Buổi sáng
Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về Báo cáo nghiên cứu khả thi về Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và Chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung phiên họp này.
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XIV, ngày 12/11/2019
- Về Báo cáo nghiên cứu khả thi về Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Các ý kiến cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 trước khi quyết định đầu tư là phù hợp. Mặt khác, có ý kiến đề nghị cần phân tích, đánh giá cụ thể hơn đối với đề xuất của Chính phủ giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư Dự án sân bay Long Thành có thể làm tăng nợ công; việc giải phóng mặt bằng còn chậm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tiến độ của Dự án.
Về nội dung này đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận như sau: Nhiều ý kiến đồng tình về chủ trương triển khai giai đoạn 1 của dự án; về quy mô và một số điều chỉnh so với Nghị quyết 94 của Quốc hội như Tờ trình của Chính phủ. Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi chưa hoàn thiện, chưa được Hội đồng thẩm định Nhà nước toàn diện nên việc xét cả 10 nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi gặp khó khăn, kể cả việc xem xét tổng mức đầu tư giai đoạn 1, do vậy, Quốc hội chỉ xem xét một số nội dung chủ yếu có đủ căn cứ, còn lại giao Chính phủ căn cứ vào Báo cáo nghiên cứu khả thi sau khi được hoàn thiện, có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước, khi đó Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định. Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng phải xem xét toàn diện cả 10 nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi, do đó phải lùi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (vì tháng 5/2019 tư vấn quốc tế mới hoàn thành được nội dung tư vấn và đủ số liệu cho Hội đồng thẩm định Nhà nước xem xét toàn diện Báo cáo nghiên cứu khả thi). Đây cũng là một vấn đề cần sự cân nhắc của Quốc hội. Ngoài ra, nhiều đại biểu cho ý kiến về: tổng mức đầu tư của Dự án (cần làm rõ tổng mức đầu tư này có bao gồm tiền đền bù giải phóng mặt bằng không?); về vấn đề lựa chọn nhà đầu tư; các phương án huy động vốn. Có ý kiến tán thành việc điều chỉnh đất quốc phòng bổ sung 2 tuyến đường kết nối nhưng cần xem xét thêm về hệ thống kết nối như đường sắt, đường bộ, không nên bổ sung lắt nhắt các tuyến đường và quan tâm nghiên cứu vấn đề kết nối vùng, kết nối với khu vực và quốc tế để phát huy hiệu quả Dự án. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, thời gian thực hiện Dự án đến năm 2025 sẽ khó hoàn thành được giai đoạn 1; đồng thời, đề nghị Chính phủ phải quan tâm nhiều hơn đến yếu tố kỹ thuật để tránh bị lạc hậu và quan tâm đến hiệu quả của dự án, kỷ luật tài chính để chống tiêu cực, lãng phí.
- Về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, thảo luận tại Hội trường, đa số các ý kiến đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về sự cần thiết đầu tư Dự án, cho rằng đây là khu vực thường xuyên khô hạn, cần thiết xây dựng hồ chứa nước để phục vụ nhu cầu thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, duy trì nguồn nước, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về: mục tiêu, nhiệm vụ, quy mô, nguồn vốn đầu tư, tính khả thi của Dự án; đánh giá hiệu quả KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của Dự án; về tên gọi, bố cục, nội dung, hình thức của dự thảo Nghị quyết.
Về nội dung này, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận như sau: Các ý kiến phát biểu đồng tình với chủ trương đầu tư Dự án này. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần làm rõ những vấn đề sau: Đánh giá diện tích 162 hecta rừng đặc dụng chất lượng như thế nào, có đáng để đánh đổi với việc xây dựng hồ chứa nước hay không? Việc trồng rừng thay thế cần loại nhóm gỗ tương tự như rừng đặc dụng, tránh việc sử dụng loại gỗ như gỗ keo, gỗ bạch đàn của rừng kinh tế; vấn đề an toàn hồ đập; Cần có cơ chế đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội bằng văn bản. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ có báo cáo tiếp thu, giải trình cụ thể các ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.
Buổi chiều
- Theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung phiên họp toàn thể tại Hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Trước khi biểu quyết, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Sau đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua nội dung Nghị quyết, kết quả như sau:
i) Điều 1 về “Thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2020” gồm 4 khoản đã có 453 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,79%); trong đó, có 452 đại biểu tán thành (bằng 93,58%);
ii) Điều 2 về “Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019” gồm 6 khoản, đã có 447 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92,55%); trong đó, có 443 đại biểu tán thành (bằng 91,72%);
iii) Quốc hội đã tiến hành biểu quyết về toàn bộ Nghị quyết, đã có 453 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,79%); trong đó, có 451 đại biểu tán thành (bằng 93,37%).
- Sau đó, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung phiên họp. Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu cơ bản tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội. Để hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu tập trung cho ý kiến về: Phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật; Các sửa đổi, bổ sung liên quan đến đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; Cơ cấu, số lượng cấp phó của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; về thời điểm thông qua dự án Luật.
Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu cho rằng, cần có chính sách đãi ngộ thích đáng hơn để thu hút cán bộ có năng lực về làm việc cho các cơ quan của Quốc hội; về nâng cấp các Ban thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; đề nghị Quốc hội 04 kỳ/năm, mỗi kỳ 02 tuần để có thể giải quyết kịp thời các vấn đề nóng bỏng, bức xúc của xã hội; đề nghị có chính sách mở hơn về nâng tuổi làm việc đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để tận dụng nguồn chất xám và kinh nghiệm công tác, tránh lãng phí nguồn nhân lực...
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội mong muốn dự án Luật này cần được nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng hơn và theo tinh thần phải thông qua hai kỳ họp Quốc hội, vì:
Thứ nhất, nếu dự án Luật được thông qua tại kỳ họp lần này và có hiệu lực vào ngày 01/06/2021 thì chúng ta còn phải chờ hơn 1 năm nữa.
Thứ hai, hiện nay chúng ta đang thực hiện thí điểm tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về hợp nhất 3 văn phòng;
Thứ ba, các đại biểu Quốc hội mong muốn nhiều nội dung của dự án Luật cần tiếp tục nghiên cứu, mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung theo tinh thần không chỉ tinh gọn mà phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội;
Thứ tư, một số vấn đề lớn trong dự án Luật chưa được tổng kết, đánh giá, thảo luận kỹ nên cần lùi thời gian thông qua dự án Luật để tổ chức thêm các Hội nghị, Hội thảo, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Về những nội dung cụ thể của dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về một số vấn đề lớn sau đây:
Một là, cần làm rõ vị trí trung tâm của các vị đại biểu Quốc hội; trong đó, cần nghiên cứu về số lượng, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội; về tuổi, kinh nghiệm, năng lực, trình độ, cơ cấu của đại biểu Quốc hội; số lượng đại biểu Quốc hội tái cử ở Quốc hội; về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Hai là, về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại phiên thảo luận, các ý kiến phát biểu rất phong phú, xác đáng, hợp lý. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cố gắng nghiên cứu tiếp thu và có thể xây dựng Đề án riêng về vấn đề này. Hoặc về việc nâng cấp Ban Dân nguyện, Ban Công tác đại biểu thành các cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Đây là vấn đề lớn, không phải là vấn đề mới vì việc này đã được bàn thảo nhiều lần. Mặc dù, đã có kết luận của Hội nghị Trung ương, Kết luận 64 nhưng trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, vấn đề này đã được đặt trên bàn nghị sự, được báo cáo cơ quan thẩm quyền và được Quốc hội các khóa thảo luận nhưng cuối cùng giữ nguyên như quy định hiện nay.
Ba là, về Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến đại biểu quan tâm về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn ĐBQH; địa vị pháp lý, tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn và ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương; về bộ máy giúp việc của Đoàn ĐBQH; về kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Đoàn ĐBQH.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH để tiếp tục hoàn thiện, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để xin phép thông qua dự án Luật này tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (5/2020).
Thứ tư, ngày 13/11/2019,
- Quốc hội dành thời gian cả ngày, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018.
- Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018.
Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam./.