CHỦ NHIỆM ỦY BAN ĐỐI NGOẠI NGUYỄN VĂN GIÀU: ẤN TƯỢNG SÂU SẮC CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN VAI TRÒ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM

26/02/2021

Tại phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ ấn tượng với các thành tích đạt được của Chính phủ trong nhiệm kỳ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021

Trình bày tóm tắt báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ luôn chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trước Nhân dân và đất nước, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Chính phủ chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt trong quản lý, điều hành các lĩnh vực, vừa thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, vừa xử lý kịp thời các vấn đề đột xuất, phát sinh.

Nổi bật là hoạch định chính sách, xây dựng và hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với xây dựng Chính phủ điện tử; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, Chính phủ luôn kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, chú trọng kích cầu tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác và phát huy tiềm năng lợi thế của từng ngành, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, thu hút các nguồn lực cho phát triển; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, cơ chế điều phối, phát triển kinh tế vùng, kinh tế biển, đô thị và xây dựng nông thôn mới; tập trung thực hiện các đột phá chiến lược; quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá-xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thời đời sống nhân dân; chủ động, quyết liệt ứng phó kịp thời, ngăn chặn, kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước; kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, kỷ luật kỷ cương hành chính, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; chủ động, tích cực, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, vị thế và uy tin của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ ấn tượng sâu sắc nhất là Chính phủ đã thực hiện vai trò quốc tế của Việt Nam và cho rằng Chính phủ đã hoàn thành rất xuất sắc thể hiện qua vai trò là nước chủ nhà của APEC năm 2017, Chủ tịch ASEAN 2020. Trong năm 2020 Quốc hội giữ vai trò Chủ tịch AIPA 2020 và nước ta cũng đang đảm nhiệm trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đến nay được đánh giá là một năm trên nhiệm kỳ 2 năm cũng rất thành công. Cùng với đó là khi Việt Nam được chọn là nước tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa 2 người đứng đầu nhà nước Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên - một cuộc gặp gỡ được cả thế giới quan tâm.

Thứ hai, nhiệm kỳ qua đã rất thành công trong hội nhập sâu rộng, ký kết và phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP, EVFTA, EVIPA, RCEP. Mới đây là FTA giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng đây là những hiệp định mở ra động lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước, mở rộng thị trường, thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và đặc biệt nó là thước đo để đánh giá tăng năng lực cạnh tranh ở 3 cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm.

Thứ ba, về các chi tiêu phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội giao, Chính phủ đã điều hành đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, môi trường trong 4 năm 2016 đến 2019 đạt rất cao. Mặc dù năm 2020 vì tình hình đại dịch ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng ở mức 2,91%. Tuy nhiên, nếu cộng 5 năm bình quân tăng trưởng kinh tế khoảng 6%. So với nhiệm kỳ trước là bình thường hơn và vẫn cao hơn nhiệm kỳ trước (nhiệm kỳ trước trung bình 5 năm đạt 5,9%).

Thứ tư, kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc, các cân đối lớn của nền kinh tế cải thiện một cách rõ rệt, nhất là cán cân thương mại thặng dư quy mô ngày càng lớn trong suốt 5 năm qua.

Thứ năm, khu vực nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới ở cấp xã, cấp huyện đạt nhiều thành tựu rất đáng mừng. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nêu rõ rất ấn tượng với  hai chính sách mới trong nhiệm kỳ vừa qua, đó là Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù mới ban hành năm 2017 nhưng mà đến nay đã cải thiện một bước khá đáng kể. Mới đây Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 120 về phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là 2 chính sách cực kỳ quan trọng trong nhiệm kỳ.

Thứ sáu, cải thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng nông thôn ở các tỉnh phía Bắc. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu chỉ rõ, chúng ta đã triển khai đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đặc biệt cũng điều chỉnh kịp thời từ đầu tư hợp tác công tư sang đầu tư công để chủ động đẩy tốc độ tăng nhanh hơn và chất lượng hơn. Cùng với đó là xây dựng được sân bay mới Vân Đồn và nâng cấp đường băng của sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài và khởi động sân bay quốc tế hiện đại ở Long Thành. Đồng bằng sông Cửu Long cũng được kết nối bờ vui, đó là kết nối được 2 cây cầu Cao Lãnh và Vàm Cống giúp cho động lực phát triển 3 tỉnh Kiên Giang, An Giang và Đồng Tháp. Đặc biệt sau khi có Nghị quyết 120 triển khai hai công trình thủy lợi lớn ở sông Cái Lớn, Cái Bé.

Thứ bảy, công tác phòng, chống tham nhũng đã tạo lòng tin được trong Nhân dân.

Thứ tám, thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện và có góp phần giảm biên chế được một bộ phận. Đến nay đã sắp xếp lại được một bộ phận hành chính cấp xã và cấp huyện rất thành công.

Thứ chín, ấn tượng về phòng, chống đại dịch COVID-19. Các cơ quan báo chí thế giới đánh giá Việt Nam là nước phòng, chống đại dịch COVID đứng thứ hai sau New Zealand. Nhưng có bài báo nó lại phản ứng lại, đặc biệt là Điều phối viên của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng chưa công bằng, có thể Việt Nam đứng trên. Thế giới ghi nhận  có 3 việc Việt Nam làm rất tốt là truy vết, có chiến lược khám và đưa ra những thông điệp, chính sách một cách rõ ràng, minh bạch. Kết quả này có được là sự chủ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ nhưng có sự phối hợp, hợp tác rất chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sự quan tâm của Quốc hội. Đây là một vấn đề rất mới cần đánh giá để rút kinh nghiệm cho các nhiệm kỳ kế tiếp.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề xuất Chính phủ cần quan tâm một số vấn đề làm tiền đề bước sang nhiệm kỳ mới, khóa mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nêu rõ: Thứ nhất, đánh giá đúng thực trạng sức khỏe và sự chịu đựng của nền kinh tế, của doanh nghiệp, người lao động, người dân về ảnh hưởng của đại dịch COVID kéo dài. Nếu đánh giá sức khỏe đúng thì nên  khẩn trương có chính sách cấp bách để hỗ trợ nhằm duy trì thực hiện mục tiêu kép.

Thứ hai, nên thực hiện kết luận của Trung ương 14 khóa XII là mở rộng đầu tư, được phép mở rộng chi ngân sách để đầu tư vào các công trình trọng điểm, những công trình mới để thúc đẩy tăng tổng cầu trong điều kiện thực hiện mục tiêu kép, cũng như nhu cầu cấp bách của nước ta.

Thứ ba, nên tập trung chiến lược, sách lược để khai thác và tận dụng các cơ hội mà do hội nhập mang lại và đặc biệt là các FTA. Hiện nay chỉ khởi động trên bộ máy của trung ương, còn địa phương chưa có gì cả, không có người kết nối, không có cơ quan kết nối, không có điều kiện kết nối, không tận dụng được cơ hội hội nhập sâu rộng.

Thứ tư, cần quan tâm nhiều hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp và khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc.

Thứ năm, cần đánh giá chất lượng 2 năm học tập gần đây theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng tại dịch.

Thứ sáu, cần quan tâm về mảng xã hội, nhất là vấn đề xã hội đen, vấn đề nghiện ngập ma túy là nỗi lo lớn trong Nhân dân.

 

Bảo Yến

Các bài viết khác