ĐBQH TRẦN ANH TUẤN: THẬN TRỌNG TRONG VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA, TIỀN TỆ MỞ RỘNG

26/02/2021

Thảo luận tại Tổ về tình hình kinh tế - xã hội, giải pháp cho giai đoạn mới tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Anh Tuấn – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh đề nghị cân nhắc rất kỹ đối với sức mua, sức hấp thụ của nền kinh tế để thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, cần thận trọng để tạo nên sự ổn định chung.

Đại biểu Trần Anh Tuấn – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh

Phát biêu tại Tổ, đại biểu Trần Anh Tuấn đã có những phân tích tình hình kinh tế trong nước và việc thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ. Đại biểu nêu rõ, do ảnh hưởng của dịch bệnh cho nên năm 2020 các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, đặc biệt là tăng trưởng không đạt như mục tiêu đã đề ra như tăng trưởng GDP, xuất khẩu, nhập khẩu hay các yếu tố liên quan tới tiêu dùng cũng không đạt. Tuy nhiên so với các nước thì kinh tế nước ta vẫn có những bước phát triển rất tốt. Nhiều nước tăng trưởng âm nhưng Việt Nam có bình quân 3 quý đầu năm 2020 đạt 2,12%. Đây là một sự nỗ lực rất lớn, trong đó những yếu tố liên quan tới tổng cầu, doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 0,7%. Nếu so với quý 3 của các năm trước tăng với một tốc độ ít hơn nhưng vẫn tăng, tiêu dùng trong nước vẫn tăng. Có được kết quả này là do rất nhiều chính sách cộng hưởng lại. Đại biểu làm rõ, tại những thị trường lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, một số đô thị lớn đã có nhiều giải pháp để kích cầu nội địa. Trong du lịch đã có nhiều chương trình hợp tác giữa các địa phương với nhau để kích cầu trong nước.

Về đầu tư, tổng đầu tư toàn xã hội tăng 4,8%, đại biểu cho rằng, đây là sự nỗ lực của các cấp chính quyền, trong đó là tập trung về phần đầu tư công. Chính phủ, chính quyền các cấp đã chú trọng ngay từ đầu năm khi diễn ra dịch Covid là đã tập trung nhấn mạnh vào công tác giải ngân vốn đầu tư công để tạo một sức lan tỏa, thu hút các nguồn lực xã hội. Vì dịch diễn ra thì đầu tư của xã hội vào nền kinh tế, vào các hoạt động rất e dè vì rủi ro rất lớn, nguồn lực bên ngoài vào cũng rất hạn chế. Nên việc tăng đầu tư công cho toàn xã hội để tạo sức thu hút, lan tỏa, kéo theo đầu tư chung trong nước là một trong những giải pháp mà từ những ngày đầu tiên xảy ra dịch Chính phủ đã chú ý và tập trung đẩy mạnh đầu tư công. Từ đó, phần nào thu hút được nguồn lực xã hội và kéo theo đầu tư chung của toàn xã hội 9 tháng đầu năm tăng 4,8%.

Về xuất khẩu tăng 4,1% trong 9 tháng, 3 tháng cuối năm theo chu kỳ tăng trưởng thì sẽ tăng cao hơn rất nhiều và xuất siêu được 16,52 tỷ đô trong 9 tháng đầu năm. Xét cụ thể thì tăng trưởng xuất khẩu của kinh tế trong nước tăng, trong khi đó, xuất khẩu của FDI lại giảm. Tình hình chung cho thấy năng lực của nền kinh tế nước ta được cải thiện qua đại dịch này, xuất khẩu có chiều hướng gia tăng. Nếu nhìn vào tất cả những yếu tố trong tổng cầu cho thấy có những tín hiệu tích cực làm cho kinh tế chung của cả nước trong 9 tháng tăng 2,12%. Mặc dù không bằng 9 tháng của những năm trước đó nhưng vẫn tăng rất tích cực, kéo theo toàn bộ nền kinh tế tăng lên.

Về xuất siêu, giá trị tăng của xuất khẩu là 4,1% nhưng phần nhập khẩu thì thấp hơn rất nhiều. Chúng ta nhập ít nên dẫn tới xuất siêu tăng, như mọi năm xuất và nhập khẩu đều tăng thì xuất siêu thấp hơn, nhưng năm nay xuất khẩu khá còn giá trị nhập khẩu lại thấp nên cán cân thương mại thặng dư cao. Đây là một vấn đề đặt ra. Trong phát triển kinh tế thì nhập khẩu cũng phải tăng để bù đắp lại những mặt hàng trong nước sản xuất chưa đạt,dần dần chúng ta sẽ sản xuất được những mặt hàng thay thế nhập khẩu thì lúc đó nhập khẩu mới giảm được, bài toán tăng trưởng mới tốt được. Còn ở đây chúng ta thấy rằng xuất siêu lớn là do giá trị nhập khẩu đang chững lại.

Về đầu tư, đại biểu cho biết quá trình theo dõi cho thấy sự phân bổ nguồn lực đầu tư công cũng đã được Chính phủ điều chỉnh theo đề án cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư có trọng điểm hơn, vào những vùng tạo động lực như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng bước đầu đang điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư. Trong những năm ngân sách tới đây sẽ có sự dịch chuyển đó và tập trung vào những dự án liên tỉnh, liên thành phố. Tuy nhiên quá trình đầu tư có độ trễ và mất nhịp trong quá trình phân bổ. Ví dụ phân bổ năm nay thì 1-2 năm sau mới mang lại hiệu quả. Nếu thủ tục đầu tư càng nhanh thì độ trễ, thời gian mang lại hiệu quả nền kinh tế càng rút ngắn. Quá trình chuẩn bị đầu tư, thủ tục đầu tư, đặc biệt là những dự án lớn liên ngành, liên tỉnh về mặt chủ trương thì rất nhanh nhưng đi vào khâu tiến hành thủ tục đầu tư thì rất khó khăn. Lý do là chúng ta chưa có những quy định cụ thể cho những dự án đó. Theo quy định hiện hành thì những dự án đầu tư mang tính động lực liên tỉnh, liên vùng thì do Trung ương quyết định, một số dự án mang tính đặc thù có thể đưa về địa phương. Tuy nhiên, hướng dẫn cách triển khai những dự án mang tính động lực đó thì chưa có cho nên việc tiến hành những dự án đó hơi chậmvề thủ tục. Một dự án thủ tục mất 2-3 năm thì sẽ làm cho độ trễ trong đầu tư kéo dài rất lớn, cộng với thời gian xây dựng nữa thì để phát huy hiệu quả phát triển kinh tế xã hội sẽ có một độ trễ lớn. Do đó, động lực phát triển bị chậm, kéo dài. Đại biểu cho rằng cần phải có sự xem xét và hoàn thiện thêm trong thời gian tới để chúng ta có thể triển khai nhanh những dự án đầu tư mang tính động lực của vùng, đặc biệt là trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đối với hoạt động của doanh nghiệp, trong 9 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 3,2%, so với cùng kỳ và 9 tháng những năm trước thì không bằng (số lượng thành lập doanh nghiệp mỗi năm trước đây tăng trên 12%), chủ yếu là do dịch Covid 19 gây ra. Nguồn lực xã hội được huy động vào nền kinh tế phục vụ cho mục đích sản xuất kinh doanh rất khó khăn và chậm. Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp giải thể rồi ngưng hoạt động tăng rất cao, đặc biệt là những ngành liên quan tới lữ hành, du lịch, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ lưu trú. Trung ương cũng như các địa phương đã có nhiều gói hỗ trợ để khôi phục lại hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong những lĩnh vực đó. Tuy nhiên nguồn lực ngân sách thì cũng có giới hạn. Và chính sách tài khóa tiền tệ thì như nhiều chuyên gia đã đánh giá là dư địa rất ít trong năm nay. Năm nay có những gói hỗ trợ rất lớn, chi tăng, dư địa liên quan tới thu thì giảm rất nhiều so với kế hoạch đề ra; cùng với đó là nhiều giải pháp để giãn thuế, cơ cấu lại những khoản nợ thuế, tất cả các khoản nợ trong các tổ chức tín dụng v.v.. Theo nhiều chuyên gia đánh giá dư địa tài khóa, tiền tệ không còn nhiều trong năm 2020. Mặt khác thì bội chi tăng. Mặc dù năm nay có sự điều chỉnh lại số liệu về GDP của cả nước, cho nên tỷ lệ bội chi giảm xuống nhưng số tuyệt đối lại tăng. Về chỉ số lạm phát cũng ổn định. Về tỷ giá ổn định, lãi suất và cấp vốn, tái cấp vốn, lãi suất liên ngân hàng v.v. Tất cả đều có xu hướng giảm, tạo điều kiện tiếp cận cho các doanh nghiệp để phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chính sách ổn định tỷ giá và chính sách tiền tệ mở rộng thông qua lãi suất giảm, dự trữ giảm và cung tiền lại tăng, ổn định được nền kinh tế trong thời gian qua. Người dân, doanh nghiệp rất yên tâm trong quá trình sản xuất. Đại biểu Trần Tuấn Anh cho biết đây là một yếu tố tích cực rất lớn.

Đại biểu Trần Anh Tuấn cũng cho rằng bên cạnh việc tiếp tục phát huy những chính sách hiệu quả, trong thời gian tới cần có những thận trọng trong việc thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, cân đối được sức cầu, sức mua trong nền kinh tế, phù hợp với điều kiện nền kinh tế. Nếu mở rộng nhiều quá thì sẽ mang lại những hậu quả tiêu cực về sau. Do đó cần phải cân nhắc rất kỹ đối với sức mua, sức hấp thụ của nền kinh tế để thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, tạo nên sự ổn định chung cho nền kinh tế./.

Bảo Yến

Các bài viết khác