Thông cáo phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

14/03/2007

Từ ngày 27-3 đến ngày 5-4-2006, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên họp thứ 38 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa.

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI.

Trên cơ sở Tờ trình của Văn phòng Quốc hội và thực tế chuẩn bị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy rằng các công việc chuẩn bị cho kỳ họp đã cơ bản hoàn thành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp, khai mạc vào ngày 16-5-2006 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội.

Dự kiến nội dung kỳ họp này như sau:

a. Về công tác xây dựng pháp luật:

- Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật và 1 nghị quyết, đó là các dự án: Luật Điện ảnh; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật về Luật sư; Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi); Luật Công nghệ thông tin; Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Luật Tiêu chuẩn hóa; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Chứng khoán; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 05/1997/QH10 ngày 29-11-1997 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 2 về tiêu chuẩn các công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

- Quốc hội sẽ cho ý kiến về 12 dự án luật. Đó là các dự án: Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Luật Quản lý thuế; Luật Dạy nghề; Luật Bình đẳng giới; Luật Đê điều; Luật Thể dục, thể thao; Luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người; Luật về Hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; Luật Cư trú; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Công chứng.

b. Về các nội dung khác:

- Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về kế hoạch 5 năm (2006-2010), báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện nhiệm vụ và ngân sách Nhà nước năm 2005, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và ngân sách Nhà nước năm 2006; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2004;

- Xem xét các báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban về các vấn đề xã hội và Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

- Quốc hội giám sát tại kỳ họp việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai;

- Nghe báo cáo tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Quốc hội cũng sẽ xem xét và quyết định về một số vấn đề quan trọng khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp tục khẩn trương hoàn thành các công việc chuẩn bị để bảo đảm cho kỳ họp thứ 9 của Quốc hội thành công tốt đẹp.

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 10 trong số 12 dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 sắp tới. Đó là các dự án: Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; Luật Bình đẳng giới; Luật Tiêu chuẩn hóa; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Đê điều; Luật Công chứng; Luật về Hội và Luật Cư trú.

- Về dự án Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương phù hợp với nguyện vọng của người lao động, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và tay nghề cho người lao động, tiếp thu được công nghệ sản xuất mới, rèn luyện tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động; giảm được áp lực tạo việc làm trong nước và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Tuy nhiên lĩnh vực này chưa có được khung pháp lý hợp lý, nhiều vấn đề chưa có luật điều chỉnh. Vì vậy việc ban hành Luật này là một yêu cầu cấp bách.

- Dự án Luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người: Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, khoa học ghép mô, bộ phận cơ thể người ngày nay đã có những bước tiến vượt bậc, khiến cho việc chữa trị bằng phương pháp này đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam, hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người cũng đã có từ nhiều năm trước. Mặc dù thu được một số kết quả khả quan nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định; nguồn mô và bộ phận cơ thể người để ghép không nhiều, trong khi nhu cầu lại rất lớn; bên cạnh đó, những khó khăn về trang thiết bị, về chuyên môn, rào cản về tâm lý và sự thiếu những quy định mang tính pháp lý là yếu tố cản trở sự phát triển của việc ghép mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta. Do vậy, việc ban hành Luật này là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu chữa trị và yêu cầu hội nhập, bảo đảm sự tương thích, đồng bộ của pháp luật.

- Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động: Trong thời gian qua, Bộ luật Lao động và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động đã góp phần để người lao động bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình; nâng cao trách nhiệm của tổ chức công đoàn cơ sở làm cho quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động ngày càng ổn định. Tuy nhiên, số lượng các cuộc đình công trong giai đoạn gần đây có xu hướng gia tăng, chủ yếu là tự phát, không theo đúng trình tự, thủ tục luật định và phần lớn xuất phát từ việc vi phạm pháp luật lao động. Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật hiện hành về giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công chưa phù hợp với thực tiễn. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Lao động về giải quyết tranh chấp lao động và đình công là cần thiết.

- Về dự án Luật Bình đẳng giới: Mục tiêu bình đẳng nam, nữ đã được nêu trong các văn kiện của Đảng và thể chế hóa trong Hiến pháp cũng như nhiều văn bản pháp luật khác. Việc ban hành Luật Bình đẳng giới là nhằm quy định các biện pháp pháp lý, có hệ thống đảm bảo cho các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân thực hiện tốt hơn quyền bình đẳng nam, nữ.

- Về dự án Luật Tiêu chuẩn hóa: Trong những năm qua, hoạt động tiêu chuẩn hóa đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc thực thi pháp luật về tiêu chuẩn hóa cũng đã phần nào đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ... Tuy nhiên, trước những đòi hỏi ngày càng cao của việc tiếp tục đổi mới kinh tế, trong bối cảnh toàn cầu hóa và gia tăng liên kết khu vực và quốc tế hiện nay, hoạt động tiêu chuẩn hóa đã trở nên kém hiệu quả, việc ban hành Luật Tiêu chuẩn hóa là nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mở rộng thương mại, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

- Về dự án Luật Chuyển giao công nghệ: Thị trường công nghệ là một thành tố quan trọng của nền kinh tế thị trường, trong đó chuyển giao công nghệ là một trong những hoạt động quan trọng nhất. Do vậy, Nhà nước ta đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, các quy định trong lĩnh vực này chưa đầy đủ, rõ ràng và cụ thể; nhiều quy định chưa phù hợp với cơ chế thị trường, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đối tượng tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ còn hạn chế, thiếu các chế tài cần thiết nhằm thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ nhanh, có chất lượng và hiệu quả. Việc ban hành Luật Chuyển giao công nghệ nhằm khắc phục những khiếm khuyết trong các văn bản pháp luật hiện hành, bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật.

- Về dự án Luật Đê điều: Pháp lệnh Đê điều năm 2000 là cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý, bảo vệ và phát triển hệ thống đê ở nước ta. Qua 5 năm thực hiện, Pháp lệnh trên đã bộc lộ những bất cập trước yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, tốc độ đô thị hóa và tác động của thiên tai. Do đó, việc trình Quốc hội Luật Đê điều là cần thiết nhằm điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến đê điều.

- Về dự án Luật Công chứng: Trong thời gian qua, hoạt động công chứng đã đáp ứng phần nào nhu cầu về công chứng, chứng thực của tổ chức và công dân; góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động... cũng như phòng ngừa vi phạm pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của người dân. Tuy nhiên, hoạt động công chứng đã bộc lộ những hạn chế như phân định giữa công chứng và chứng thực chưa rõ ràng, tình trạng quá tải về công chứng, chứng thực. Trước xu thế hội nhập và yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp thì việc đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng và ban hành Luật và cần thiết.

- Dự án Luật về Hội: Hiện nay, nước ta đã có hàng trăm Hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc và hàng nghìn Hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thông qua hoạt động của mình, các Hội đã có nhiều đóng góp trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, tổ chức, hoạt động của các Hội và công tác quản lý Hội đã bộc lộ nhiều hạn chế. Do đó, việc ban hành Luật về Hội là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về Hội, cụ thể hóa các quy định về hoạt động và quyền lập Hội của công dân...

- Về dự án Luật Cư trú: Tự do cư trú là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan. Thông qua công tác đăng ký, quản lý cư trú, lực lượng công an nhân dân và các cơ quan chức năng nắm được di, biến động về dân cư, nhân khẩu và hộ khẩu... Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, các quy định trước đây về cư trú không còn phù hợp, thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho việc thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Do đó, việc ban hành Luật Cư trú là nhằm đáp ứng yêu cầu đăng ký, quản lý cư trú trong tình hình mới và tạo thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do lựa chọn nơi cư trú.

3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính; đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Dân số và Nghị quyết 228/NQ-UBTVQH10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X về việc đại biểu Quốc hội tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đốc đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân.

4. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chấm dứt hiệu lực của Pháp lệnh Nghĩa vụ lao động công ích; nội dung này đã và sẽ được quy định ở các luật chuyên ngành mà không cần phải có một pháp lệnh riêng.

5. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kiểm toán trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; việc giải quyết tranh chấp địa giới hành chính một số tỉnh; nghe báo cáo việc giải quyết vụ án hình sự Lã Thị Kim Oanh; nghe báo cáo kết quả chuyến thăm hữu nghị chính thức ba nước Brazil, Argentina, Venezuela và thăm Cu-ba của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An dẫn đầu từ ngày 5 đến 17-3-2006.