Thông cáo phiên họp thứ 54 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội

15/03/2007

Trong các ngày từ 26-6 đến 2-7-2002, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.

1- Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp tục chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XI và thấy rằng, đến nay các công việc chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành. ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp, khai mạc ngày 19-7-2002 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội và yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn tất việc chuẩn bị để góp phần làm cho kỳ họp thành công tốt đẹp.

Tiếp tục chuẩn bị về nội dung kỳ họp, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc sửa đổi các dự án:

- Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội;

- Quy chế hoạt động của ủy ban Thường vụ Quốc hội;

- Quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;

- Quy chế hoạt động của các ủy ban của Quốc hội;

- Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các Ban soạn thảo khẩn trương hoàn chỉnh văn bản để trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.

2- Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến các báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2001; tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước sáu tháng đầu năm 2002.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng, nhìn chung tình hình kinh tế-xã hội năm 2001 có nhiều chuyển biến tích cực, các nguồn lực trong nước được chú trọng huy động, thu ngân sách vượt dự toán và bảo đảm kịp thời các khoản chi; việc thực hiện và huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt kết quả khá. Cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch tích cực. Năng suất, chất lượng hàng hóa được nâng lên. Công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và một số lĩnh vực văn hóa-xã hội có bước tiến bộ. Chính trị, xã hội ổn định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu kinh tế đạt thấp hơn mức ước tính trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 12-2001). Tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm dần.

Trong sáu tháng đầu năm 2002, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức: hạn hán, cháy rừng... kéo dài trên diện tích rộng ở nhiều tỉnh, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn giữ được tốc độ khoảng 6,8%; một số lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, đầu tư phát triển, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và vốn ODA... tăng khá hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Thu, chi ngân sách nhà nước đều đạt khá hơn so với dự toán.

Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn cùng kỳ năm trước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra chậm và thiếu đồng bộ, chất lượng và hiệu quả phát triển của nền kinh tế chưa cao. Kim ngạch xuất khẩu giảm. Vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước triển khai chậm, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh trong nước đạt thấp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các giải pháp điều hành của Chính phủ trong sáu tháng cuối năm và nhấn mạnh một số vấn đề sau:

- Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn.

- Đa dạng hóa sản xuất đi đôi với các giải pháp về vốn, tín dụng đầu tư và việc tiêu thụ hàng hóa cho nông dân.

- Đẩy mạnh chủ trương kích cầu đầu tư trong nền kinh tế quốc dân.

- Tập trung sức của các ngành, các cấp để thúc đẩy xuất khẩu, tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.

- Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để có nguồn bổ sung cho chi đầu tư phát triển.

- Nâng cao chất lượng hoạt động tiền tệ-tín dụng, chấn chỉnh hoạt động của hệ thống ngân hàng.

- Chỉ đạo giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc như : Việc làm, chống các tệ nạn tham nhũng, ma túy, mại dâm, tai nạn giao thông...

3 - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) nhằm tăng cường đấu tranh phòng ngừa và chống vi phạm hành chính, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước.

4 - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Hành nghề y, dược ngoài công lập.

Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân ban hành năm 1993 đã tạo cơ sở pháp lý để quản lý hành nghề y, dược tư nhân; góp phần tích cực phát triển khu vực y tế tư nhân để cùng với khu vực y tế Nhà nước chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế xã hội, nhiều quy định của Pháp lệnh hiện hành không còn phù hợp. Việc ban hành Pháp lệnh Hành nghề y, dược ngoài công lập nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe và tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám, chữa bệnh của nhân dân; thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y, dược; bảo đảm thống nhất quản lý và đưa việc hành nghề y tế ngoài công lập vào hoạt động theo pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Ban soạn thảo phối hợp chặt chẽ với ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp tục hoàn chỉnh văn bản để trình ủy ban Thường vụ Quốc hội tại một phiên họp sau.
 
  • Phiên họp thứ 17
  • Phiên họp thứ 16
  • Phiên họp thứ 15
  • Phiên họp thứ 14
  • Phiên họp thứ 13
  • Phiên họp thứ 12
  • Phiên họp thứ 11
  • Phiên họp thứ 10
  • Phiên họp thứ 9
  • Phiên họp thứ 8
  • Phiên họp thứ 7
  • Phiên họp thứ 6
  • Phiên họp thứ 5
  • Phiên họp thứ 4
  • Phiên họp thứ 3
  • Phiên họp thứ 2
  • Phiên họp thứ 1
  • Quốc hội khóa XIII
  • Quốc hội khóa XII
  • Quốc hội khóa XI
  • Quốc hội khóa X