Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi có sự cố về ứng dụng Trí tuệ nhân tạo

14/10/2024 09:53

Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo được đánh giá sẽ mang lại các lợi ích to lớn cho con người và cho sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ mới này cũng có những hạn chế, rủi ro nên để phòng chống những sự cố đáng tiếc xảy ra, đóng góp ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, nhiều thành viên Ủy ban TVQH và đại diện khối doanh nghiệp đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật tiếp tục nghiên cứu về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi có sự cố về ứng dụng Trí tuệ nhân tạo.

Đảm bảo đồng bộ, thống nhất của dự án Luật Công nghiệp công nghệ số với hệ thống pháp luật

Thể chế hoá đầy đủ chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ số

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ được Quốc hội cho ý kiến, thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Một trong những điểm mới đột phá của dự án Luật là Việt Nam phải có cơ sở pháp lý điều chỉnh về Trí tuệ nhân tạo để phát triển thế mạnh, lợi thế của công nghệ mới này; đồng thời hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ Trí tuệ nhân tạo. Theo đó, trong dự án Luật đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định hạn chế rủi ro, ảnh hưởng của công nghệ Trí tuệ nhân tạo đối với đời sống kinh tế, xã hội như nguyên tắc đạo đức; nghiên cứu, phát triển Trí tuệ nhân tạo do Việt Nam sáng tạo; cho phép các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu về Trí tuệ nhân tạo được sử dụng nguồn dữ liệu từ các cơ quan nhà nước; quy định mức độ ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong các cơ quan Nhà nước từ các giải pháp do doanh nghiệp trong nước làm chủ nhằm khuyến khích sử dụng và tạo thị trường.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Đóng góp về ứng dụng Trí tuệ nhân tạo được quy định tại Chương VI của dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu quan điểm: Quy định trong hệ thống Trí tuệ nhân tạo được đánh giá sẽ mang lại các lợi ích to lớn cho con người. Tuy nhiên, đây cũng là một lĩnh vực rất phức tạp và có nhiều rủi ro. Những quy định tại Chương VI của dự án Luật chưa đủ mạnh mẽ để đảm bảo cho việc phát triển ứng dụng Trí tuệ nhân tạo diễn ra một cách có trách nhiệm và đạo đức. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật bổ sung các quy định nhằm hạn chế rủi ro của Trí tuệ nhân tạo, cụ thể:

Thứ nhất, xem xét chi tiết hóa các nguyên tắc đạo đức như công bằng, minh bạch, trách nhiệm, an toàn và bảo mật trong phát triển ứng dụng Trí tuệ nhân tạo.

Thứ hai, xây dựng cơ chế giám sát việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức của Trí tuệ nhân tạo. Ví dụ như thành lập Hội đồng đạo đức hay Trí tuệ nhân tạo độc lập, bao gồm các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực công nghệ, luật, đạo đức, xã hội học...

Thứ ba, cân nhắc kỹ quy định về dán nhãn sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi Trí tuệ nhân tạo tại Điều 66 của dự án Luật. Thế nào là sản phẩm tạo ra bởi hệ thống Trí tuệ nhân tạo, đề nghị làm rõ thêm nội hàm, không quy định chung chung, dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc thi hành.

Thứ tư, cần tiếp tục nghiên cứu về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi sự cố về Trí tuệ nhân tạo xảy ra. Ví dụ, ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong giao thông thông minh, xe tự lái khi có sự cố xảy ra hoặc tai nạn thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm, chủ xe, chủ sở hữu Trí tuệ nhân tạo hay người phát triển nội dung này. Việc quy định rõ hơn về trách nhiệm sẽ thuận lợi trong một số lĩnh vực có thể sớm ứng dụng Trí tuệ nhân tạo thì cũng phải dự lường, quy định cụ thể.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Đồng thuận với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh: Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực mới, đặt ra những thách thức về quản lý không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với các khu vực trên thế giới.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, để đảm bảo phân định rõ ràng trách nhiệm và nghĩa vụ giữa người dùng, nhà cung cấp, nhà phát triển và bên triển khai, Ban soạn thảo dự án Luật nên thiết lập các định nghĩa rõ ràng cho các hệ thống Trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao. Việc quản lý các sản phẩm công nghệ số quan trọng đòi hỏi các tiêu chí được xác định rõ ràng và minh bạch.

Rà soát, hoàn thiện các quy định về Trí tuệ nhân tạo

Đứng ở góc độ khác khi đề cập về vai trò trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp đối với việc cung cấp, ứng dụng Trí tuệ nhân tạo, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn cho rằng, ở nhiều nước trên thế giới, những ứng dụng, ngành nghề mới nổi sẽ được thúc đẩy phát triển. Trong quá trình đó, nếu thấy ứng dụng nào có những bất cập sẽ kịp thời đưa ra chính sách quản lý.

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn 

Hiện nay, ngành công nghiệp Trí tuệ nhân tạo còn đang rất mới đối với Việt Nam. Tuy nhiên, một số quy định quản lý đối với cung cấp, ứng dụng Trí tuệ nhân tạo được đưa ra trong dự án Luật Công nghiệp công nghệ số có thể tác động đến các doanh nghiệp nhỏ về chi phí gia nhập thị trường, chi phí thực hiện trong thời gian tới.

Với lý lẽ trên, ông Đậu Anh Tuấn nêu quan điểm, có thể trong dự án Luật Công nghiệp công nghệ số nên quy định trách nhiệm của những doanh nghiệp nào có quy mô lớn, đã có những tác động hiệu ứng về Trí tuệ nhân tạo. Còn đối với những doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập có những sản phẩm cần khuyến khích gia nhập thị trường thì nên có một cách tiếp cận hạn chế hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải 

Trước những ý kiến, đề xuất của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan đại điện cho khối doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý Ban soạn thảo dự án Luật cần tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra; rà soát, hoàn thiện các quy định về Trí tuệ nhân tạo; Nghiên cứu bổ sung các quy định hạn chế rủi ro, ảnh hưởng của công nghệ Trí tuệ nhân tạo đối với đời sống kinh tế - xã hội, đạo đức xã hội. Bên cạnh đó là rà soát các quy định để tạo điều kiện cho việc nghiên cứu phát triển Trí tuệ nhân tạo./.

Bích Lan