Thông cáo phiên họp thứ 41 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội

15/03/2007

Từ ngày từ 29-3 đến ngày 4-4-2001, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã họp tại Hà Nội dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Quốc hội Nông Ðức Mạnh.

1- Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá X.

Dự kiến kỳ họp này có các nội dung sau:

- Thông qua các dự án: Luật di sản văn hoá, Luật hải quan, Luật giao thông đường bộ, Luật phòng cháy và chữa cháy; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự;

- Cho ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 về tổ chức bộ máy Nhà nước.

- Cho ý kiến về 2 dự án: Luật bảo hiểm xã hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động;

- Xem xét các báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2000, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2001; các baó cáo công tác của một số cơ quan nhà nước, báo cáo về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; một số báo cáo chuyên đề về các vấn đề, lĩnh vực mà đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Ðồng thời, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan nhà nước hữu quan khác, khẩn trương chỉnh lý các dự án luật, các báo cáo và hoàn thành việc chuẩn bị về mọi mặt để kỳ họp được khai mạc vào hạ tuần tháng 5 -2001.

2- Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật phòng cháy và chữa cháy.

Dự án Luật phòng cháy và chữa cháy đã được chuẩn bị trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vừa qua. Việc ban hành Luật này nhằm tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước, nâng cao trách nhiệm của toàn dân đối với hoạt động phòng cháy và chữa cháy, góp phần bảo vệ tính mạng và sức khoẻ của nhân dân, bảo vệ tài sản của nhà nước và mọi tổ chức, cá nhân; bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

3- Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật giao thông đường bộ.

Giao thông đường bộ có vị trí rất quan trọng trong đời sống xã hội. Những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các hoạt động về lĩnh vực này. Tuy vậy, tình hình trật tự giao thông đường bộ vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng ách tắc giao thông đô thị và tai nạn giao thông tăng lên. Việc ban hành Luật giao thông đường bộ nhằm tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước, đề cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân để bảo đảm giao thông đường bộ thông suốt, trật tự, an toàn, thuận lợi , phục vụ thiết thực nhu cầu đi lại của nhân dân và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

4- Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai.

Luật đất đai hiện hành (ban hành năm 1993 và được sửa đổi, bổ sung năm 1998) trong thời gian qua đã phát huy tác dụng tích cực, giữ vai trò quan trọng trong việc thể chế hoá đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước ta về quản lý và sử dụng đất đai. Tuy vậy, trong tình hình mới, một số quy định của Luật không còn phù hợp cần được sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường việc quản lý đất đai thống nhất, theo quy hoạch, đúng pháp luật; bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả góp phần tăng cường bảo vệ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

5- Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự.

Yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới đã và đang đặt ra những đòi hỏi bức xúc trong việc kiện toàn và củng cố hệ thống các cơ quan tư pháp theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Ðảng khoá VIII. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự nhằm phân định một cách hợp lý hơn thẩm quyền của các cơ quan tư pháp, trước hết là thẩm quyền xét xử của toà án các cấp theo hướng tăng thẩm quyền cho toà án cấp huyện là một đòi hỏi khách quan và bức thiết.

6- Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật(sửa đổi).

Pháp lệnh hiện hành ban hành năm 1983, sau 7 năm thi hành, đã phát huy tác dụng tích cực. Tuy vậy, Pháp lệnh này đã bộc lộ một số bất hợp lý cần được bổ sung, sửa đổi nhằm tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước trong công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật, tạo cơ sở pháp lý trong việc phòng trừ sâu bệnh, ngăn chặn kịp thời dịch hại, bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp; góp phần ổn định và phát triển sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm sản và không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

7- Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh quảng cáo.

Hoạt động quảng cáo giữ vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế-xã hội. Trong những năm qua, các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này đã tạo hành lang pháp lý góp phần tích cực vào việc phát triển ngành quảng cáo, phục vụ công cuộc đổi mới kinh tế, từng bước xây dựng đội ngũ những người làm quảng cáo Việt Nam. Tuy vậy, trước đòi hỏi của sự phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cần thiết phải ban hành Pháp lệnh quảng cáo nhằm thể chế hoá các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về quảng cáo, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển quảng cáo, phục vụ thiết thực sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

8- Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh lưu trữ quốc gia nhằm bảo vệ an toàn và sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ quốc gia; nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ, quản lý và sử dụng tài liệu lưu trữ quốc gia.

9- Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi (sửa đổi) nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi tổ chức, cá nhân trong việc khai thác, bảo vệ công trình thuỷ lợi, phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm an toàn xã hội và an ninh quốc gia.

10- Theo đề nghị của Toà án nhân dân tối cao, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của các điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 Bộ luật hình sự năm 1999.

11- Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án thuỷ điện Sơn La và cho rằng, đây là công trình thuỷ điện lớn nhất nước ta và vào loại lớn của thế giới. Việc xây dựng công trình này là đòi hỏi bức thiết nhằm đáp ứng nhu cầu về điện; về phòng, chống lũ và các nhu cầu khác để phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước. Do tầm quan trọng và quy mô của dự án, việc nghiên cứu phải được tiến hành từng bước thận trọng nhằm lựa chọn được phương án tối ưu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
 
  • Quốc hội khóa XV
  • Phiên họp thứ 31
  • Phiên họp trong kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV
  • Phiên họp thứ 28
  • Phiên họp thứ 5
  • Phiên họp thứ 34
  • Phiên họp thứ 33
  • Phiên họp thứ 1
  • Phiên họp thứ 29