải); phát hiện một số quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn như sau:

Đối với quy định mâu thuẫn, chồng chéo, có sự không thống nhất về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giữa quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Theo điểm b khoản 2 Điều 45 Luật Đất đai năm 2013 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018) thì thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là Thủ tướng Chính phủ, trong khi đó theo khoản 3 Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 thì thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là Chính phủ. Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Luật Đất đai năm 2013 thì Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền (trong đó có việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Điều 13 của Luật Đất đai).

Phương án xử lý là nghiên cứu để quy định thống nhất về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh tại Luật Đất đai năm 2013, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Về quy định phân quyền, phân công, phân cấp thẩm quyền định giá tại Luật Giá năm 2012 và các luật chuyên ngành khác còn chưa thống nhất. Luật Giá năm 2012 quy định công tác quản lý, điều tiết giá của Nhà nước. Tại khoản 3 Điều 22 của Luật Giá năm 2012 giao Chính phủ phân công, phân cấp thẩm quyền định giá hàng hóa, dịch vụ “Bộ trưởng Bộ Tài chính, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 19 của Luật này theo sự phân công, phân cấp của Chính phủ”. Trên cơ sở khoản 3 Điều 22 của Luật Giá năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP phân công, phân cấp cụ thể thẩm quyền định giá của các cơ quan. Tuy nhiên, một số luật chuyên ngành khác ban hành và có hiệu lực sau Luật Giá năm 2012 như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2014 (khoản 5 Điều 1), Bộ luật Hàng hải năm 2015 (khoản 3 Điều 90), Luật Lâm nghiệp năm 2017 (khoản 4 Điều 90) đã phân quyền định giá hàng hóa, dịch vụ cụ thể trực tiếp cho các cơ quan (Bộ trưởng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh,...). Từ đó, dẫn tới sự khác nhau về thẩm quyền định giá đối với một số hàng hóa dịch vụ cụ thể theo quy định tại Luật Giá năm 2012, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP và các luật chuyên ngành.

Phương án xử lý là đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền phương án xử lý cụ thể trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Giá năm 2012. Đồng thời, sửa đổi Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giá để bảo đảm thống nhất với các quy định của các Luật hiện hành.

Đối với quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn, thẩm quyền quy định cụ thể hồ sơ, trình tự, thủ tục giải quyết việc công nhận phần diện tích sử dụng chung, phần diện tích đất liền kề của nhà ở cũ chưa phù hợp với thực tiễn. Khoản 5 Điều 71 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở quy định: “Căn cứ vào quy định của Nghị định này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quy định cụ thể hồ sơ, trình tự, thủ tục giải quyết đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này, bố trí kinh phí để đo vẽ, lập hồ sơ và thực hiện quản lý phần diện tích nhà thuộc sử dụng chung quy định tại khoản 4 Điều này”. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không được ban hành thủ tục hành chính, trừ trường hợp được luật giao. Do đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không thể ban hành quy định cụ thể hồ sơ, trình tự, thủ tục giải quyết việc công nhận phần diện tích sử dụng chung, phần diện tích đất liền kề của nhà ở cũ để thực hiện việc công nhận các phần diện tích này cho người dân theo quy định.

Phương án xử lý là đề xuất sửa đổi Điều 71 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP theo hướng Chính phủ quy định cụ thể hồ sơ, trình tự, thủ tục giải quyết việc công nhận phần diện tích sử dụng chung, phần diện tích đất liền kề của nhà ở cũ.

Về điều kiện, tiêu chí để phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành trong phạm vi khu công nghiệp, khu kinh tế chưa được ban hành hướng dẫn cụ thể theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế

Khoản 2 Điều 62 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định: “Các bộ, ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ ban hành các điều kiện, tiêu chí để phân cấp, ủy quyền trong từng lĩnh vực quản lý theo nguyên tắc tạo điều kiện cho các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện cơ chế hành chính “một cửa tại chỗ” và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước khu công nghiệp, khu kinh tế”. Tuy nhiên, đến nay các văn bản hướng dẫn chưa được ban hành, điều này gây khó khăn cho cơ quan, đơn vị tại địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo Bộ trưởng, phương án xử lý là ban hành văn bản hướng dẫn về các điều kiện, tiêu chí để phân cấp, ủy quyền trong từng lĩnh vực quản lý theo nguyên tắc tạo điều kiện cho các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện cơ chế hành chính “một cửa tại chỗ” theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP./.

Hồ Hương

Các bài viết khác