Từ ngày 21 đến 25-2-2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên họp thứ 26 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.
1.Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về năm dự án luật dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 sắp tới. Ðó là các dự án: Luật Du lịch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và Luật Công an nhân dân:
- Về dự án Luật Du lịch: Sau 5 năm thực hiện Pháp lệnh du lịch, ngành du lịch Việt Nam đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; góp phần quảng bá, nâng cao vị thế của đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, Pháp lệnh này đã bộc lộ những bất cập, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung và nâng lên thành Luật nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý, bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững của ngành du lịch; tạo sức hấp dẫn tương xứng với tiềm năng của đất nước và bao quát được các mối quan hệ phát sinh trong lĩnh vực du lịch; đáp ứng các yêu cầu cơ bản để ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phù hợp với các quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế.
- Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự: Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành đã có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, góp phần xây dựng quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng. Tuy nhiên, một số quy định của Luật không còn phù hợp thực tiễn, cần được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những nhược điểm, bất cập trong hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng; đáp ứng các yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp các quy định trong hệ thống pháp luật nước ta.
- Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản: Sau tám năm thực hiện, Luật Khoáng sản hiện hành đã phát huy tác dụng tích cực, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực khoáng sản. Tuy nhiên, một số quy định của luật đã bộc lộ một số vấn đề cần được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những bất cập trong phân công, phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản giữa Trung ương và địa phương; quy định cụ thể về bảo vệ và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và một số vấn đề phát sinh khác...
- Về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Từ khi ban hành đến nay, Luật bảo vệ môi trường đã phát huy tác dụng tích cực. Hệ thống chính sách, thể chế từng bước được xây dựng và hoàn thiện, phục vụ ngày càng có hiệu quả cho công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, luật đã bộc lộ một số nhược điểm cần sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những bất hợp lý; kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Ðảng về môi trường và phát triển bền vững; đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như việc thực hiện các Ðiều ước quốc tế về bảo vệ môi trường mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự án Luật Công an nhân dân.
2. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung sau:
- Dự thảo Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân;
- Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở có yếu tố nước ngoài được xác lập trước ngày 1-7-1991:
- Việc chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 60 năm Quốc hội Vịêt Nam (6-1-1946 - 6-1-2006).