Thông cáo phiên họp thứ 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

14/03/2007

Từ ngày 20 đến ngày 29 tháng 9 năm 2004, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên họp thứ 22 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa.

1. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XI

Trên cơ sở Tờ trình của Văn phòng Quốc hội và qua thực tế chuẩn bị, Uỷ ban th­ường vụ Quốc hội nhận thấy rằng, các công việc chuẩn bị về mọi mặt cho kỳ họp đã được các cơ quan hữu quan khẩn trương thực hiện và đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm được tiến độ theo kế hoạch đề ra. Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp, khai mạc vào ngày 25-10-2004 tại hội trường Ba Đình, Hà Nội.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; thảo luận, thông qua hoặc cho ý kiến về các dự án luật; xem xét các báo cáo công tác của một số cơ quan nhà nước. Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến các báo cáo chuyên đề về các vấn đề, lĩnh vực mà đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm như tình hình giáo dục; việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư theo ngành và vùng lãnh thổ trong cả nước; kết quả khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản; tình hình thực hiện các công trình quan trọng quốc gia và dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2005.

Uỷ ban th­ường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục khẩn trư­ơng hoàn thành các công việc chuẩn bị để góp phần bảo đảm cho kỳ họp thành công tốt đẹp.

2. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các dự án: Luật quốc phòng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục; Luật thương mại (sửa đổi), Bộ luật dân sự (sửa đổi) để trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật cạnh tranh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất bản, Luật điện lực, Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Luật an ninh quốc gia để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XI.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh giám định tư pháp. Việc ban hành Pháp lệnh này là nhằm tạo cơ sở pháp lý, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình mới; quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động giám định tư pháp.

3. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghe Báo cáo của Chính phủ về tình hình giáo dục, các báo cáo của Chính phủ và Đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tình hình đầu tư xây dựng cơ bản.

- Về tình hình giáo dục: Tại kỳ họp thứ 6 sắp tới, Chính phủ sẽ báo cáo trước Quốc hội về tình hình giáo dục, trong đó tập trung đánh giá tình hình phát triển giáo dục về số lượng, chất lượng, những thành tựu, những yếu kém và nguyên nhân; những chủ trương, giải pháp phát triển sự nghiệp giáo dục phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; những kiến nghị với Quốc hội. Sau khi nghe Chính phủ báo cáo, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và yêu cầu Chính phủ tiếp tục chuẩn bị hoàn thiện báo cáo, đánh giá cụ thể, sâu sát để trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo hiện nay.

- Về tình hình đầu tư xây dựng cơ bản: Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình giám sát năm 2004, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát ‘‘Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư theo ngành và vùng lãnh thổ trong cả nước, kết quả khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tình hình nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, hiệu quả thấp và chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản’‘. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghe Chính phủ và Đoàn giám sát báo cáo về các nội dung trên và nhất trí với những đánh giá về thành tựu và những yếu kém, bất cập trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Đoàn giám sát tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo, nhất là các kiến nghị và giải pháp để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 tới.

4. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2005.

Qua hơn một năm thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội  và triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2004, hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Trên cơ sở đề nghị của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, Quốc hội sẽ quyết định chương trình giám sát năm 2005 với những nội dung cụ thể và các biện pháp hữu hiệu hơn nhằm bảo đảm thực hiện tốt chương trình đã đề ra.

5. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghe Thường trực Uỷ ban kinh tế và ngân sách, Thường trực Uỷ ban pháp luật và Thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội báo cáo về tình tình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

6. Cũng tại phiên họp này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả Hội nghị Đại hội đồng Liên nghị viện các nước Đông Nam á (AIPO) lần thứ 25 tại Vương quốc Cam-pu-chia từ ngày 14 đến ngày 17-9-2004; cho ý kiến về kế hoạch triển khai Nghị quyết 36-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.